Xóa bỏ tình trạng chồng chéo, "mạnh ai nấy làm" trong quy hoạch

ANTD.VN - Làm sao để không còn quy hoạch treo, không còn tình trạng chồng chéo trong công tác quy hoạch hay "mạnh ai nấy làm" trong quy hoạch ngành... là những vấn đề được các đại biểu (ĐB) quan tâm trong phiên thảo luận Luật Quy hoạch, sáng 25-10.

Quy hoạch ngành đang “mạnh ai nấy làm”

Băn khoăn với quy hoạch ngành, ĐB Tạ Văn Hạ (đoàn Bạc Liêu) cho rằng, đang tồn tại tình trạng mạnh đơn vị, ngành nào ngành ấy quy hoạch. Do khâu quy hoạch không thống nhất, thiếu tổng thể dẫn đến thực trạng làm đường xong lại đào lên hạ đường nước, đường điện.

Cho rằng Nhà nước không nên tham gia làm quy hoạch ngành, ĐB Hạ nêu dẫn chứng ở ngành nông nghiệp: "Vì sao có quy hoạch rồi nhưng người dân vẫn phải chặt cây điều, cây tiêu, gần đây là quy hoạch đàn lợn, mặc dù chưa đạt mức tối đa của quy hoạch nhưng chúng ta vẫn phải giải cứu? Nhà nước lập quy hoạch thế này vậy thiệt hại của dân ai chịu trách nhiệm, người dân có được đền bù thiệt hại hay không?”.

ĐB Tạ Văn Hạ băn khoăn với tình trạng "mạnh ai nấy làm" trong quy hoạch ngành (Ảnh Bảo Lâm)

Từ đó, ĐB Hạ đề nghị quy hoạch phải từ cơ sở, từ cấp dưới đưa lên để cấp trên phê duyệt, nếu để cấp trên làm quy hoạch dễ dẫn đến chồng quy hoạch. 

Cũng bàn về quy hoạch ngành, ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng thẩm quyền xây dựng quy hoạch có tính chất kỹ thuật mang tính chuyên ngành nhưng lại chưa quy định cấp nào lập, khi nào lập, và thực hiện phê duyệt như thế nào...

"Chưa kể quy hoạch quốc gia thì Quốc hội quản lý giám sát, quy hoạch tỉnh thì có HĐND các cấp giám sát. Tuy nhiên quy hoạch vùng liên quan đến nhiều tỉnh lại chưa quy định ai giám sát để khắc phục tình trạng chia cắt chia rẽ giữa các tỉnh như hiện nay”, ĐB Cường nói.

Trong khi đó, ĐB Võ Đình Tín (đoàn Đắc Nông) nêu thực trạng nhiều chồng chéo mâu thuẫn trong công tác quy hoạch, vì vậy nếu có thể tích hợp quy hoạch tập trung sẽ chấm dứt tình trạng trên. "Tuy nhiên cần xác định mối quan hệ giữa các quy hoạch, không nên sử dụng vốn đầu tư công mà sử dụng nguồn từ hoạt động kinh tế. Đồng thời cần có những quy định để xử lý quy hoạch treo, quy hoạch chậm tiến độ, quy hoạch không phù hợp với thực tiễn”, ĐB Tín kiến nghị.

ĐB Đinh Văn Nhã phát biểu thảo luận (Ảnh Bảo Lâm)

Dân sợ nhất quy hoạch "treo"

ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) thì đề nghị cần công khai quy hoạch từ khi xây dựng lấy ý kiến nhân dân cho đến khi làm xong. “Càng công khai minh bạch thì nhân dân càng ủng hộ”, ông Trí nhấn mạnh.

Theo ĐB Đinh Văn Nhã (đoàn Phú Yên), người dân sợ nhất quy hoạch “treo”: “Như dự án trọng điểm đường sắt quốc gia đã kế thừa từ thời Pháp hơn 70 năm nay, nhưng đến nay vẫn nợ người dân hành lang an toàn hai bên đường trên phạm vi cả nước. Do chưa giải tỏa, đền bù nên người dân vẫn phải sống trong hành lang thiếu an toàn”.

Từ dẫn chứng trên, ĐB Nhã đề nghị, đối với nhóm quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh nên thiết kế các hệ thống tiêu chí như điều kiện kiểm tra giám sát, nguồn lực thực hiện... và phải lựa chọn thực hiện khâu nào trước. 

Còn ĐB Lê Minh Chuẩn (đoàn Quảng Ninh) cho rằng Luật Quy hoạch mang tính quy hoạch chi tiết nhưng lại thiếu yếu tố đảm bảo hoạt động ổn định. Vì vậy, phải đề ra yêu cầu rõ ràng để đảm bảo quy hoạch phát triển, hài hòa lợi ích trên cơ sở lợi ích quốc gia là tối thượng. 

Quy hoạch đô thị thuộc phạm vi điều chỉnh của luật nào?

Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị làm rõ quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn có thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Quy hoạch không; quy hoạch của các thành phố trực thuộc trung ương thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này hay Luật Quy hoạch đô thị.

ĐB quan tâm quy hoạch đô thị có thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Quy hoạch hay không

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc lập quy hoạch đô thị, nông thôn đã được quy định ở luật riêng (Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng). Tuy nhiên để bảo đảm tính hệ thống dự thảo luật đã có điều khoản quy định quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.

Ngoài ra, dự thảo luật cũng bổ sung một điều mới về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. Theo đó việc lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, pháp luật về xây dựng và chỉ có hiệu lực khi được tích hợp vào quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Việc công bố, công khai quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn thực hiện theo quy định của luật này, pháp luật về quy hoạch đô thị và pháp luật về xây dựng.

Dự thảo Luật Quy hoạch gồm 6 chương, 72 điều, quy định việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, điều chỉnh, giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra hệ thống quy hoạch quốc gia; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động quy hoạch.

Do còn nhiều ý kiến khác nhau nên đây là kỳ họp thứ ba, Quốc hội thảo luận, xem xét. Dự kiến ngày 24-11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua ngày 24-11.