Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống:

Xử lý nghiêm tiêu cực giúp Đảng mạnh lên

ANTD.VN - PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ về những điểm mới nổi bật trong Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII. Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, Đảng đã thẳng thắn chỉ ra một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên có dấu hiệu suy thoái, “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, vấn đề lúc này là phải có giải pháp xử lý thật nghiêm minh. 

Không kiểm điểm chung chung

- PV: Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII vừa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành trong bối cảnh có rất nhiều vụ “lùm xùm” liên quan đến công tác cán bộ ở một số bộ, ngành, địa phương. Ông đánh giá thế nào về những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ được Trung ương chỉ ra tại Nghị quyết này?

- PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII là sự tiếp nối, kế thừa và phát triển từ Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Có thể thấy, từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI (năm 2012) đến nay, chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng.

Sau hơn 4 năm, chúng ta đã xử lý gần 74.000 cán bộ đảng viên các cấp có vi phạm, đây là một con số không nhỏ. Chúng ta đã đưa 8 vụ “đại án” ra xét xử trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và tiếp tục đưa ra xét xử 6 vụ án lớn.

Đặc biệt, gần đây, chúng ta đang làm một số vụ điển hình được dư luận quan tâm như vụ Trịnh Xuân Thanh, xử lý kỷ luật Đảng đối với nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, hay ở cấp địa phương cũng đang vào cuộc thanh tra, xử lý vụ Sở LĐ-TB&XH Hải Dương có 44/46 biên chế làm cán bộ quản lý... Điều này thể hiện sự nghiêm minh trong Đảng. 

Song, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại đòi hỏi sự quyết tâm hơn nữa. Chúng ta đang tập trung chống tham nhũng, lãng phí - hai lĩnh vực này vẫn chưa được đẩy lùi, ngăn chặn nhưng xây dựng, chỉnh đốn Đảng không chỉ có chống tham nhũng mà phải làm toàn diện, từ cái gốc là đường lối chính trị, tư tưởng lý luận cách mạng đến vấn đề then chốt là công tác cán bộ...

Trong “tự diễn biến, tự chuyển hóa” thì điều nguy hiểm nhất là “tự diễn biến, tự chuyển hóa” về ý thức hệ, hệ tư tưởng, tức những cán bộ đảng viên xa rời mục tiêu, lý tưởng cách mạng, xa rời chủ nghĩa Marx - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

- Việc ban hành Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn trong việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng trước thực trạng nêu trên. Vậy những điểm mới, nổi bật nhất trong Nghị quyết này là gì, thưa ông?

- Thứ nhất, Trung ương đã nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật về tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ. Điều này thể hiện bản lĩnh chính trị của Đảng, cũng thể hiện quyết tâm để sửa chữa những khuyết điểm, yếu kém và suy thoái trong một bộ phận cán bộ đảng viên.

Thứ hai, lần đầu tiên Trung ương đã chỉ rõ những biểu hiện của suy thoái tư tưởng chính trị; đạo đức lối sống; “tự diễn biến, tự chuyển hóa” một cách có hệ thống, giúp các tổ chức đảng và từng đảng viên trong toàn Đảng có căn cứ cụ thể để tự phê bình, phê bình, tự soi rọi lại mình và tổ chức của mình chứ không kiểm điểm một cách chung chung.

Điểm mới nữa là lần này chúng ta liên kết cả ba vấn đề trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng là chống suy thoái tư tưởng chính trị; đạo đức lối sống và vấn đề “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, để thực hiện đồng thời. Điều này rất có ý nghĩa bởi chúng liên hệ mật thiết với nhau. 

Phải có cơ chế kiểm soát quyền lực 

- Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những biểu hiện rất nghiêm trọng của “tự diễn biến, tự chuyển hóa” là những lệch lạc trong một bộ phận cán bộ, công chức hiện nay như tư duy nhiệm kỳ hay “nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ…”. Ông nhận xét thế nào về ý kiến này?

- Đúng là gần đây đang nổi lên một số vấn đề như vậy trong công tác cán bộ, biểu hiện qua tình trạng một số nơi bổ nhiệm cán bộ là con, cháu hay bổ nhiệm cán bộ ồ ạt, tràn lan cuối nhiệm kỳ. Cần phải ngăn chặn và xử lý nghiêm những biểu hiện tiêu cực này. Việc xử lý cán bộ vi phạm nhằm làm cho Đảng mạnh lên.

Theo tôi, điều quan trọng - như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu - là phải có cơ chế kiểm soát quyền lực. Đảng, Nhà nước giao trọng trách, trách nhiệm cho mỗi cán bộ thì phải có cơ chế thanh tra, kiểm tra để kiểm soát được việc thực hiện trọng trách, nhiệm vụ của họ chứ không phải giao cho ông làm Bộ trưởng rồi ông muốn làm gì thì làm. Nếu không kiểm soát được quyền lực sẽ dẫn đến độc đoán, chuyên quyền, lạm quyền. 

Cùng với đó, phải lắng nghe và nâng cao vai trò giám sát của nhân dân, các tổ chức đoàn thể xã hội, phải vận động nhân dân tham gia vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Công cuộc chống suy thoái, chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ không phải là công việc riêng của Đảng mà là việc chung của đất nước, của toàn dân.

- Trong số những giải pháp mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã đề ra, theo ông, để Nghị quyết đi vào cuộc sống thì đâu là vấn đề tiên quyết?

- Nghị quyết đã nêu rõ 4 nhóm giải pháp, cùng với đó là những nhiệm vụ rất cụ thể. Muốn Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, nghiêm túc thực hiện tốt các giải pháp, nhiệm vụ đã đề ra.

Trong đó, cần tập trung hơn đến việc giáo dục lý luận chủ nghĩa Marx - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh đến các cán bộ đảng viên, bởi muốn chống được suy thoái về tư tưởng chính trị thì trước hết phải bảo vệ vững chắc được hệ tư tưởng của Đảng. Phải nêu cao trách nhiệm, lòng tự trọng của mỗi cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu. Đây là cái gốc. Mỗi cán bộ đảng viên phải ra sức tu dưỡng, rèn luyện, như người xưa đã nói, có “tu thân” tốt mới “tề gia, trị quốc” tốt được.

- Xin cảm ơn ông!