Xử lý nghiêm lái xe ô tô cản trở xe cứu hỏa để đảm bảo tính răn đe

ANTD.VN -Cách đây ít ngày, tại đường Lê Văn Khương, quận 12, TP.HCM xảy ra sự việc khá hi hữu. Sau khi nhận tin báo cháy, một số xe cứu hỏa của Cảnh sát PCCC quận 12 lên đường làm nhiệm vụ. Đến đường Lê Văn Khương, dù đoàn xe hú còi xin ưu tiên nhưng ôtô màu trắng chạy phía trước vẫn không nhường đường.

Đoạn clip dài gần 1 phút ghi lại cảnh xe cứu hỏa liên tục hú còi xin đường, trong khi nhiều xe đi sát vào lề để nhường đường cho xe chữa cháy thì một ôtô màu trắng dường như “giả điếc”, chạy trước đầu xe chữa cháy, kiên quyết không nhường đường. Phải mất khoảng 3-4 km, xe chữa cháy mới vượt qua được chiếc xe màu trắng này.

Phạt nặng để đảm bảo tính răn đe

Sau sự việc trên, Đội CSGT quận 12 (TP HCM) đã xác định được người điều khiển chiếc xe là ông Đ.X.N (ở huyện Hóc Môn, TP.HCM), gửi thư mời lên làm việc về lỗi không nhường đường cho xe ưu tiên đi làm nhiệm vụ. Trong buổi làm việc, lái xe này đã đưa ra lý do là “không nghe thấy tiếng còi xe cứu hỏa”.

Sự việc trên khiến nhiều người dân bức xúc và cho rằng hành vi phớt lờ tín hiệu xin vượt của xe chữa cháy của lái xe ôtô trắng là không thể chấp nhận được bởi việc cứu hỏa, cứu người rất cấp thiết, cần được ưu tiên số 1.

Xe ô tô cản đường xe cứu hỏa (ảnh cắt từ clip)

 “Tôi đã xem khá kỹ đoạn clip được đăng tải trên mạng và thấy rằng, ngay sau khi đoàn xe cứu hỏa bấm còi xin vượt, một số phương tiện đang lưu thông trên đường đã nhường đường, song lái xe ô tô trắng vẫn cố tình chạy phía trước, ngay cả ở những đoạn đường rộng có thể tránh sang bên phải. Ai cũng biết, công tác chữa cháy là vô cùng cấp bách, chỉ cần chậm vài phút có thể gây ra thiệt hại nặng nề về người và của. Do đó, cơ quan chức năng cần xử phạt thật nặng đối với người lái xe này. Hơn nữa, đoạn clip đăng tải trên mạng đã khá rõ ràng nên có đủ căn cứ để phạt nguội” – anh Nguyễn Đình Trung – khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội nêu ý kiến.

Với quan điểm tương tự, anh Vũ Đình Duy ở đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội chia sẻ, nếu vì sự cản trở này mà không chữa cháy kịp thời dẫn đến chết người thì chủ xe nghĩ như thế nào? Và nếu nơi cần chữa cháy là nhà người thân của chủ xe thì anh ta có hối hận không? Hành vi này không chỉ là sự thiếu ý thức mà còn thể hiện sự coi thường pháp luật. Vì vậy, ngoài việc phạt tiền, cơ quan chức năng cần xem xét có thể tước giấy phép lái xe vĩnh viễn. Có như vậy mới đảm bảo tính răn đe.

Cũng theo anh Duy, trường hợp lái xe vi phạm đưa ra lý do “không nghe thấy tiếng còi xe cứu hỏa”, cơ quan chuyên môn có thể kiểm tra lại thính lực của anh ta, thậm chí là cả thị lực, bởi về nguyên tắc khi lái xe lưu thông trên đường phải thường xuyên quan sát gương chiếu hậu. “Thật khó có thể tin được một đoàn xe chữa cháy bóp còi liên tục với âm lượng khá lớn ở ngay phía sau mà người ngồi trong ô tô phía trước lại không nghe thấy, không nhìn thấy. Do đó, việc đưa ra lý do này thể hiện sự thiếu trung thực của lái xe vi phạm nên có thể xem xét phạt nặng hơn” – anh Duy đề xuất.

Phạt tiền 2,5 triệu đồng, tước giấy phép 2 tháng

Về các chế tài xử lý hành vi vi phạm nêu trên, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho rằng, Điều 22, Luật Giao thông Đường bộ 2008 quy định, những xe được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự: Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ; Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường; Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu…Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.

Còn theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ thì người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự ô tô có hành vi không nhường đường cho các loại xe ưu tiên khi đang đi làm nhiệm vụ sẽ bị phạt  từ 2-3 triệu đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi trên còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.

Được biết, chiều 14-7, CAQ 12 (TP.HCM) đã ra quyết định phạt 2,5 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng đối với lái xe ôtô có hành vi cản trở xe cứu hỏa. “Theo tôi, mức  xử phạt này là hoàn toàn thỏa đáng, bởi hành vi của lái xe ô tô trắng đã bất chấp quy định, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn giao thông, cản trở việc thi hành công vụ là không thể chấp nhận được. Ngoài bị xử lý vi phạm giao thông, người này còn có thể bị yêu cầu đền bù thiệt hại trong vụ cháy nếu có đủ căn cứ chứng minh” – Luật sư Nguyễn Thanh Hà nhận định.