Xoay xở trong “cơn lốc” giá xăng dầu

(ANTĐ) - Tỷ trọng xăng dầu chiếm đến 40% trong giá cước, vì vậy trên từng tuyến phải tính toán hết sức chặt chẽ, hợp lý. Giá xăng dầu tăng, có thể các mặt hàng khác sẽ tăng ngay, nhưng vận tải khách thì còn phải xem xét, tính toán. Nếu giá cước cao quá, thì chẳng ai đi. Nếu giá cước quá thấp thì doanh nghiệp vận tải lại thiệt.

Doanh nghiệp vận tải:

Xoay xở trong “cơn lốc” giá xăng dầu

(ANTĐ) - Tỷ trọng xăng dầu chiếm đến 40% trong giá cước, vì vậy trên từng tuyến phải tính toán hết sức chặt chẽ, hợp lý. Giá xăng dầu tăng, có thể các mặt hàng khác sẽ tăng ngay, nhưng vận tải khách thì còn phải xem xét, tính toán. Nếu giá cước cao quá, thì chẳng ai đi. Nếu giá cước quá thấp thì doanh nghiệp vận tải lại thiệt.

Ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Tổng Giám đốc Transerco cho phóng viên An ninh Thủ đô biết: “Với việc giá cả thị trường tăng, giá dầu trên thế giới tăng, thì việc điều chỉnh giá xăng dầu trong nước cũng là điều dễ hiểu.

Theo nguyên tắc giá xăng tiếp tục được thực hiện theo cơ chế giá thị trường, giá bán do các doanh nghiệp đầu mối tự quy định trên nguyên tắc đảm bảo kinh doanh không lỗ, có sự giám sát của Liên bộ Tài chính - Công thương, giá xăng mới đã được các doanh nghiệp bán ra là 14.500 đồng/lít.

Giá dầu diezen 0,25S từ 10.200 lên 13.900 đồng/lít, dầu ma zút tăng từ 8.500 lên 9.500 đồng/kg. Diezen 0,05S cũng tăng lên 13.950 đồng/lít, dầu hỏa lên 13.900 đồng/lít. Với cách tính này thì ảnh hưởng khá nặng nề đối với ngành vận tải khách”.

- PV: Vậy giá cước vận tải sẽ khách được tính toán như thế nào, thưa ông?

- Ông Nguyễn Anh Dũng: Giá cước vận tải sẽ điều chỉnh theo giá thị trường, bởi chủ yếu các doanh nghiệp vận tải khách đều sử dụng loại nhiên liệu diezen. Nhưng với mức tăng cao như lần này, thì chắc chắn việc ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vận tải sẽ rất nặng nề.

- PV: Nhưng với một số doanh nghiệp vẫn được bao cấp phần nào về chi phí, thì việc tăng giá xăng dầu của Nhà nước đều đã có tính toán?

- Ông Nguyễn Anh Dũng: Dần dần phải tiến tới xóa bao cấp, thì doanh nghiệp mới có thể tự tính toán được. Còn như bây giờ, nhiều lúc phải “chịu lỗ cho yên”. Mà doanh nghiệp vận tải thì chưa bao giờ tính đến chuyện tích lũy xăng dầu, nên việc tăng giá xăng dầu như thế này lập tức sẽ tác động ngay đến doanh nghiệp vận tải. Như đã nói ở trên, “dần dần phải tiến tới xóa bỏ bao cấp, để doanh nghiệp tự tính toán” mới có thể đáp ứng được cả về kinh doanh, cả về chính trị, xã hội.

- PV: Theo như ông nói, việc tăng cước vận tải sẽ là đương nhiên. Vậy lộ trình tính toán của các ông như thế nào?

- Ông Nguyễn Anh Dũng: Các doanh nghiệp vận tải sẽ buộc phải tăng giá cước. Nhưng việc tăng như thế nào? Tăng bao nhiêu sẽ còn phải tính toán, cân nhắc hết sức kỹ lưỡng.

Tỷ trọng xăng dầu chiếm đến 40% trong giá cước, vì vậy trên từng tuyến phải tính toán hết sức chặt chẽ, hợp lý. Giá xăng dầu tăng, có thể các mặt hàng khác sẽ tăng ngay, nhưng vận tải khách thì còn phải xem xét, tính toán.

Bây giờ có thể không phải hiệp thương, nhưng cũng phải tính toán đến mặt bằng chung của vận tải. Phải tính toán không thể ở mức quá cao, cũng không ở mức quá thấp. Nếu giá cước cao quá, thì chẳng ai đi. Nếu giá cước quá thấp thì doanh nghiệp vận tải lại thiệt.

- PV: Vậy, rõ ràng hành khách vẫn là người bị “hành”?

- Ông Nguyễn Anh Dũng: Cũng không hẳn là như vậy. Nhưng với một mặt bằng giá cao như vậy, thì buộc doanh nghiệp vận tải phải tính đến chuyện tăng giá cước.

Nhưng với chúng tôi, nhưng người đã lâu năm làm trong nghề vận tải khách thì quá hiểu rõ “hành khách” của mình là ai. Hành khách của vận tải chủ yếu là những đối tượng có thu nhập thấp.

Vì thế việc tính toán không thể tăng giá ngay lập tức. Còn đối với những đối tượng hành khách “hạng sang” ít sử dụng loại phương tiện vận tải khách của chúng tôi, thì việc tăng giá một vài nghìn đồng cũng chưa phải là vấn đề lớn.

Tường Lâm (Thực hiện)

“Thêm một... cú sốc”

“Việc tăng giá xăng dầu lần này chắc chắn đã là một “cú sốc” đối với ngành vận tải hành khách. Bởi gần như 100% các doanh nghiệp vận tải (DNVT) đều sử dụng phương tiện chạy dầu. Nhưng với mức tăng cao như vậy, thì các DNVT cũng “choáng váng” vì phải tính toán lại giá cước sao cho vừa phù hợp với đối tượng hành khách, vừa không để mất khách. Nhà nước cần phải tính toán cách quản lý để giá cả thị trường không tăng quá đột ngột như vậy”.

Ông Đoàn Xuân Quang - DNVT tuyến Tuyên Quang - Hà Nội (thuộc HTX 27-7 Hà Nội)

“Lái xe taxi chúng tôi sẽ rất khổ!”

“Trước đây hãng taxi chúng tôi đã tăng giá từ 6.000đ/km lên 6.500đ/km. Tôi cũng chưa biết việc tăng giá xăng lần này có làm tăng giá taxi hay không. Nếu như Nhà nước và doanh nghiệp không cho tăng giá, thì dân lái xe chúng tôi sẽ rất khổ”.

Anh Trần Mạnh Hoàn - lái xe của hãng Taxi Thành Công

“Điều chỉnh cước: Đang phải tính toán, cân nhắc”

“Quyết định tăng giá xăng dầu không làm chúng tôi ngạc nhiên, bởi chúng tôi đã có những thông tin tổng hợp về thị trường dầu trên thế giới, cộng với thị trường tiêu dùng trong nước. Vì vậy, trước việc giá xăng dầu tăng (diezel tăng đến gần 4.000đ/lít), doanh nghiệp vận tải chúng tôi phải tính toán lại đến việc điều chỉnh giá cước cho phù hợp. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa đưa ra được một quyết định chính thức nào, vì còn phải tính toán, cân nhắc hết sức kỹ lưỡng”.

Ông Đào Hoàng Thanh - Giám đốc Trung tâm Vận tải Tân Đạt (Transerco)

Vũ Thu (Thực hiện)