Chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Xót xa “chảy máu” khoáng sản

ANTĐ - Hôm qua, 20-8, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã trả lời chất vấn các ĐBQH về hàng loạt vấn đề nóng như có tiêu cực trong việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản hay không; có hay không việc “chạy” chính sách để thu lợi cá nhân...

Khai thác quặng trái phép ở Quỳ Hợp, Nghệ  An

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang: Hàng trăm giấy phép vi phạm

Chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, ĐB Hà Sơn Nhin (Trưởng Đoàn ĐBQH Gia Lai) hỏi: “Hơn 50% tổng số (950) giấy phép khai thác khoáng sản có vi phạm, trách nhiệm của ai?”. ĐB Hà Sơn Nhin nêu hàng loạt vấn đề mà địa phương “chưa biết xử lý ra sao”, mặc dù Luật Khoáng sản sửa đổi đã chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2011, như việc đấu giá khai thác khoáng sản; mức thu và phương thức thu tiền khai thác khoáng sản... ĐB Danh Út, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội bày tỏ trăn trở về tình trạng “chảy máu” khoáng sản xuất lậu ra nước ngoài...

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang thừa nhận, tình hình quản lý khoáng sản nhìn chung còn phức tạp. Có tới hàng trăm giấy phép khai thác khoáng sản có vi phạm các quy định pháp luật, với nhiều dạng sai phạm khác nhau. Bộ TN-MT đã kiến nghị xử lý và Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo các tỉnh khắc phục, báo cáo kết quả xử lý trước ngày 30-11-2013. Đặc biệt, việc khai thác, xuất khẩu cát sỏi lòng sông, có hơn 30 địa phương để xảy ra sai phạm.  Chưa rõ ý của Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc: “Giấy phép cấp sai thì trách nhiệm chủ yếu thuộc về ai? Đề nghị Bộ trưởng cấp danh sách địa phương cấp sai để ĐBQH tiếp tục giám sát, nhưng Bộ cũng phải thấy rằng Bộ chưa làm tốt công tác giám sát, nhắc nhở các địa phương”.

Trả lời câu hỏi của nhiều ĐBQH về tiến độ cấp “sổ đỏ” đang rất chậm trễ, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng, cấp nhanh hay chậm chủ yếu phụ thuộc vào các địa phương. Ông thông tin thêm là đa số các tỉnh chậm cấp “sổ đỏ” gặp khó khăn về kinh phí, nhân lực để đo vẽ, hoàn thiện hồ sơ địa chính. Bộ trưởng mong muốn Quốc hội quan tâm bố trí kinh phí cho công tác này. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lên tiếng: “Bộ trưởng nói có 18 địa phương không quyết liệt trong cấp “sổ đỏ”. Vậy ngay sau phiên họp này phải nhắc nhở và đề nghị Chính phủ có giải pháp chứ chờ đến hết năm mới nhắc thì không thể hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội giao, lúc đó là trách nhiệm của Bộ trưởng”. 

Kết lại phần chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, về cơ bản, Bộ trưởng đã bám sát câu hỏi và có phân tích thêm về tình hình, giải pháp. Bộ trưởng cũng đã nhận trách nhiệm của ngành song Bộ trưởng cần nỗ lực hơn, thực hiện các giải pháp đồng bộ để thực hiện mục tiêu hoàn thành cấp “sổ đỏ” cho dân.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: Không loại trừ những quy định sơ hở

Trả lời chất vấn của nhiều ĐBQH về việc chương trình xây dựng pháp luật thường xuyên phải thay đổi, khiến cho việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội không được nghiêm túc, Bộ trưởng Hà Hùng Cường thừa nhận, bên cạnh những nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan là các bộ, ngành chưa quyết liệt, cán bộ pháp chế còn “non” trình độ, hoặc giỏi chuyên môn nhưng chưa giỏi về luật pháp... Chưa thể hài lòng với thông tin Bộ trưởng cung cấp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hỏi: “Bộ trưởng đánh giá cụ thể xem chương trình xây dựng pháp luật cứ phải sửa đi sửa lại, đưa vào, rút ra như thế là tốt hay dở?”.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) hỏi thẳng: “Có hay không tình trạng “tham nhũng chính sách”, nói cách khác là việc “cài cắm” lợi ích của ngành, của một nhóm lợi ích cục bộ vào các văn bản quy phạm pháp luật?” ĐB Trần Xuân Vinh (Quảng Nam) tiếp: “Có tình trạng “chạy” cơ chế, chính sách để thu lợi cá nhân, làm thất thoát tài sản Nhà nước hay không?”.

Nhìn nhận nghiêm túc vấn đề ĐBQH nêu, Bộ trưởng cho biết, hiện nay, quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ là đầy đủ và chặt chẽ, song đối với thông tư và thông tư liên tịch thì chưa có cơ chế kiểm soát. “Chính phủ đã nhận ra khoảng trống này và tới đây sẽ nghiên cứu để “phủ” nốt. Tuy nhiên, với một số lĩnh vực chuyên sâu như kinh doanh vàng, kinh doanh xăng dầu, giá than, giá điện... cần lộ trình, bước đi thích hợp nhằm đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát... thì Bộ Tư pháp qua kiểm tra cũng rất khó bình luận. Không thể loại trừ hoàn toàn việc có những quy định sơ hở”. Về chuyện vận động hành lang chính sách, Bộ trưởng nói: “Việc này ở các nước khác là phổ biến song ở ta là hãn hữu và rất khó. Nhìn chung, điều đó ở ta không phù hợp. Dư luận cũng có nêu ý kiến này khác song thực chất có chuyện trên hay không thì chưa thể kết luận...”.

Kết thúc phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp, vẫn còn 14 vị đã đăng ký song đã hết thời gian, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các ĐBQH gửi chất vấn để Bộ trưởng trả lời bằng văn bản. Ông ghi nhận: “Bộ trưởng đã trả lời thẳng thắn, không ngại ngần các vấn đề nhạy cảm, phức tạp”.