Xóa “điểm đen nhân quyền”

ANTĐ - Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama tỏ rõ quyết tâm đóng cửa nhà tù Guantanamo khi một lần nữa hối thúc Quốc hội Mỹ hãy hành động để sớm xóa bỏ “điểm đen nhân quyền” này của nước Mỹ.

Nhà tù Guantanamo vẫn là đề tài tranh luận gay gắt tại Mỹ

Phát biểu trước báo giới tại Honolulu (bang Hawaii) sau khi ký ban hành đạo luật chi tiêu ngân sách quốc phòng cho năm 2014, Tổng thống Obama tiếp tục hối thúc các nhà lập pháp của Mỹ đẩy nhanh hơn tiến trình đóng cửa nhà tù Guantanamo. Ông cho biết mặc dù đã có những bước đi cần thiết tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển tù nhân từ nhà tù Guantanamo tới giam giữ tại các quốc gia khác song lưỡng viện Quốc hội Mỹ vẫn giữ nguyên quy định cấm chuyển các tù nhân là các nghi can khủng bố đến Mỹ để tòa án cấp liên bang xét xử. 

Được dựng lên dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush để giam giữ các nghi can khủng bố sau sự kiện tấn công ngày 11-9-2001, nhà tù ở Vịnh     Guantanamo đã gây tranh cãi gay gắt ngay tại Mỹ. Dư luận và cộng đồng quốc tế cũng lên án mạnh mẽ, coi đây là một “điểm đen nhân quyền” của Mỹ vì hầu hết các tù nhân ở đây bị giam giữ nhiều năm mà không được đưa ra xét xử. 

Chính vì thế mà từ khi vận động tranh cử cho tới khi nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ đầu tiên hồi tháng 1-2009, ông Obama đã gọi nhà tù Guantanamo là “một chương đau buồn của lịch sử Mỹ” và hứa sẽ đóng cửa nhà tù này trong vòng 1 năm. Ông Obama lúc đó đã khẳng định mạnh mẽ: “Đóng cửa nhà tù Guantanamo là trách nhiệm của tôi, tôi không muốn chuyển gánh nặng này cho ai”.

Dù đã có nhiều nỗ lực trong gần 5 năm qua song chính quyền Tổng thống Obama mới chỉ có thể giảm số tù nhân giam tại nhà tù Guantanamo từ 245 người lúc ông Obama mới nhậm chức xuống còn 158 người hiện nay. Trong đó 2 tù nhân mới nhất tên là Noor   Uthman Muhammed (51 tuổi) và Ibrahim Othman Ibrahim Idris (52 tuổi) vừa được Mỹ chuyển giao cho Chính phủ Sudan ngày 19-12 vừa qua.

Nỗ lực thực hiện cam kết đóng cửa nhà tù Guantanamo của Tổng thống Obama đã vấp phải những rào cản về cả luật pháp lẫn chính trị ở trong và ngoài nước. Trong đó lớn nhất là những trở ngại từ việc tìm kiếm các quốc gia chấp nhận chuyển giao tù nhân là nghi can khủng bố và lệnh cấm của Quốc hội về việc giam giữ và xét xử các tù nhân trên đất Mỹ.

Để thực hiện cam kết đóng cửa nhà tù Guantanamo, Tổng thống Obama đã bổ nhiệm Đặc phái viên chịu trách nhiệm đóng của nhà tù này để thương thuyết với các quốc gia nhận lại các nghi can khủng bố. Cho tới nay đã có các nước như Yemen, Sudan, Canada… đồng ý và triển khai việc nhận lại những tù nhân bị Mỹ giam giữ ở nhà tù Guantanamo mang quốc tịch nước mình.

Bên cạnh việc nhắc nhở các Đặc phái viên cần “linh hoạt hơn trong đàm phán với các nước khác để đẩy nhanh việc chuyển các tù nhân”, Tổng thống Obama ngày 26-12 cũng nhấn mạnh cơ quan hành pháp cần có thẩm quyền trong việc quyết định thời điểm và nơi có thể xét xử tù nhân Guantanamo nhằm đáp lại cản trở từ Quốc hội Mỹ trong vấn đề này. Ông Obama khẳng định Tòa án liên bang Mỹ là “một công cụ hợp pháp, hiệu quả và mạnh mẽ” để xét xử nghi can khủng bố và giúp củng cố an ninh quốc gia.