Xử lý như thế nào vụ nhuộm cà phê bẩn bằng pin độc hại ở Đắk Nông?

ANTD.VN - Luật sư cho rằng, đánh giá hành vi của đối tượng trong vụ nhuộm cà phê bẩn bằng pin ở Đắk Nông thì đây là hành vi vô nhân tính của chủ cơ sở đã “gián tiếp giết người hàng loạt”.

Mới đây, Phòng Cảnh sát Môi trường - Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp cùng Thanh tra Sở NN-PTNT, UBND huyện Đắk R’lấp và xã Đắk Wer đã bắt quả tang Cơ sở chế biến kinh doanh nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (tại thôn 13, xã Đăk Wer, huyện Đăk Rlấp, tỉnh Đăk Nông) đang nhuộm cà phê bẩn bằng pin.

Trong đó có 12 tấn cà phê đã được nhuộm đen bằng pin hiệu Con ó; 2 chậu chứa 35 kg pin được đập vụn; 1 xô chứa lõi pin; 1 xô chứa nước màu đen và nắp pin với trọng lượng 10 kg... dùng để nhuộm đen cà phê. Theo lời khai của bà Loan chủ cơ sở thì sau khi thu mua cà phê thải loại, cà phê vụn… bà cho người làm dùng lõi pin hòa với nước để nhuộm đen cà phê và bán ra thị trường.

Trao đổi với PV, về tính pháp lý trong vụ việc trên, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội) nhận định:

Trong những năm gần đây, với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, đời sống người dân được nâng cao nên nhu cầu tiêu thụ hàng hóa trong nước là rất lớn. Một số sản phẩm hàng hóa “cung” chưa đáp ứng “cầu”.

Bột pin được pha loãng để trộn chế biến cà phê. Ảnh: báo Đại đoàn kết

Do đó, tình hình sản xuất thức ăn, đồ uống giả, không đảm bảo chất lượng và không theo đúng thành phần nguyên liệu cũng như quy trình công nghệ đã đăng ký với cơ quan quản lý đã trở thành vấn đề nóng bỏng hiện nay. Một số đối tượng vì lợi ích cá nhân đã bất chấp đạo đức kinh doanh, pháp luật để lừa dối người tiêu dùng khi đưa vào lưu thông các sản phẩm hàng hóa độc hại ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe nòi giống của cả một dân tộc.

Vệ sinh an toàn thực phẩm có tầm quan trọng lớn đối với sức khỏe, bệnh tật. Thực phẩm là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho sự phát triển của cơ thể, đảm bảo sức khỏe con người nhưng đồng thời cũng là nguồn có thể gây bệnh nếu không đảm bảo vệ sinh. Về lâu dài thực phẩm không những có tác động thường xuyên đối với sức khỏe mỗi con người mà còn ảnh hưởng lâu dài đến nòi giống của dân tộc.

Sử dụng các thực phẩm không đảm bảo vệ sinh trước mắt có thể bị ngộ độc cấp tính với các triệu chứng ồ ạt, dễ nhận thấy, nhưng vấn đề nguy hiểm hơn nữa là sự tích lũy dần các chất độc hại ở một số cơ quan trong cơ thể sau một thời gian mới phát bệnh hoặc có thể gây các dị tật, dị dạng cho thế hệ mai sau.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng, đánh giá hành vi của đối tượng thì thấy, đây là hành vi vô nhân tính của chủ cơ sở đã “gián tiếp giết người hành loạt”.

“Ngay tại địa bàn nổi tiếng không chỉ trên cả nước mà cả thế giới về cà phê mà lại có hành vi chế biến, sản xuất các sản phẩm cà phê bằng các nguyên liệu rất độc hại cho con người như mua pin thải về đập dẹp, dùng bột màu đen trong lõi pin hòa với nước rồi đem nhuộm với càphê. Số cà phê sau khi được nhuộm, cơ sở đem rang, xay rồi đóng gói bán ra thị trường. Chỉ vì lợi nhuận mà đối tượng đã bấp chấp pháp luật, đạo đức kinh doanh đầu độc người tiêu dùng bằng cách đưa ra các sản phẩm cà phê rất độc hại với chi phí giá thành không đáng kể để lừa dối người tiêu dùng”, Luật sư Thơm nêu ý kiến.

Theo Luật sư Thơm, xét hành vi của đối tượng đã xâm hại khách thể bộ luật hình sự điều chỉnh đó là xâm phạm đến chế độ quản lý nhà nước về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của công dân và xâm hại đến quyền và lợi ích của người tiêu dùng, lừa dối người tiêu dùng.

Về nguyên tắc, khi xem xét hành vi phạm tội, cần định tội danh theo khách thể cao nhất trong vụ việc này đó là chế độ quản lý nhà nước về an toàn toàn thực phảm có liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con người. Do đó, hành vi của đối tượng đã có dấu hiệu của Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 317 BLHS 2015.

Đây là loại tội phạm có cấu thành vật chất. Nghĩa là phải có hậu quả thiệt thại về sức khỏe, tính mạng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng trở lên mới có căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là một điểm mới so với Điều 244 BLHS 1999 (Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm) chỉ có thể xử lý hình sự được khi buộc phải có hậu quả thiệt hại về sức khỏe, tính mạng. Do vậy, trước thời điểm BLHS 2015 có hiệu lực thi hành từ 01.01.2018 thì rất khó để xử lý được được hành vi này mà chủ yếu chỉ dừng lại ở xử phạt vi phạm hành chính.

Theo quan điểm của luật sư, trong vụ việc này, các cơ quan chức năng cần thiết phải xử lý hình sự đối với đối tượng về hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm theo Điều 317 BLHS 2015. Có như vậy mới có thể là hồi chuông cảnh báo, răn đe những đối tượng vì lợi ích mà đã và đang có hành vi đầu độc người tiêu dùng qua việc đưa vào lưu thông các sản phẩm gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe con người đang có xu hướng gia tăng và rất nóng bỏng hiện nay.

Ðiều 317. Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm;

b) Sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm;

c) Sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, chất xử lý cải tạo môi trường ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không đúng quy định trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi tại điểm này hoặc điểm a khoản này mà còn vi phạm;

d) Chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm; sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm: gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù 03 năm đến 07 năm:

a) Phạm tội có tổ chức;

b) Làm chết 01 người hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

d) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.

đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

e) Phạm tội 02 lần trở lên;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

d) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

d) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.