Xót xa trên 90% công nhân phải tằn tiện mới vừa đủ sống

ANTĐ -Để có thể đảm bảo được nhu cầu cuộc sống tối thiểu ở Hà Nội, một công nhân phải chi tiêu mức tối thiểu là 4 triệu đồng/ tháng, thế nhưng lương tối thiểu vùng theo quy định hiện mới chỉ đạt 3,1 triệu đồng/người/tháng. 

Sáng nay, 13-8, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐ VN) đã tổ chức hội thảo công bố tiền lương, thu nhập, mức sống tối thiểu của người lao động trong các doanh nghiệp năm 2015. Trước đó, từ tháng 4 -5/2015, Viện Công nhân và Công đoàn, Ban Quan hệ lao động phối hợp với các LĐLĐ địa phương tổ chức khảo sát việc thực hiện chính sách tiền lương tối thiểu vùng trong các doanh nghiệp tại 10 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Xót xa trên 90% công nhân phải tằn tiện mới vừa đủ sống ảnh 1Bảng kết quả khảo sát mức sống tối thiểu của công nhân năm 2015 của Tổng LĐLD VN

Kết quả khảo sát cho thấy, với chính sách điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng tăng 14,3% trong năm 2015 cộng thêm các khoản thu nhập khác ngoài lương mà người lao động được nhận như tiền phụ cấp, làm thêm, tăng ca..., tiền lương trung bình (theo thời gian và khoán sản phẩm theo giờ chuẩn quy định) của công nhân là 3.817.000 đồng/người/ tháng.

Trong đó, cao nhất là vùng I, đạt 4.369.000 đồng/ người/ tháng. Mức lương mà công nhân thực nhận trên cao hơn tiền lương ghi trong hợp đồng từ 10 – 14% và cao hơn mức lương tối thiểu vùng được quy định (vùng 1 là 3.100.000 đồng/ người/ tháng).

Tuy vậy, kết quả khảo sát về mức sống tối thiểu vùng của người lao động trong các doanh nghiệp năm 2015 cũng chỉ ra, mức chi tiêu trung bình của người lao động (có nuôi con, tại các ngành nghề, lĩnh vực khảo sát) là 4.247.000 đồng/tháng, trong đó ở vùng 1 là 4.910.000 đồng/ tháng. Còn mức sống tối thiểu của người lao động (không thể thấp hơn được nữa) ở vùng 1 là 4.006.000 đồng.

Lương thấp, đời sống đa số công nhân hiện còn rất khó khăn

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN cho biết, chỉ nhìn vào mức lương tối thiểu, mức thu nhập thực nhận của công nhân và so sánh với mức chi tiêu trung bình, mức chi tiêu tối thiểu để đảm bảo cuộc sống tối thiểu của họ đã thấy cuộc sống của công nhân hiện nay khó khăn đến nhường nào.

Khi những người làm khảo sát tiến hành phỏng vấn bằng phiếu ý kiến trực tiếp với công nhân, kết quả có 19,9% công nhân trả lời thu nhập “không đủ sống”; 31,3% phải chi tiêu tằn tiện và rất tiết kiệm; 40,7% vừa đủ trang trải cho cuộc sống; trong khi chỉ có 8,0% cho biết có dư dật, có tích luỹ. Trong số có tiết kiệm, tích lũy thì đa số chỉ dành được mức tiết kiệm rất ít, dưới 2 triệu đồng/ tháng.

Trước thực trạng đó, Tổng LĐLĐ VN đề nghị Chính phủ cần khẳng định lộ trình điều chỉnh tiền lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của công nhân vào năm 2017 (hiện lương tối thiểu mới chỉ đáp ứng được 78-83%).

 Về việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2016, Tổng LĐLĐ VN đề xuất 3 phương án với mức điều chỉnh tăng bình quân so với năm 2015 từ 350.000-550.000 đồng/ người/ tháng (tùy từng vùng).