Xử lý nghiêm người vi phạm trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra

ANTĐ - Sáng 27-5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII, năm 2015 và Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Mở đầu phiên họp, Đại tướng Trần Đại Quang - Bộ trưởng Bộ Công an trình bày Tờ trình dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự. Dự thảo quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; nguyên tắc tổ chức điều tra hình sự; hệ thống các Cơ quan điều tra; nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra; các hành vi bị nghiêm cấm…

Đại tướng Trần Đại Quang - Bộ trưởng Bộ Công an trao đổi với một số ĐBQH trong giờ giải lao

Trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh năm 2004, đồng thời sửa đổi, bổ sung để phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm quyền con người, quyền lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, Luật quy định: ‘‘Quyền lực nhà nước là thống nhất’’; ‘‘Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người vi phạm pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo quy định của pháp luật’’. Luật còn quy định rõ về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn CQĐT của CAND.

Về dự án luật trên, tại báo cáo Thẩm tra dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận định, dự án Luật có một số quy định mới, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Cụ thể là, dự thảo Luật có quy định đối với trường hợp khi CQĐT tiến hành điều tra tội phạm thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình mà phát hiện người phạm tội còn thực hiện tội phạm khác thì CQĐT đó cũng được khởi tố, điều tra đối với tội phạm này. Về vấn đề này, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội có hai loại ý kiến đồng tình và không đồng tình với nhiều lý do khác nhau.

Về các cơ quan khác của CAND được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, dự thảo Luật không quy định Trại tạm giam, Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp là các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhất trí với việc tinh gọn đầu mối theo hướng này, đồng thời đề nghị không nên tiếp tục giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cho các Cục, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội.

Về tiêu chuẩn chung của Điều tra viên, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận thấy, hoạt động điều tra có vai trò rất quan trọng trong việc xác định sự thật khách quan của một vụ án hình sự, vì vậy Điều tra viên là một nghề đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cao. Hơn nữa, Điều tra viên là một chức danh tư pháp nên tiêu chuẩn Điều tra viên cũng cần phải phù hợp với tiêu chuẩn của các chức danh tư pháp khác. Vì vậy, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị bổ sung tiêu chuẩn “đã trúng tuyển kỳ thi vào ngạch Điều tra viên” là một trong những tiêu chuẩn để bổ nhiệm Điều tra viên.

Trong phần thảo luận tại hội trường, hầu hết đại biểu đều thể hiện sự đồng tình với dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015. Tuy vậy, xung quanh Điều 60 của Luật BHXH năm 2014 còn nhiều ý kiến khác nhau.

ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng, Điều 60 Luật BHXH nhằm bảo đảm quyền thụ hưởng lâu dài của người lao động là hoàn toàn phù hợp, song công tác triển khai tuyên truyền luật của cơ quan chức năng đến người lao động còn hạn chế. Do vậy, Quốc hội cần có Nghị quyết về lộ trình thực hiện điều 60, đồng thời tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, giám sát việc thi hành luật.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu

Còn theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm – Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh, nhiều công nhân khu công nghiệp cho biết, Điều 60 Luật BHXH là tiến bộ phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động, nhưng còn thiếu thực tiễn. Do vậy, cần xem xét sửa đổi điều luật này theo hướng linh hoạt hơn để người lao động thấy rằng khi họ lựa chọn bất cứ phương án nào thì quyền lợi của họ vẫn được bảo vệ.

ĐB Trần Ngọc Vinh – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng trình bày quan điểm, Điều 60 Luật BHXH nên quy định mở để người lao động có quyền lựa chọn. Bên cạnh đó cần giải thích cụ thể để người lao động hiểu rằng, nếu đóng BHXH lâu dài để hưởng chế độ hưu trí sẽ có lợi hơn.

ĐB Chu Sơn Hà – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Nội nêu ý kiến, quy định tại Điều 60 Luật BHXH là rất nhân văn và đúng chủ trương, song việc một số người lao động không đồng tình là do công tác phổ biến pháp luật chưa đầy đủ, việc tham vấn đối tượng còn thiếu sót, quá trình đánh giá tác động chưa kỹ lưỡng, chưa phủ kín đối tượng điều chỉnh. Vì vậy, ĐB Chu Sơn Hà đề nghị Quốc hội giao Chính phủ khảo sát đánh giá lại đối tượng khó khăn không tham gia lâu dài để có quyết định đúng đắn về việc sửa hay ra Nghị quyết.