Xót xa những người vợ từng ngày mong chồng lấy vợ khác

ANTĐ - “Chồng ở nhà không lấy vợ, mình ở đây không làm ăn được gì, thấy bức xúc nên vẫn thường động viên anh lấy vợ”, chị Hoài chua xót kể lại.

Trở lại xóm chạy thận để đồng cảm hơn nữa số phận những người phụ nữ mang trong mình căn bệnh suy thận, mặc định trong suy nghĩ của họ đó là, sẽ sống chung với nó suốt những quãng đời còn lại.

Với phụ nữ, gia đình luôn là động lực, chồng con luôn là chỗ dựa vững chắc. Sự quan tâm chăm sóc từ chồng con luôn là niềm hạnh phúc cổ vũ tinh thần vô cùng quan trọng với người phụ nữ. Mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo như các chị, các cô, các bà trong xóm chạy thận này thì sự quan tâm thật quý giá biết bao. Tuy nhiên, nỗi đau trong họ cứ lớn dần lên theo muôn vẻ bộn bề của cuộc sống.

Thấy may mắn khi chồng lấy vợ khác

Đi sâu trong ngõ 121 Lê Thanh Nghị, Hai Bà Trưng, Hà Nội tìm đến số nhà 103 gặp chị Nguyễn Thị Thuật, 39 tuổi, quê ở xã Xuân Huy, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, căn phòng nằm sâu trong một ngách nhỏ rộng chừng 50cm, đủ lách người bước vào trong. Chạy thận được gần 6 năm, cũng không phải là quá dài so với rất nhiều những bệnh nhân “lão làng” khác, tuy nhiên, cơ thể chị nay đã tiều tụy trông thấy. Chị ốm hom hem nhưng khuôn mặt vẫn luôn rạng ngời.

Hoàn cảnh gia đình chị từ nhỏ đã hết sức đáng thương: “Bố bỏ 3 mẹ con chị đi lấy vợ hai từ lâu rồi. Chị đi lấy chồng, người em trai vì hoàn cảnh éo le cũng phải đi ở rể xa nhà, trong nhà chỉ còn người mẹ già côi cút. Khi mắc bệnh, chị Thuật phải gia nhập xóm chạy thận nên người mẹ già ngoài 60 tuổi, cũng vì thế mà côi cút hơn” - ông Nguyễn Văn Tấn, “trưởng thôn” xóm bệnh nhân chạy thận cho biết.

Mang căn bệnh hiểm nghèo, không ai dễ gì chấp nhận và cảm thông, người chồng đầu ấp tay gối của chị Thuật cũng không ngoại lệ. Năm 2007, chồng đi lấy vợ hai, bỏ lại mình chị chống chọi với căn bệnh nghiệt ngã và nỗi cô đơn không người thân quan tâm chăm sóc.

Con gái chị tên Xuân, năm nay đã học lớp 8, rất ngoan và chăm chỉ, từng là học sinh giỏi tỉnh môn Văn. Nhắc đến con gái, đôi mắt thâm quầng của chị ánh lên niềm hạnh phúc, chị bồi hồi kể lại trong niềm hạnh phúc: “Vừa rồi, nó gọi điện lên khoe với tôi rằng hôm nay, khi đứng trước toàn trường trong buổi lễ kỷ niệm ngày 20/10, cô giáo hỏi rằng em có ấn tượng với ai nhất trong hôm nay, nó trả lời: “Em ấn tượng mẹ em nhất. Tuy mẹ ở rất xa để chữa bệnh nhưng em biết mẹ luôn dành tình cảm cho em”, thế rồi nó khóc” - trong đôi mắt kia dường như nước mặt chị trực trào ra.

Kể đến người chồng đã không thể cùng chị đi hết quãng đường còn lại, dù không ai biết chắc rằng quãng đường ấy sẽ còn bao xa nữa. Chị không trách anh về sự ra đi ấy, bởi anh còn trẻ, anh có quyền được hạnh phúc hơn chị. Chị cho đó là sự may mắn nhỏ nhoi mà mình có được: “Mình bệnh tật, đau yếu, không có thời gian vừa chữa bệnh, vừa về quê chăm sóc gia đình, con cái. Để họ đi lấy vợ, họ còn làm ăn rồi nuôi con mình nữa, nếu không sẽ lo lắng hơn nhiều. Họ đi lấy vợ mình nhẹ lòng, bớt phần phải suy nghĩ”. Trong sâu thẳm trái tim, có ai muốn gia đình mình sẽ như vậy, nhưng chị vẫn mỉm cười hạnh phúc, bởi chị cho đó là số phận của mình.

Hiện tại chị Thuật sống vì con cái: “Lấy con là niềm động lực, tiếp tục phải sống, phải đấu tranh với bệnh tật. Thời gian còn lại đi làm kiếm tiền trang trải cuộc sống và chữa trị bệnh tật. Phải vui vẻ mà sống”. Chị nói đầy quyết tâm. Mở nhật ký với những bài thơ chứa đựng tình yêu thương mẹ của con gái, chị đọc mà như đã thuộc lòng câu từ ấy. Niềm mong mỏi lớn nhất của chị là hy vọng con gái sẽ thực hiện được ước mơ làm bác sĩ để chữa trị bệnh cho mẹ và các bệnh nhân khác giống mẹ mình.

