Xử lý nghiêm "ma men" lái xe trên Quốc lộ 32

ANTD.VN - Chưa khi nào, những vụ TNGT liên quan đến lái xe uống bia, rượu và sử dụng ma túy lại diễn ra nhức nhối như trong thời gian qua. Cục CSGT (Bộ Công an) nhận định, ngoài nội đô, những tuyến Quốc lộ cũng là điểm mà các lái xe này thường xuyên vi phạm. Nếu CSGT không kịp thời phát hiện và xử lý, tai họa từ những “ma men” lái xe có thể xảy ra bất cứ lúc nào với hậu quả không gì có thể lường trước được.

CSGT kiểm tra nồng độ cồn của lái xe

Kiên quyết xử lý

Thiếu tá Lê Văn Tiến - Đội phó Đội CSGT số 9 (Phòng CSGT, CATP Hà Nội) có khuôn mặt sạm đen vì nắng gió. Đã nhiều tuần nay, anh và CBCS của đơn vị chẳng biết đến một ngày nghỉ bởi các chuyên đề, kế hoạch cứ liên tiếp được triển khai. Ở một địa bàn mà gần như tất cả người tham gia giao thông đều là người dân vùng ngoại thành, chỉ cần CSGT lơ là một chút, những nguy cơ xảy ra TNGT đặc biệt là xảy ra TNGT nghiêm trọng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Trực tiếp chỉ huy và làm nhiệm vụ cùng Thiếu tá Tiến, Trung tá Trương Song Thành - Đội trưởng Đội CSGT số 9 cũng lo lắng bởi dọc trục Quốc lộ 32 nối từ địa bàn 2 quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm kéo dài hàng chục km đến tận chân dãy núi Ba Vì. Trừ đường sắt có khá ít, gần như tất cả phương tiện tham giao giao thông trên tuyến đường này là xe khách, ô tô, xe máy. Bên cạnh yếu tố xuyên qua trung tâm các huyện lỵ, thị xã, thị trấn, dọc trục đường này còn có  nhiều cửa hàng kinh doanh ăn uống  phục vụ hành khách, lái xe đường dài. “Mà đâu phải lái xe nào cũng có ý thức đã lái xe là không uống bia, rượu đâu”- Trung tá Thành cho biết.

CSGT kiểm tra 5 lỗi vi phạm trọng tâm gồm: Điều khiển xe quá tốc độ cho phép; vi phạm nồng độ cồn, ma túy; không chấp hành đèn tín hiệu giao thông; không chạy đúng phần đường, làn đường và dừng đỗ sai quy định. Lực lượng tuần tra kiểm soát được bố trí khép kín. CSGT sử dụng máy đo nồng độ cồn, thiết bị, phương tiện kỹ thuật khác để tuần tra cơ động trên các tuyến đường nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những vi phạm.

Kế hoạch 69 của Phòng CSGT và gần nhất là Kế hoạch Tổng kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến xe khách, xe container và xe máy của Cục CSGT, CATP Hà Nội đã được đơn vị triển khai nghiêm túc, hiệu quả. Mặc dù quân số đơn vị khá mỏng, lại phải phụ trách tuyến đường dài, phức tạp, nhưng Ban Chỉ huy đơn vị vẫn khéo léo bố trí khoa học những tổ công tác phục vụ kế hoạch trên. Thời gian kiểm tra xử lý vi phạm được đơn vị lựa chọn trong 2 khung giờ trưa và tối. Toàn bộ những điểm, khu vực các lái xe ăn uống trên trục Quốc lộ 32 đều có CSGT cắm chốt, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm. 

Tại khu vực Trạm Trôi, bên trong những quán bia, rượu vang lên tiếng hò dô 100%. Đúng như nhận định của CSGT, sau khi say men cuộc vui, các thực khách dần rời quán. Khi đó, CSGT chốt ở hai đầu đường tiến hành kiểm tra hành chính các lỗi liên quan đến Luật Giao thông đường bộ, đặc biệt là nồng độ cồn. Nam thanh niên điều khiển xe Wave mang BKS Hà Nội  nhận thấy có CSGT làm nhiệm vụ phía trước đã vội vàng chuyển hướng vào ngõ nhỏ nhằm né tránh kiểm tra. Tuy nhiên, lái xe này đã bị CSGT chặn lại và kết quả là hơi thở của anh ta có nồng độ cồn vượt xa so với mức quy định. Dù liên tục tìm cách trì hoãn, nhưng cuối cùng lái xe đã buộc phải ký vào biên bản.

