“Xóa” toàn bộ chung cư cũ nát: Hà Nội sẽ thành đại công trường?

(ANTĐ) - “Nếu ồ ạt tiến hành cải tạo, xây dựng lại hàng loạt các khu chung cư cũ để đạt mục tiêu đến năm 2015 xóa bỏ hoàn toàn các khu nhà cũ nát, nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội, sẽ thành những đại công trường”. Ông Trần Chủng - Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ.

“Xóa” toàn bộ chung cư cũ nát: Hà Nội sẽ thành đại công trường?

(ANTĐ) - “Nếu ồ ạt tiến hành cải tạo, xây dựng lại hàng loạt các khu chung cư cũ để đạt mục tiêu đến năm 2015 xóa bỏ hoàn toàn các khu nhà cũ nát, nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội, sẽ thành những đại công trường”. Ông Trần Chủng - Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ.

Phá dỡ một chung cư cũ sẽ phát sinh hàng chục nghìn tấn phế thải xây dựng
Phá dỡ một chung cư cũ sẽ phát sinh hàng chục nghìn tấn phế thải xây dựng

- PV: Với 23 khu tập thể quy mô lớn, tương đương 460 tòa nhà, ông có cho rằng khoảng thời gian từ nay tới 2015 đủ để Hà Nội “giải quyết” hết từng ấy công trình?

- Ông Trần Chủng: Tôi cho là chính quyền các địa phương phải sớm nghĩ đến việc tái sử dụng những phế thải xây dựng do việc phá dỡ hàng loạt các chung cư cũ. Nếu không thì Hà Nội không chỉ là đại công trường mà có thể sẽ ngập lụt trong phế thải trắng. ước tính, khi phá mỗi một nhà chung cư lắp ghép tấm lớn sẽ có khoảng 6.000 - 7.000 tấn thép phế liệu và hàng chục nghìn tấn bê tông phế thải các loại. 

Ở một số nước tiên tiến, tất cả phế thải xâydựng đều được phân loại và tái chế thành những sản phẩm phục vụ ngành xây dựng. Thép lại thành thép, toàn bộ bê tông được nghiền ra làm các tấm ngăn tường trong các ngôi nhà xây dựng mới, vật liệu cấp thấp hơn được làm thành tấm lát đường hoặc dải phân cách...

Ở Việt Nam, nếu không được tính toán từ bây giờ rất có thể nó sẽ lại chỉ được dùng để san nền, lấp ao hồ, thậm chí là... đổ trộm ở đâu đó!

- PV: Thưa ông, người ta đang lo ngại cùng với việc cải tạo lại các khu tập thể sát trung tâm, hệ thống hạ tầng vốn đã quá tải của Hà Nội sẽ không chịu nổi?

Ông Trần Chủng
Ông Trần Chủng

- Ông Trần Chủng: Đúng là có thực tế này. Bây giờ là nhà 5 tầng thì khi cải tạo lại cơ bản nó phải là nhà 17-20 tầng. Hiện nay là 5.000 người thì sau này sẽ có 15.000 người ở. Như vậy, một điều rõ ràng rằng, các khu chung cư cũ được cải tạo phải được đặt trong kế hoạch tổng thể về nâng cấp hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà.

Đi liền với kế hoạch cải tạo các khu chung cư, chính quyền địa phương phải sớm có kế hoạch cải tạo và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Một căn hộ không thể gọi là đảm bảo chất lượng nếu như nó không được kết nối trong một đô thị đồng bộ, tiện ích.

- PV: Nếu yêu cầu cao như vậy, e rằng chẳng có nhà đầu tư nào dám “ôm” các dự án cải tạo chung cư cũ, thưa ông?

Ông Trần Chủng: Tôi cho là chính quyền địa phương phải có những hỗ trợ cần thiết. Xã hội hóa có nhanh hay không chính là ở chỗ vấn đề hạ tầng được giải quyết thế nào? Tôi lấy ví dụ việc cải tạo nhà B6 Giảng Võ (Hà Nội) chẳng hạn, theo tiêu chuẩn nó phải hình thành các hạ tầng xã hội như siêu thị, hầm để xe...

Hạ tầng ấy không chỉ dành riêng cho khu nhà ấy mà dân toàn thành phố có thể đến đó mua sắm. Nếu như chính quyền không đầu tư thích đáng cho hệ thống giao thông, cấp thoát nước... thì thứ nhất nó quá tải và sẽ càng quá tải, thứ hai, nếu để doanh nghiệp tự làm họ sẽ chẳng mặn mà với việc cải tạo chung cư cũ đâu.

- PV: Hà Nội là nơi có số lượng chung cư cũ nát lớn thứ 2 cả nước. Theo ông, thành phố nên bắt đầu cải tạo với quy mô lớn từ đâu?

- Ông Trần Chủng: Luôn phải ưu tiên cải tạo trước những khu nhà nguy hiểm, có khả năng sập đổ cao, tránh tình trạng nhiều nơi chọn những khu nhà có vị trí thuận lợi cải tạo trước. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang hướng dẫn các địa phương cách đánh giá chất lượng các công trình xây dựng cũ để làm căn cứ cải tạo.

Đồng thời, phải lập dự án cải tạo tổng thể toàn bộ các khu mà không nên làm manh mún, nhỏ lẻ bởi một trong những mục tiêu của cải tạo là chỉnh trang đô thị, một đô thị đẹp phụ thuộc rất nhiều vào giải pháp kiến trúc và đặc biệt là chất lượng cuộc sống trong từng căn hộ.

- PV: Ai cũng nói là điều kiện sống sẽ được cải thiện nhiều sau khi dự án kết thúc, ông có thể cho biết rõ hơn thế nào được gọi  là “cải thiện”?

- Ông Trần Chủng: Đương nhiên, điều đáng quan tâm nhất chính là chất lượng của các ngôi nhà. Phạm trù chất lượng ở đây phải hiểu rộng ra bao gồm cả sự bền vững về kết cấu và sự tiện ích với con người.

Tiêu chuẩn một căn hộ hiện đại phải theo công thức 2+1, có nghĩa là nhà có 2 vợ chồng thì căn hộ phải có 3 phòng, như vậy công năng sống của căn nhà mới đảm bảo. Hiện nay đa phần các căn hộ chung cư cũ của ta có diện tích dưới 30m2, tức là quá nhỏ.

Theo Nghị quyết 34/CP, các khu chung cư sau khi cải tạo phải là căn nhà của thế kỷ 21, tức là theo tôi nó phải có diện tích lớn hơn tiêu chuẩn hiện hành (30m2/căn).

- PV: Thế nhưng, có một thực tế đáng buồn là rất nhiều hộ gia đình thu nhập thấp sẽ không đủ tiền để trang trải cho phần diện tích dôi dư sau khi cải tạo lại?

- Ông Trần Chủng: Để giải quyết bài toán về khả năng chi trả của người dân cũng không khó. Chúng ta nên áp dụng cơ chế thuê mua đối với phần diện tích tăng thêm ở những căn hộ sau cải tạo, như vậy sẽ đỡ gánh nặng cho người dân.

Chẳng hạn, như ở Malaysia hiện nay, toàn bộ nhà ở, công sở đều do những công ty tư nhân đứng ra làm và cho chính quyền thuê lại thời hạn 25 năm. Ngày đầu tiên của năm thứ 26, họ sẽ làm biên bản bán lại cho người đang thuê với giá thậm chí chỉ có 1 USD/m2.

Chính Trung