Xóa bỏ nạn bạo hành phụ nữ

ANTĐ - Chủ tịch Liên minh tiến bộ thống nhất (UPA) cầm quyền Ấn Độ, bà Sonia Gandhi đã chính thức phát động chương trình mang tên “Ahimsa Messengers” - Những sứ giả không bạo lực nhằm ngăn chặn nạn bạo hành phụ nữ đã đến mức báo động tại quốc gia Nam Á này.

Một cuộc tuần hành ở Ấn Độ đòi bảo vệ phụ nữ khỏi nạn bạo lực

Cứ 22 phút lại xảy ra một vụ hiếp dâm

Mới ngày 22-8 vừa rồi, một nữ phóng viên ảnh 22 tuổi đã bị cưỡng hiếp tập thể tại Mumbai trong khi đang tác nghiệp. Đây là nạn nhân mới nhất của nạn cưỡng hiếp mà chấn động nhất là vụ một nữ sinh viên 23 tuổi bị một băng nhóm cưỡng hiếp dã man ngay trên một chiếc xe buýt đang chạy tại Thủ đô New Delhi hồi tháng 12 năm ngoái. Cô gái đã tử vong hai tuần sau đó. 

Theo số liệu thống kê, ở Ấn Độ bình quân cứ 22 tới 28 phút lại xảy ra một vụ hiếp dâm, và mỗi năm xảy ra khoảng 1.000 vụ tấn công axit nhằm vào phụ nữ. Theo Văn phòng hồ sơ tội phạm Quốc gia (NCRB), trong năm 2012 trên khắp Ấn Độ đã ghi nhận 24.923 vụ hiếp dâm. Tình hình ở Mumbai, thủ phủ tài chính của Ấn Độ, tệ hại tới mức người dân ở đây gọi nó là “thủ phủ hiếp dâm mới của Ấn Độ”. Riêng tại Thủ đô New Delhi có gần 17 triệu dân, bình quân mỗi ngày có 7 vụ hiếp dâm được trình báo.

Đối với một đất nước đang vươn lên tầm cường quốc thế giới, tình trạng trên là điều không thể chấp nhận. Thực tế thì Ấn Độ đang rơi vào một cuộc khủng hoảng về đạo đức. Tình trạng báo động về bất bình đẳng giới trái ngược với hình ảnh một Ấn Độ hiện đại và thịnh vượng. Trong lần phát biểu trên truyền hình hồi đầu năm, Tổng thống Ấn Độ P. Mukherjee đã phải thừa nhận: “Vụ cưỡng hiếp và thảm sát người phụ nữ trẻ - một biểu tượng mà đất nước Ấn Độ tiên tiến nhắm tới đã làm trái tim chúng ta trống rỗng và tâm trí chúng ta đau đớn. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi định hướng về đạo đức”.

Thay đổi từng bước

Chương trình “Ahimsa Messengers” mà bà Sonia Gandhi phát động nhằm mục đích thay đổi định hướng về đạo đức ở Ấn Độ. Tại lễ phát động chương trình, bà S Gandhi cho biết luật và chính sách chưa đủ để trao quyền cho phụ nữ. Bà nhấn mạnh vấn đề cơ bản nhất là  bức tường phân biệt đối xử với phụ nữ phải được phá bỏ và Chương trình “Ahimsa Messengers” sẽ nâng cao nhận thức về quyền hợp pháp của phụ nữ và sự an toàn cũng như danh dự của họ.

Chính phủ Ấn Độ cũng đã có những bước đi cứng rắn với nạn bạo hành phụ nữ. Trước sự căm phẫn dâng cao của công chúng, chính quyền liên bang đã cho thành lập những tòa án xét xử nhanh cho tội hiếp dâm, tăng gấp đôi mức án tù cho tội hiếp dâm mà cao nhất là 20 năm tù, hình sự hóa các tội như nhìn trộm, đi theo và buôn bán phụ nữ. 

Để ngăn chặn các vụ tấn công axit, Tòa án tối cao Ấn Độ đã yêu cầu chính quyền liên bang và chính phủ quản lý chặt chẽ hoạt động buôn bán axit. Theo quy định mới, axit chỉ được bán cho những người trình giấy chứng minh nhân dân hợp lệ. Ngoài ra, người mua sẽ phải giải thích lý do họ cần mua loại hóa chất nguy hiểm này và quá trình mua bán cũng sẽ được báo cáo với cảnh sát.

Một chương trình trao quyền cho nữ thanh niên có tên gọi “SABLA” cũng đã được phát động. Bà K. Tirath, Bộ Phát triển phụ nữ và trẻ em Ấn Độ, cho biết sẽ yêu cầu thủ hiến các bang triển khai chương trình này tại từng địa phương. Với chiến lược vừa khai thác tiềm năng của phụ nữ vừa bảo vệ họ, Ấn Độ hy vọng sẽ giải quyết dứt điểm nạn bạo hành phụ nữ.