Xử lý người điều khiển mô tô, xe máy uống rượu bia khó một thì xử lý lái xe ô tô khó mười. Lẽ thường, càng là người điều khiển phương tiện với nguồn nguy hiểm tăng dần thì ý thức, trình độ nhận biết, kiến thức liên quan đến đảm bảo an toàn đáng ra phải hơn người khác.

Thế nhưng nhiều lái xe ô tô khi bị CSGT kiểm tra đã ngồi lỳ trên xe, có trường hợp khi vừa bước xuống đã lôi ngay điện thoại ra quay clip rồi lớn tiếng hoạnh họe CSGT đủ thứ vô lối. Thậm chí, có lái xe “nổ” đủ mọi quan hệ “khủng” nhằm tránh không cho CSGT kiểm tra nồng độ cồn. Những khuôn mặt phừng phừng men rượu ấy chỉ cần một cái ngáp dài, đôi mắt díp lại trong giây lát là có thể khiến bao người tham gia giao thông phải chịu cảnh chia lìa người thân.

Ý thức kém, tai nạn sẽ tăng

Để công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của tổ chuyên đề được hiệu quả, Trung tá Trương Song Thành cho biết: “Đơn vị tăng cường công tác điều tra cơ bản, chủ động nắm tình hình TTAGT trên tuyến, địa bàn được phân cấp quản lý, các tuyến, khu vực phức tạp về ATGT. Đặc biệt, CSGT kiểm tra 5 lỗi vi phạm trọng tâm gồm: Điều khiển xe quá tốc độ cho phép; vi phạm nồng độ cồn, ma túy; không chấp hành đèn tín hiệu giao thông; không chạy đúng phần đường, làn đường và dừng đỗ sai quy định. Lực lượng tuần tra kiểm soát được bố trí khép kín. CSGT sử dụng máy đo nồng độ cồn, thiết bị, phương tiện kỹ thuật khác để tuần tra cơ động trên các tuyến đường nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những vi phạm nằm trong nội dung của kế hoạch”.

Không chỉ các tổ công tác của những Đội CSGT quản lý địa bàn mà ngay cả tổ công tác xử lý chuyên đề nồng độ cồn của Phòng CSGT khi xuống địa bàn triển khai kế hoạch kiểm tra cũng gặp vô vàn những trường hợp cố tình chống đối, bất hợp tác. Mới đây, tổ công tác của Phòng CSGT trong quá trình làm nhiệm vụ tại phố Linh Đường (quận Hoàng Mai) phát hiện một nam thanh niên phóng xe máy từ quán nhậu ra nên đã yêu cầu dừng lại kiểm tra. Dù mặt đỏ gay, phừng phừng bia rượu nhưng anh này vẫn tìm đủ mọi cách trì hoãn công tác của CSGT.

Tự giới thiệu là cán bộ đang công tác ở một cơ quan Nhà nước để mong được “thông cảm” mà không xong, người này đã gọi cho lãnh đạo của mình để… xin hỗ trợ. Rồi tiếp đó, một số đồng nghiệp của anh ta xuất hiện với thái độ và lời nói gây áp lực cho tổ công tác. Căn cứ vào thẻ công chức của số người này đang đeo thì tất cả đều là cán bộ, viên chức. Thời điểm họ rời quán là 14h, quá thời gian làm việc theo quy định của Nhà nước 30 phút và trong tình trạng ngất ngây hơi men.

Chỉ huy Đội CSGT số 9 cho biết, lường trước được những tình huống phát sinh trong quá trình làm nhiệm vụ, đơn vị chỉ đạo CBCS phải luôn xử lý khéo léo, nhưng kiên quyết và đúng quy định pháp luật. Khi lái xe không chấp hành hiệu lệnh, CSGT nhanh chóng ghi nhận đặc điểm xe, người lái, thông báo cho các tổ TTKS trên tuyến để hỗ trợ và báo cáo lãnh đạo đơn vị. Các tổ TTKS nhận được yêu cầu hỗ trợ sẽ  triển khai ngay lực lượng, duy trì chế độ thông tin liên lạc để phối hợp ngăn chặn.

Tùy theo loại xe và tính chất, mức độ vi phạm của người lái xe, tổ trưởng tổ TTKS quyết định tổ chức lực lượng, phương tiện, biện pháp thực hiện việc ngăn chặn cho phù hợp, bảo đảm an toàn cho CBCS và người tham gia giao thông. Những biện pháp vừa khéo léo, quyết liệt này đã giúp công tác xử lý vi phạm của đơn vị đạt hiệu quả cao. Thống kê, thực hiện Kế hoạch 69, Đội CSGT số 9 đã phát hiện và xử lý hàng chục trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn, góp phần đảm bảo ATGT trên tuyến Quốc lộ 32 nói riêng và thành phố nói chung.