Chủ trương cải cách hành chính sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã là một bước đi chiến lược của Đảng, Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy, tăng hiệu quả quản lý và thúc đẩy phát triển bền vững. Tuy nhiên, gần đây, trên không gian mạng xuất hiện nhiều thông tin sai lệch, xuyên tạc chủ trương cải cách hành chính nói chung; sáp nhập đơn vị hành chính các cấp nói riêng; với nhiều thủ đoạn tinh vi, nhằm gây hoài nghi, chia rẽ, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.
Một trong những luận điệu xuyên tạc phổ biến là cho rằng việc sáp nhập tỉnh là để “chia lại quyền lực”, “giảm vai trò của một số địa phương”, hay thậm chí “phục vụ lợi ích nhóm”.
![]() |
Phòng An ninh mạng phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao CATP Hà Nội làm việc với đối tượng vi phạm quy định về đăng tải thông tin trên không gian mạng |
Đây là những nhận định hoàn toàn sai trái, không có cơ sở. Thực tế, chủ trương sáp nhập được xây dựng dựa trên quá trình khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng, khoa học, phù hợp với tình hình thực tiễn và được thực hiện một cách dân chủ, công khai, có sự tham gia của các cấp chính quyền và nhân dân.
Mục tiêu của việc sáp nhập là để tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả điều hành, sử dụng hiệu quả nguồn lực và thúc đẩy phát triển vùng, chứ không phải nhằm phục vụ lợi ích cá nhân hay nhóm nào.
Một số đối tượng còn lợi dụng tâm lý lo ngại của người dân về sự thay đổi để lan truyền thông tin thất thiệt như sáp nhập sẽ làm mất bản sắc văn hóa địa phương, gây thiệt hại cho cán bộ, làm xáo trộn đời sống nhân dân.
Những quan điểm này thể hiện cái nhìn phiến diện, thiếu khách quan. Trên thực tế, việc sáp nhập không làm mất đi bản sắc văn hóa, mà ngược lại, tạo điều kiện để các giá trị văn hóa đặc sắc của các địa phương giao lưu, lan tỏa. Đảng và Nhà nước cũng đã có các phương án phù hợp để bảo đảm quyền lợi chính đáng của cán bộ, công chức và người dân trong quá trình chuyển đổi.
Trước những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần nâng cao nhận thức chính trị, cảnh giác, không nghe theo các thông tin sai lệch, không để bị lợi dụng kích động.
Đồng thời, cần tích cực tuyên truyền, giải thích để nhân dân hiểu rõ chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, cùng đồng thuận, góp phần vào thành công của quá trình đổi mới.
Việc sáp nhập tỉnh là một chủ trương đúng đắn, hợp lý và cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Mọi luận điệu xuyên tạc đều là những mưu toan nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, gây rối an ninh chính trị.
Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái này là trách nhiệm không chỉ của các cơ quan chức năng, mà còn của mỗi người dân yêu nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị và phát triển bền vững đất nước.
Chỉ huy Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, CATP Hà Nội thông tin, đơn vị đã giám sát, cảnh báo, chặn lọc hoặc xử lý các tài khoản cố tình phát tán tin giả, thông tin xấu độc. "Người dân khi sử dụng mạng xã hội cần chú ý tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật. Nếu phát hiện tin giả, tin xấu độc, người dân có thể liên hệ trực tiếp với cơ quan Công an gần nhất, hoặc thông tin qua các nền tảng chính thống của cơ quan Công an" - chỉ huy Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo.