Xót xa nghề muối

ANTĐ - Vẫn đang mùa mưa bão, nên cánh đồng muối Bạch Long, huyện Giao Thủy, Nam Định thời điểm này vắng bóng người. Nổi tiếng là một trong những vựa muối lớn nhất nhì cả nước, nhưng thu nhập của mỗi người dân trông vào hạt muối chỉ vỏn vẹn hơn 10.000 đồng/ngày.

Cả ngày đày nắng để đổi lấy hơn 10.000 đồng tiền công

Bán mặt cho muối 

Làm muối được xem là nghề truyền thống đã tồn tại từ hàng trăm năm ở vùng đất Bạch Long. Và có lẽ, cũng chỉ có thể lấy lý do này để giải thích cho việc bám nghề của diêm dân nơi đây. Ngày ngày phải đày nắng trên những cánh đồng muối chang chang, mặn chát chỉ để đổi lại công lao động 400.000 đồng/tháng. Chủ tịch UBND xã Bạch Long, ông Nguyễn Hồng Khang cho biết, trước đây, từng nhiều năm làm chủ nhiệm HTX muối Bạch Long nên hơn ai hết, ông hiểu rõ nỗi nhọc nhằn của người làm muối. “Trời càng nắng thì muối làm ra càng nhiều, muối càng mất giá, diêm dân thua lỗ. Nghịch lý là ở chỗ đó, cứ mưa nhiều, muối mất mùa thì giá lại được đẩy cao lên. Vì thế người nông dân làm muối nghèo quanh quẩn từ đời này sang đời khác”, ông Khang chia sẻ.  

Tại những điểm tập kết, thu mua muối hay còn được gọi là kho muối Bạch Long, hầu như không có bóng dáng đàn ông. Việc vác những bao muối nặng 50kg đều do phụ nữ đảm nhiệm. Trong kho, gần chục người gương mặt sạm nắng, khắc khổ xúc muối vào bao, khâu miệng và vác trên vai chuyển ra xe tải. Chị Nguyễn Thị Thủy vừa nhanh tay xúc từng xẻng muối vào bao vừa nói chuyện: “Bây giờ muối còn được giá hơn năm ngoái đấy, 1kg muối thô có giá 1.500 -2.000 đồng. Tháng nhiều bù tháng ít, được 400.000 đồng từ muối đã là may mắn lắm rồi. Đàn ông bỏ lên Hà Nội làm thuê hết cả, còn trơ đám phụ nữ chúng tôi, chẳng biết làm gì đành vẫn phải làm muối thôi”. 

Nam Định là vựa muối lớn nhất của miền Bắc với 870ha. Bạch Long là một trong những xã có sản lượng muối cao của tỉnh. Từ 250ha muối, mỗi năm Bạch Long đóng góp khoảng 40.000 tấn muối, nhưng đời sống của diêm dân nơi đây lại bấp bênh, cái nghèo vẫn mãi đeo bám từng số phận con người. Theo tính toán của ông Khang, với giá cả thị trường như hiện nay, bán 10 cân muối cũng chưa đong nổi 1 cân gạo. Một phép tính xót xa cho hàng trăm hộ dân nơi đây.

Ào ạt chuyển đổi rồi lại thất bại

Với mức thu nhập quá bèo bọt, chính quyền xã và ngay cả từng người dân Bạch Long cũng cố gắng tìm ra hướng phát triển kinh tế mới, thoát nghèo. Những mô hình nuôi trồng thủy sản đầu tiên đã ra đời như nuôi tôm trên bạt. Tuy nhiên, cũng mới chỉ có khoảng 100 hộ dân làm theo mô hình này, còn lại khoảng 900 hộ dân vẫn sống bằng nghề muối.

Theo ông Khang, vẫn biết nghề nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng với số vốn ban đầu bỏ ra hàng trăm triệu đồng, cộng thêm rủi ro cao nên rất ít hộ dân trong xã có điều kiện để chuyển đổi nghề. Hơn nữa, nếu chuyển đổi mô hình sẽ phá vỡ quy hoạch sản xuất và lao động.

Để giữ vững nghề muối, Bộ NN&PTNT nhiều năm qua đã có chính sách giúp Bạch Long như hỗ trợ mô hình trải bạt và chuyển đổi vị trí chọn lọc để có thể thu được muối sạch hơn, được giá hơn. Tuy nhiên, nghề muối, cũng giống như nhiều nghề nông khác, phụ thuộc phần lớn vào thời tiết. Bà con diêm dân nơi đây vẫn mong muốn có được những hỗ trợ sát sườn hơn về chính sách ổn định giá cả, cân đối cung cầu hợp lý để tránh tình trạng tư thương ép giá. Năm nay, theo ông Khang, thời tiết mưa nhiều nên lượng muối làm ra không đủ cung ứng. Hiện ở địa bàn xã Bạch Long có 4 công ty của Nhà nước và hơn 30 đại lý thu mua muối. Muối khan hiếm nên có những thời điểm, hàng đoàn xe nằm chờ “ăn muối” cả tháng mà vẫn “đói” hàng.

Ông Mai Văn Dư, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định cho biết, do nhiều năm liền, giá muối mà diêm dân làm ra quá bèo bọt, không đủ sống nên rất nhiều cánh đồng muối ở Nam Định đã bị bỏ hoang. Trong đó, nhiều cánh đồng đã bị chuyển đổi thành ao, đầm nuôi tôm hoặc cây trồng khác. Bây giờ tôm, ngao liên tục bị dịch bệnh, chết, đầu ra khó khăn, trong khi giá muối lại lên cao, thì những khu đầm tôm đã chuyển đổi không thể dùng để sản xuất muối được nữa. 

Cũng theo Sở NN&PTNT Nam Định, hiện diện tích sản xuất muối đã giảm khoảng 40% so với trước đây. Cao điểm, năm 2007, toàn tỉnh có 36ha diện tích ruộng muối bị diêm dân bỏ hoang. Vận động, thuyết phục cùng với chính sách khuyến khích bà con đã sản xuất trở lại. Nhưng, bao đời nay vẫn vậy, người dân bám vào hạt muối không khấm khá lên nổi, nghèo khó cứ đeo bám, chuyện bỏ nghề tha hương vẫn diễn ra ồ ạt.