Xử lý nghiêm tội phạm tham nhũng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng (Bài 4): Chống tham nhũng với quyết tâm, hiệu quả cao hơn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đến nay, công cuộc phòng, chống tham nhũng đã có sự chuyển biến mạnh mẽ cả về lượng và chất. Nhưng như Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Cần tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng với quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn”.

Bước tiến mới trong chống “giặc nội xâm”

Tại một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác phòng chống tham nhũng đã được đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực, không có “vùng cấm”, ngoại lệ, rõ đến đâu xử đến đó. Tuy vậy, việc để xảy ra tham nhũng ngay trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng, các cơ quan bảo vệ pháp luật thời gian qua cũng làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật. Minh chứng cho nhận định này, bà Lê Thị Nga dẫn ví dụ về vụ Nguyễn Thị Kim Anh - Phó trưởng phòng Phòng chống tham nhũng (Thanh tra Bộ Xây dựng) và đồng phạm nhận hối lộ trong quá trình thanh tra tại một số đơn vị của tỉnh Vĩnh Phúc. Rồi vụ 5 cán bộ thanh tra tỉnh Thanh Hóa nhận hối lộ trong quá trình thanh tra một số địa phương hay vụ Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Tân Châu (tỉnh Tây Ninh), một thẩm phán Tòa án nhân dân huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) nhận hối lộ…

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng chưa triệt để và chưa tương xứng với các vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý trong thời gian qua. Cụ thể, năm 2019 có 21 người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm do để xảy ra tham nhũng (giảm 8 người so với cùng kỳ năm 2018). Bên cạnh đó, vẫn chưa tách bạch rõ việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng với xử lý trách nhiệm của người đứng đầu có hành vi tham nhũng để tăng cường các giải pháp thực hiện nên hiệu quả của biện pháp này trong công tác phòng chống tham nhũng chưa cao. Ngoài ra, tình trạng bổ nhiệm cán bộ thiếu điều kiện, tiêu chuẩn vẫn diễn ra. Vẫn còn hiện tượng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ khi giải quyết công việc liên quan đến tổ chức, người dân hoặc vi phạm nghiêm trọng về quy tắc ứng xử, trong đó có những trường hợp rất phản cảm và gây bức xúc trong dư luận. Tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp, “tham nhũng vặt” vẫn diễn ra trên nhiều lĩnh vực. Trong khi Đảng và Nhà nước đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý các vụ tham nhũng lớn, “lợi ích nhóm”, thì loại tội phạm này chuyển sang thủ đoạn đối phó, che giấu dưới các hình thức tinh vi, phức tạp hơn…

Có thể nhắc tới những vụ án tham nhũng lớn dưới hình thức “lợi ích nhóm”, “sân sau” như vụ việc liên quan đến khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm; sai phạm tại Tập đoàn Than, Khoáng sản Việt Nam; dự án mở rộng giai đoạn 2 Tổng Công ty Gang thép Thái Nguyên…

Khẳng định lòng tin của nhân dân với Đảng

Tại một buổi làm việc của Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng với tập thể Ban cán sự Đảng Bộ Giao thông - Vận tải vào đầu 7-2019, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng Lê Minh Trí từng nhấn mạnh: “Mục tiêu của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng là hướng tới sự ổn định và phát triển để mỗi ngành phát huy được vai trò của mình, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước”.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nhìn nhận, những kết quả đạt được trong công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua đã có tác dụng đẩy lùi tiêu cực, tham nhũng; làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị; góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Và quan trọng hơn là khẳng định lòng tin của người dân đối với Đảng, người dân yên ổn làm ăn, các doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong đấu tranh chống “giặc nội xâm” vấn đề đặt ra là làm thế nào để xử lý tham nhũng nhưng vẫn đảm bảo ổn định và phát triển là điều mà các cơ quan bảo vệ pháp luật luôn phải cân nhắc kỹ lưỡng về việc xử lý ai, xử lý đến mức độ nào và xử lý vào thời điểm nào. Điều này là rất quan trọng cho những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ hành vi tham nhũng, tiêu cực của các cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp.

