Xử lý bất hợp lý

ANTĐ - Theo quy định mới, mọi quyết định tăng giá bất hợp lý so với quy chế tính giá đều bị xử lý. Quan điểm của cơ quan quản lý là doanh nghiệp phải rà soát yếu tố hình thành giá, nếu không đúng quy chế của Bộ Tài chính thì phải “cắt” ngay. Nếu thanh tra, kiểm tra phát hiện làm sai thì sẽ truy thu xử phạt. Vậy trong năm 2012 này, có kiểm tra về giá với các mặt hàng trong diện bình ổn như sữa, phân bón, gas, sắt thép hay không? Trả lời câu hỏi này, Cục Quản lý giá Bộ Tài chính nhấn mạnh, cơ quan quản lý thị trường sẽ chủ động thanh tra, kiểm tra đối với những mặt hàng thuộc danh mục bình ổn có biến đổi về giá.

Lâu nay, mỗi khi giải thích cho việc tăng giá hầu hết các doanh nghiệp đều vin vào cái cớ “cổ điển” là giá nguyên liệu đầu vào tăng. Sự “tù mù” này trong nhiều trường hợp đã qua mặt được người tiêu dùng vốn rất thiếu thông tin. Giá sữa trong thời gian gần đây tăng mạnh cũng được nguỵ biện bởi lý do này. Tuy nhiên, truy đến tận “gốc” nguyên liệu sữa thì không phải như vậy.

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ giá sữa trong 6 tháng qua không hề tăng thậm chí còn giảm. Cụ thể, từ 4 tháng nay giá sữa bột hoàn nguyên ở thị trường Australia, New Zealand và Tây Âu giảm nhẹ khoảng 2-2,5%. Yếu tố thứ hai quyết định sau nguyên liệu là thuế. Từ sau khi nước ta gia nhập WTO đến nay, thuế nhập khẩu nguyên liệu sữa đã giảm từ 20 xuống còn 18%. Thuế nhập khẩu sữa thành phẩm giảm từ 30 xuống còn 25%. Trong các nước ASEAN, thuế suất cao nhất cũng chỉ là 5%.

Như vậy cả hai yếu tố giá đầu vào nguyên liệu và thuế đều không phải “thủ phạm” để đổi tội đẩy giá sữa tăng. Nguyên nhân tăng giá sữa có nhiều nhưng theo một ủy viên Ủy ban Khoa học - công nghệ của Quốc hội, nguyên nhân chủ yếu là do sức tiêu thụ trong nước tăng mạnh. Tính bình quân trong hai năm 2010-2011, kim ngạch nhập khẩu sữa đã tăng khoảng 28%/năm. Đây là mức tăng rất lớn so với mức tăng trưởng GDP, mức tăng nhu cầu về sữa tăng gấp 4 lần mức tăng GDP. Trong khi đó, sản xuất sữa trong nước trong năm 2011 chỉ đạt 345.000 tấn sữa. Nếu chia bình quân đầu người chỉ là 4 lít/năm, trong khi nhu cầu sử dụng tới 15 lít/năm. Rõ ràng sản xuất sữa trong nước chỉ đủ đáp ứng được khoảng 26% nhu cầu, còn lại 74% là nhập khẩu. Tăng trưởng nhu cầu sữa trong nước chỉ làm lợi cho các nhà nhập khẩu sữa; sức mua cao chính là “động lực” để các nhà sản xuất thả sức tăng giá bán.

Còn một nghịch lý là, sữa Việt Nam lại được “chảy” ngược ra nước ngoài, mỗi năm xuất khẩu khoảng 25 triệu USD. Cũng không thể bỏ qua một thực tế là người Việt Nam vẫn chuộng sữa ngoại hơn sữa nội; nuôi con bằng sữa bình hơn “bầu sữa” mẹ. Một vài nguyên nhân thường được doanh nghiệp “che đậy” để tăng giá sữa như tăng giá điện, giá vận chuyển cũng không đóng góp gì đáng kể. Nhìn từ “giọt sữa” có thể suy ra sự thắc mắc có lý của người tiêu dùng đối với một số mặt hàng trên thị trường.

Để xử lý các trường hợp tăng giá bất hợp lý, phải chăng các cơ quan chức năng thường bị động chờ kết quả báo cáo, giải trình của doanh nghiệp và địa phương, vì thế khi giá đến tay người tiêu dùng thì sự đã rồi? Phải bắt đầu từ đâu để cơ quan quản lý giá cả thị trường có thể “cầm cân nảy mực”, xử lý những bất hợp lý để người dân được nhờ? Có cách làm mới nào để tạo ra cạnh tranh thực sự, thị trường không bị làm giá?