Xử lý chấn thương mi mắt

ANTĐ - Trong nhãn khoa, những chấn thương mi mắt có thể do tai nạn, chơi thể thao, do phẫu thuật, do ô nhiễm trong môi trường, hoá chất, tia cực tím và những bức xạ tia ion...

Vết rách không ảnh hưởng đến bờ mi: Những vết rách nông ở da và cơ vòng cung chỉ cần khâu da. Nếu những vết rách có thấy mỡ hốc mắt trong vết thương chứng tỏ đã tổn thương đến vách hốc mắt, cần khám cơ nâng mi trước khi khâu để tránh sụp mi.

Vết rách ở bờ mi: Vết rách ở bờ mi phải được khâu chính xác để tránh tạo thành hình chữ V, đảm bảo tính thẩm mĩ của mi.

Vết rách ở góc mắt: Nếu có vết rách ở góc trong mắt cần phải khám kỹ hệ thống dẫn lệ và gân góc mắt. Chấn thương gây tổn thương đường dẫn lệ cần được thăm dò nhẹ nhàng và phải được tiến hành phẫu thuật ở các cơ sở chuyên khoa để tạo hình lại đường dẫn lệ.

Chấn thương chiều dầy của mi: Vết thương theo chiều đứng và ngang qua bờ mi. Rách mi theo chiều đứng thường không gây tổn thương cơ nâng mi như trong vết thương theo chiều ngang mi.

Những chấn thương gây mất tổ chức mi: Một vài trường hợp chấn thương gây mất tổ chức mi gây nên khuyết mi hay làm ngắn chiều cao của mi - gây hở mắt sau này. Những trường hợp này cần phải được phẫu thuật tạo hình mi để giữ lại chức năng và thẩm mĩ của mi.

Chấn thương gây tổn thương cơ nâng mi: Những tổn thương này thường được chờ khoảng 6 tháng đến khi không còn khả năng tự phục hồi chức năng. Tuy nhiên cũng có trường hợp ngoại lệ là đối với trẻ em cần phẫu thuật sớm để tránh nhược thị sau này.

Bỏng mi: Là một dạng tổn thương đặc biệt, bỏng mi có thể có cả bỏng trên diện rộng ở cơ thể và cả bỏng trong nhãn cầu. Bỏng mi gây mất chức năng che phủ bảo vệ mi, do đó dễ tổn thương các cấu trúc khác của mắt. Do vậy điều trị phải khám và chăm sóc kỹ mắt và mi mắt.