Xử lý bạo lực trong trường học còn chậm và quá nhẹ

ANTĐ - Bày tỏ quan điểm về tình trạng bạo lực trong trường học ngày càng có chiều hướng gia tăng, ông Trịnh Ngọc Thạch, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, để xảy ra tình trạng bạo lực trong trường học là lỗi của gia đình và nhà trường chưa có sự phối hợp quản lý con em hiệu quả.

Xử lý bạo lực trong trường học còn chậm và quá nhẹ  ảnh 1Bạo lực trong trường học đang là một trong những nỗi lo của xã hội. Ảnh minh họa: Internet

- PV: Theo một nghiên cứu mới được công bố , chỉ trong 6 tháng qua, đã có hơn 71% em học sinh ở 30 trường THCS, THPT trên địa bàn Hà Nội bị bạo lực giới trong trường học, trong đó có 19% bị bạo lực tình dục. Ông đánh giá vấn đề này như thế nào?

- Ông Trịnh Ngọc Thạch: Bạo lực trong trường học đang là vấn đề “nóng”, nhất là tình trạng bạo lực tình dục gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội. Trong khi đó, giữa gia đình và nhà trường vẫn chưa có sự phối hợp trong quản lý con em. Học sinh đang ở giữa khoảng trống của nhà trường và gia đình, nên không định hướng được. Bên cạnh đó, việc xử lý bạo lực trong trường học còn chậm và quá nhẹ, gây nên tình trạng kéo dài và đáng lo ngại.

- Vậy theo ông, cần có biện pháp gì giải quyết?

- Có một thực tế đáng lo ngại là chẳng may một ai đó gặp tai họa ở ngoài đường, thì không có ai giúp đỡ, bởi tâm lý họ sợ bị liên lụy, trả thù. Theo tôi, để ngăn chặn bạo lực trong trường học, cần có giải pháp tổng thể, đồng bộ nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của công dân đối với cộng đồng và tăng cường tính nghiêm minh, kỷ cương pháp luật. Nếu chỉ trông vào đội ngũ thầy cô giáo và gia đình, thì các em học sinh rất dễ bị xâm hại.

- Làm thế nào để giảm thiểu những vụ bạo lực trong trường học, xâm hại học sinh, theo ông?

- Theo tôi, các đoàn thể, tổ chức xã hội và gia đình, nhà trường phải phối hợp đồng bộ trong lĩnh vực quản lý, giáo dục và bảo vệ các em học sinh. Mặt khác, các lực lượng chức năng cần quan tâm thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống xâm hại trẻ em, bạo lực trong trường học. 

- Xin cảm ơn ông!