Thực tế đấu tranh phòng, chống tham nhũng cho thấy, yêu cầu đặt ra là đòi hỏi các cơ quan bảo vệ pháp luật phải nỗ lực cao trong công tác của mình, phải vừa thận trọng, vừa khách quan. Thận trọng ở chỗ, khi quyết định xử lý hình sự phải chọn một thời điểm cho phù hợp, đảm bảo yêu cầu ổn định và phát triển. Khách quan ở chỗ phải nói đúng, nói đủ và có quan điểm một cách trung thực, không thể có 10 mà chỉ nói 3, sai mà nói thành đúng. Các cơ quan bảo vệ pháp luật cần công tâm cân nhắc, rạch ròi ranh giới để tránh làm ảnh hưởng đến nền kinh tế và sự phát triển chung của các doanh nghiệp. Việc xử lý cần tính đến thực trạng giữa yêu cầu xử lý và việc khắc phục hậu quả, không đơn thuần là xử lý một cá nhân, một nhóm người, mà cần tính đến hệ quả xã hội, kinh tế đối với hành vi liên quan; cần đảm bảo yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng với yêu cầu ổn định và phát triển, đòi hỏi nâng cao ý thức cá nhân, cá nhân nào làm, cá nhân ấy chịu trách nhiệm, tránh làm ảnh hưởng chung đến cả tập thể.

Trong công cuộc đấu tranh tiễu trừ loại “giặc nội xâm” này, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nhiều lần chỉ đạo là tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng với quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn. Đồng thời phải chấn chỉnh, đấu tranh, bác bỏ tư tưởng lo ngại rằng, việc đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt ý chí, tạo ra tư tưởng làm việc cầm chừng trong cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp.

Yếu tố tiên quyết là người đứng đầu

Nói về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay, Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an cũng bày tỏ: “Kể từ khi Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, cuộc chiến chống tham nhũng ở nước ta đã có bước ngoặt rất lớn, hoàn toàn thay đổi so với trước. Đây là điều mà tất thảy người dân đều nhận thấy. Chỉ trong vòng 3 năm, đã có hàng chục cán bộ, đảng viên, thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật Đảng và xử lý hình sự. Đó là những tín hiệu rất tích cực, cho thấy quyết tâm chống tham nhũng của Đảng”. Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, để cuộc chiến chống tham nhũng có những diễn biến mạnh mẽ như vậy thì yếu tố tiên quyết là do người đứng đầu đã phát huy được vai trò “cầm cờ” cũng như thể hiện được tấm gương đạo đức để mọi người tin tưởng, cùng làm theo.

Về phần mình, luật sư Lê Hồng Vân, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định, bên cạnh việc liên tục điều tra, truy tố và xét xử các vụ án tham nhũng lớn thì Đảng, Nhà nước ta tiếp tục hoàn thiện thể chế cũng như hệ thống pháp luật. Đơn cử như Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 có rất nhiều điểm mới như mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập. Theo đó, các đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập không còn được gói gọn ở một số cán bộ, công chức như quy định tại luật cũ mà là bao gồm: cán bộ, công chức; sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; người giữ chức vụ từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp… Ngoài ra những biến động tài sản từ 300 triệu đồng/năm đối với những đối tượng nêu trên phải kê khai bổ sung. Cán bộ, công chức kê khai không trung thực về tài sản, thu nhập có thể bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức là cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm. Tại cơ quan xảy ra tham nhũng, người đứng đầu cũng phải chịu trách nhiệm.

“Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác phòng chống tham nhũng đã được đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực, không có “vùng cấm”, ngoại lệ, rõ đến đâu xử đến đó. Tuy vậy, việc để xảy ra tham nhũng ngay trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng, các cơ quan bảo vệ pháp luật thời gian qua cũng làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật”.

Bà Lê Thị Nga (Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội )

“Kể từ khi Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, cuộc chiến chống tham nhũng ở nước ta đã có bước ngoặt rất lớn, hoàn toàn thay đổi so với trước. Đây là điều mà tất thảy người dân đều nhận thấy. Chỉ trong vòng 3 năm, đã có hàng chục cán bộ, đảng viên, thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật Đảng và xử lý hình sự. Đó là những tín hiệu rất tích cực, cho thấy quyết tâm chống tham nhũng của Đảng. Để cuộc chiến chống tham nhũng có những diễn biến mạnh mẽ như vậy thì yếu tố tiên quyết là do người đứng đầu đã phát huy được vai trò “cầm cờ” cũng như thể hiện được tấm gương đạo đức để mọi người tin tưởng, cùng làm theo”.

Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương (Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an)

“Với các quy định mới, quan trọng, nổi bật của Luật Phòng chống tham nhũng và hàng loạt đạo luật, văn bản luật liên quan chắc chắn sẽ góp phần ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính”.

Luật sư Lê Hồng Vân (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)