Xoay xở giữa “rừng” luật

ANTĐ - Hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp quá nhiều, không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà cả cơ quan quản lý Nhà nước. Đó là nhận định của Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế (Bộ Tư pháp). Điều này hoàn toàn trùng khớp với nhận xét của một thành viên Chính phủ tại lễ công bố Chỉ số cải cách hành chính khi cho rằng, người dân và doanh nghiệp chưa thể hài lòng về thủ tục hành chính, trong đó nhiều thủ tục chưa công khai, minh bạch.

Lần đầu tiên, Bộ Nội vụ đã công bố chỉ số cải cách hành chính, một công cụ có tính chất đột phá, khác hẳn với những cách đánh giá “truyền thống” của Chính phủ trước đây. Chỉ số này giúp huy động sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân vào quá trình đánh giá triển khai, kết quả cũng như tác động của cải cách hành chính một cách thực chất và khách quan hơn. Việc công bố chỉ số này và triển khai trong cả hệ thống hành chính từ năm 2013 có thể theo dõi được mức độ hài lòng sự giám sát của người dân với đội ngũ công chức.

Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính-Bộ Nội vụ cho biết, đây là một bộ chỉ số mới được xây dựng trên cơ sở kết hợp giữa việc tự đánh giá của các cơ quan hành chính chiếm 60% và điểm mà các tổ chức bên ngoài, người dân, doanh nghiệp chấm chiếm 40%. Kết quả này cộng với điểm của Bộ Nội vụ đánh giá và điểm điều tra xã hội học mới cho kết quả cuối cùng, phản ảnh một cách khách quan, khoa học. Ngoài bộ chỉ số này, sắp tới sẽ còn có các bộ chỉ số riêng đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với các dịch vụ công, y tế, giáo dục.

Thực ra, bản thân người dân không quá quan tâm có bao nhiêu bộ chỉ số mà chỉ cần nhìn xem kết quả cụ thể công việc của mình được giải quyết như thế nào. Nếu không làm tốt thì có bao nhiêu bộ chỉ số, cuối cùng chỉ gây tình trạng “loạn” chỉ số, mà chất lượng phục vụ, sự hài lòng của người dân vẫn đâu đóng đó. Trong khi đó, theo khảo sát của Phòng Thương mại-Công nghiệp Việt Nam, có quá nhiều văn bản pháp luật, nhiều nội dung còn mâu thuẫn chồng chéo. Qua các cuộc điều tra, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số minh bạch trong chính sách pháp luật của các địa phương luôn thấp. Có tới 78% số doanh nghiệp cho rằng họ phải có mối “quan hệ” với các cơ quan nhà nước mới có thể tiếp cận các thông tin về kinh doanh, pháp luật và đầu tư. Khảo sát 14 bộ, ngành về vấn đề minh bạch thông tin pháp luật thì chỉ số đạt rất thấp so với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch-Đầu tư cũng thừa nhận, ngay cả các chuyên gia pháp lý còn khó hiểu hết được các quy định chồng chéo nói gì đến doanh nghiệp.

Rõ ràng là hiện nay các doanh nghiệp và người dân đang bị “mắc rối” trong hệ thống quy định của pháp luật. Họ cần một người dẫn đường để khỏi bị lạc lối. Về lâu dài, cần hệ thống hóa pháp luật một cách minh bạch, minh bạch chính sách, minh bạch pháp lý, tránh tình trạng doanh nghiệp phải loay hoay, xoay xở giữa “rừng” luật.