Xử lý nghiêm sai phạm của doanh nghiệp Nhà nước

ANTĐ - “Lo ngại lạm phát giảm sâu tác động không tích cực tới sản xuất kinh doanh cũng như mục tiêu tăng trưởng; Việc xử lý những sai phạm tại Vinalines cùng các vấn đề liên quan” là những nội dung chính được báo chí quan tâm tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 - 2012 diễn ra chiều qua (27-5).

Xử lý nghiêm sai phạm của doanh nghiệp Nhà nước  ảnh 1
Chỉ số giá tiêu dùng giảm mạnh là tín hiệu khả quan giúp kiềm chế lạm phát


Lo ngại lạm phát giảm quá sâu

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm, đã và đang có chuyển biến tích cực qua từng tháng. Từng ngành, từng lĩnh vực đều có xu hướng phục hồi, vượt qua khó khăn, thể hiện rõ nhất là lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định, các ngành sản xuất, dịch vụ đều tăng dần tuy còn chậm.

Các giải pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục phát huy hiệu quả. Chỉ số giá tiêu dùng CPI giảm mạnh, tháng 5 chỉ tăng 0,18% so với tháng trước và tăng 2,78% so với cuối năm 2011. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện nhanh hơn lộ trình giảm mặt bằng lãi suất góp phần tạo niềm tin của thị trường. Lãi suất sẽ phải tiếp tục giảm tiếp để phù hợp với lạm phát. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng ngày càng tốt lên, tỷ giá ổn định, cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện và dự trữ ngoại tệ tăng.

Tuy nhiên, kinh tế trong nước nổi lên một số khó khăn cần giải quyết như, tăng trưởng kinh tế thấp, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,2% thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, hàng tồn kho giảm chậm. Mặt bằng lãi suất tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng. 

Đại diện Văn phòng Chính phủ cho biết, theo đánh giá của các chuyên gia cũng như đánh giá của các tổ chức, định chế tài chính quốc tế thì lạm phát của Việt Nam đang giảm quá sâu khoảng 4-5%. Mục tiêu điều hành của Chính phủ đặt ra là giữ lạm phát ở mức 9%, vì nếu để lạm phát giảm quá sâu sẽ ảnh hưởng tới sản xuất cũng như tốc độ tăng trưởng.

Với những kết quả bước đầu, Chính phủ nhất trí cho rằng phải kiên trì giữ vững các mục tiêu đã đề ra cho năm 2012, chủ động điều hành kiềm chế lạm phát ở mức 7-8%, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo tăng trưởng ở mức hợp lý khoảng 6% và bảo đảm thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội theo kế hoạch đặt ra từ đầu năm. 

Không vì sai phạm mà bỏ kinh tế biển 

Liên quan tới những sai phạm tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, ngay khi được cơ quan công an báo cáo, Thủ tướng Chính phủ đồng thời là Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã trực tiếp có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện KSND tối cao yêu cầu tiến hành xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, ông Vũ Đức Đam cũng nêu rõ quan điểm của Chính phủ đối với các vấn đề sai phạm tại các doanh nghiệp Nhà nước. “Tất cả các doanh nghiệp Nhà nước không riêng gì Vinalines và Vinashin, nếu để xảy ra sai phạm thì đều phải xử lý theo quy định của pháp luật. Các cơ quan thanh tra, kiểm toán đều tiến hành thanh, kiểm tra theo định kỳ. Nếu phát hiện các dấu hiệu vi phạm pháp luật sẽ chuyển cho cơ quan điều tra xử lý theo đúng thẩm quyền” - ông Đam nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi về việc Vinalines có sai phạm nhưng vẫn phải nhận thêm đội tàu từ Vinashin thì có mang lại hiệu quả như trong đề án tái cơ cấu nêu ra, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết: “Sai phạm liên quan đến ụ nổi diễn ra từ năm 2007 nhưng đến năm 2010 mới chuyển một số đơn vị từ Vinashin sang Vinalines. Khi đó Vinashin không còn ban lãnh đạo nếu không chuyển nguyên trạng một số đơn vị của mình sang Vinalines thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Chính phủ cũng đặt ra yêu cầu việc chuyển giao phải trên tinh thần cùng ngành nghề kinh doanh và đảm bảo hai nguyên tắc là hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, không làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp chuyển đi cũng như nơi tiếp nhận và tất cả các doanh nghiệp đều được xử lý, hạch toán riêng”. 

Ông Đam cho biết thêm, cho đến nay các doanh nghiệp chuyển từ Vinashin sang Vinalines vẫn được hạch toán riêng. Riêng Vinalines khi chưa nhận doanh nghiệp của Vinashin sang thì năm 2009 cũng đã lỗ 400 tỷ đồng, năm 2010 lỗ trên 1.200 tỷ đồng, năm 2011 lỗ trên 2.600 tỷ đồng và vẫn rất rõ khoản lỗ nào của Vinalines, lỗ nào của Vinashin và đều dược báo cáo riêng.

Liên quan tới đề án hiện đại hóa ngành giao thông vận tải, trong đó có việc đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng để hiện đại hóa đội tàu không, ông Đam cho biết, Việt Nam là quốc gia biển nên phải phát triển ngành kinh tế biển. Không chỉ khi xảy ra vụ việc sai phạm tại Vinalines Chính phủ mới có chỉ đạo xem xét đề án này. Hiện, đề án của Bộ GTVT trình mới chỉ theo chủ trương và sẽ được các cơ quan hữu quan, dư luận, chuyên gia… góp ý sau đó mới đến giai đoạn phê duyệt và đưa ra lộ trình thực hiện. 

Một số chỉ tiêu 5 tháng đầu năm
- Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 42,86 tỷ USD, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 43,48 tỷ USD, tăng 6,6%. Nhập siêu là 622 triệu USD, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ.
- Tổng thu Ngân sách Nhà nước ước đạt gần 291,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách ước trên 338 nghìn tỷ đồng.
- Cả nước ước tạo việc làm cho khoảng hơn 612.000 người, đạt 38,3%, trong đó xuất khẩu lao động đạt khoảng hơn 32.000 người.