Hối hận vì không để chồng đi lấy vợ

Cùng hoàn cảnh với chị Thuật, chị Lê Thị Hoài, 34 tuổi, xã Quý Lộc, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá, chạy thận được hơn 5 năm nay, cũng là hơn 5 năm chị Hoài tự bươn chải kiếm sống và chữa bệnh. Chị Hoài bán nước rong trong bệnh viện: “Cuộc đời tôi từ nay bám lấy cái tích (ấm đựng nước chè - PV) để sống, không có cái tích ấy thì chỉ còn nước chết thôi”. Không thuốc sẽ chết, không đi làm kiếm tiền cũng chết, vậy là những bệnh nhân chạy thận “độc thân” như chị Hoài thường tìm một công việc phù hợp với sức khoẻ để làm, kiếm tiền chạy chữa bệnh tật và sống qua ngày.

Đau sỏi thận từ năm 1999, rời đứa con nhỏ mới chỉ 6 tháng tuổi, chị Hoài ra Hà Nội chữa trị. Trải qua nhiều lần điều trị, năm 2006, chị chính thức ở lại thủ đô thuê trọ, làm thêm, cố chiến đấu với căn bệnh quái ác này.

Nhớ lại thời gian đầu điều trị, chị kể: “Lúc ấy sức khoẻ yếu lắm, chồng lên thăm thấy vậy nói hay là để anh đi lấy vợ hai nhưng vẫn chăm sóc em. Lúc ấy chị lại không đồng ý vì nghĩ bây giờ chưa lấy vợ đã chả chăm sóc được mình, lấy vợ rồi thì làm sao mà chăm sóc được nữa. Rồi anh về quê luôn” - nỗi đau đã bớt đi phần nào nhưng khổ đau vẫn hằn sâu trong con mắt ấy.

Kinh tế gia đình vốn khó nay càng khó hơn khi trong nhà thiếu đi bàn tay của người phụ nữ. Hai người con trai, một 14 tuổi, một mới 9 tuổi thường ngày phải tự chăm sóc bản thân. Bà nội ngoài 90 tuổi, đau yếu thường xuyên, đi lại không vững, không có người chăm sóc vậy mà đôi khi vẫn phải giặt quần áo cho 2 cháu: “Mỗi lần về quê, thấy bà cứ thui thủi, thấy thương lắm nhưng không biết làm thế nào. Chồng đi làm cả ngày, không biết đi đâu mà đêm cũng chả về”. Cái tật rượu chè rồi chửi bới vợ con không biết từ khi nào đã hình thành trong con người ấy, tất cả lại đổ lên đầu người vợ đang không biết cuộc sống sẽ dừng lại ở đâu.

Kinh tế chật vật, mẹ chồng đau yếu không người chăm sóc, những lúc ấy, chồng chị thường chán đời rồi đâm ra chửi bới: “Mày làm khổ tao suốt đời, tao cũng khổ nhục vì mày lắm rồi” - nhớ lại lời nói của chồng chị rưng rưng khóc. “Những lúc tủi thân chỉ biết khóc, không được một lời động viên cứ một lời nói nặng, cả mấy tháng trời không một cuộc điện thoại hỏi thăm vợ, như vậy cũng đủ chết” - chị Hoài nói tiếp.

Không chỉ bệnh tật hành hạ, chồng trách mắng mà đôi khi, mẹ chồng cũng mắng mỏ đay nghiến: “Mày chỉ làm khổ con tao thôi” - nỗi khổ vô hình nào đó đang kìm chậm lại lời nói của chị. Chị không giận mẹ chồng mà ngược lại, chị đồng cảm với bà, thương bà với suy nghĩ con trai bà thật không may khi lấy phải người vợ bệnh tật như chị: “Cũng là nỗi khổ tâm của bà, bà cũng là một người mẹ, bà có quyền thương con mình”.

Niềm mong ước miễn cưỡng của chị Hoài là... mong chồng lấy vợ, như vậy, chị mới yên tâm tiếp tục chữa bệnh: “Chồng ở nhà không lấy vợ, mình ở đây không làm ăn được gì, thấy bức xúc nên vẫn thường động viên anh lấy vợ”, chị Hoài chua xót kể lại. Mong ước không thành khi chồng chị không muốn lấy vợ nữa mà ngày ngày rượu chè, say rồi đâm ra chửi bới vợ con thậm tệ: “Giá mà anh ấy cứ lấy vợ như chồng chị Thuật thì bây giờ cũng lo được cho gia đình rồi”, có thể vì chị thương gia đình nhiều quá.

Hiện tại, tiền sinh hoạt đều do chị tự làm ra, gạo ăn hàng ngày do mẹ đẻ gửi từ quê lên. Hoạ lắm mới được một lần về thăm con, nhớ con lắm nhưng cũng chỉ được nghe giọng con qua điện thoại thôi: “Mẹ ơi, con nhớ mẹ lắm, mẹ về thơm con một cái nhé”, chị kể lại ước nguyện của người con mà mắt rưng rưng khóc.

Nhớ lại lần về quê trước, chị kể: “Chỉ mua được cho chúng mấy cái thạch, chúng thắc mắc sao ít vậy mẹ, cũng chỉ biết ôm con vào lòng dỗ dành, nói với chúng: “Mẹ đi chữa bệnh không phải đi làm con ạ”. Chúng hiểu nên cũng không thắc mắc nữa”. Thương con lắm nhưng hoàn cảnh không cho phép nên có thể con chị sẽ phải nghỉ học sớm để đi làm. Chị biết điều ấy sẽ rất tàn nhẫn với chúng nhưng hoàn cảnh bây giờ khiến chị cũng chỉ suy nghĩ được đến vậy.

Gắng gượng bươn chải, chiến đấu với bệnh tật cũng là vì con vì cái. Tiếng ho khan thất thanh, tiếng thở dốc, gấp gáp của một bệnh nhân khác khá nặng đang nằm trên chiếc giường bên cạnh kia, chị Hoài với ánh mắt vô hồn, miệng lắp bắp: “Sẽ có một ngày bọn chị cũng như thế... rồi đây ai sẽ chăm sóc mình”.