Xóa bỏ lò gạch thủ công: Chưa có lối thoát?

ANTĐ - Tính đến thời điểm hiện tại, Thái Bình chưa xóa bỏ triệt để lò gạch thủ công trên địa bàn. Nguyên nhân chậm trễ trong việc xóa bỏ các lò gạch bắt nguồn từ hai phía: Chủ lò gạch chây ỳ và chính quyền địa phương xử lý không triệt để.

Lò gạch thủ công nằm ngay cạnh nhà dân


Lò gạch “sống ký sinh” đầm thủy sản

Trên 40 lò gạch thủ công với đủ mọi kích cỡ, công suất hoạt động nằm chềnh ềnh bên đầm thủy sản rộng 24ha. Con đường liên xã Tân Lễ (Hưng Hà - Thái Bình) bị băm nát bởi hàng trăm chiếc xe tải các loại ra vào chở gạch và các vật liệu từ gạch. Thậm chí, con đường đê dẫn tới đầm thủy sản rất lầy lội trong những ngày mưa khiến người dân nơi đây không khỏi bức xúc.

Bà Nguyễn Thị Thoa, ở thôn Lão Khê cho biết, không lúc nào chúng tôi được yên ổn. Chưa hết ngộp thở vì khói thì lại phải “hít” bụi vì từng đoàn xe ra vào cày nát con đường.

Vào thời kỳ cao điểm, xã Tân Lễ có tới gần 50 lò gạch thủ công tập trung ở bờ đê quanh các thôn làng. Tại các lò gạch này, số lượng lao động khá đông. Mỗi lò gạch cần khoảng 20 lao động nên số lượng người trong xã tham gia khá đông đúc.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây khó trong việc dẹp bỏ lò gạch trong khi các lao động không có việc làm khác thay thế. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Vượng - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lễ cho hay, đó vẫn chưa phải là nguyên nhân khó nhất.

Ông Vượng cho biết, các chủ lò gạch không chịu dẹp bỏ vì số đất để đóng gạch mộc vẫn còn khá nhiều, trong khi đó số vật liệu này nếu các chủ lò gạch phải mua với số tiền khá lớn từ một dự án của UBND xã Tân Lễ.

Mấy năm trước đây, UBND xã Tân Lễ quyết định chuyển đổi 24ha đất hoa màu sang nuôi trồng thủy sản. Số đất đào làm hồ được UBND xã Tân Lễ bán cho các chủ lò gạch với giá từ 7.000 - 11.000 đồng/m3. Vì số lượng đất mua vào lớn nên cho đến nay, các lò gạch vẫn còn tồn dư một lượng đáng kể.

Năm 2010, xã Tân Lễ triển khai ký cam kết yêu cầu các chủ lò dừng đốt. Từ đó đến nay, một số lò gạch bị phá bỏ nhưng nhiều lò vẫn lén lút vi phạm. UBND xã Tân Lễ đã thu giữ 6 máy đóng gạch và xử lý hành chính 28 chủ lò gạch vi phạm cam kết.

Một chủ lò gạch than thở, số lượng đất mua ở đầm thủy sản còn rất nhiều nên phải đốt hết để thu lại vốn. Nếu chính quyền cấm đốt gạch thì phải có phương án hỗ trợ kinh phí mà các chủ lò đã bỏ tiền ra để mua chính số đất mà UBND xã Tân Lễ bán cho chúng tôi.

Ngạo nghễ đốt lò

Trong khi các cấp chính quyền tỉnh Thái Bình ra sức tuyên truyền, lập các đoàn tháo dỡ lò gạch thủ công thì nhiều chủ lò gạch lại liên kết với nhau cản trở chính quyền, đốt lò “hun khói” người dân.

Nếu như xã Tân Lễ thuộc huyện Hưng Hà khiến người ta choáng vì số lượng lò gạch sống “ký sinh” bên đầm thủy sản thì xã Đoan Hùng mới thực sự là “thủ phủ” của các lò gạch thủ công nằm liền kề ngay cạnh các hộ dân.

Theo số liệu của UBND huyện Hưng Hà, cả huyện có 470 lò gạch thủ công thì xã Đoan Hùng đứng đầu bảng với gần 100 lò nằm tập trung ở các thôn Tiên La và Đôn Nông. Ngay hai bên đường của các thôn này là hàng chục lò gạch nằm liền kề bên những biệt thự mới xây.

Hai bên đường là các dãy gạch mộc và gạch đã nung nằm chềnh ềnh gây cản trở giao thông. Một số đại lý bán than ngang nhiên chuyển “hàng” lên xe ba gác ra các lò gạch trong khi khói vẫn nghi ngút trên các con đường.

Qua quan sát, hầu hết các lò gạch thuộc xã Đoan Hùng đều thuộc loại ống thấp nên khi đốt lò, khói không thoát ra được khiến không khí ngột ngạt. Cây cối và hoa màu quanh khu vực cũng bị héo úa do khói từ các lò thải ra.

Vào những năm 1990, một số hộ thoát nghèo nhờ mở lò gạch. Thế rồi, phần lớn người dân trong xã “bắt chước” mở theo tạo một phong trào làm ăn kinh tế chưa từng có ở vùng quê thuần nông này.

Ông Nguyễn Văn Ba - Phó Chủ tịch UBND xã Đoan Hùng cho hay, vì số lượng lò gạch nhiều, lao động tham gia khá đông nên xã gặp khó trong việc xử lý dẹp bỏ. Khi nhận được tin báo có chủ lò lén lút đốt gạch, UBND xã đã nhanh chóng cử đoàn công tác với đủ mọi thành phần ban, ngành xuống xử lý. Tuy nhiên, các chủ lò gạch đã liên kết với nhau gây áp lực, cản trở chính quyền nên việc xử lý hành chính được đã khó, phá bỏ lò của họ còn khó gấp vạn lần.

Hôm chúng tôi về xã Đoan Hùng cũng bắt gặp một số lò đang đốt. Những lò còn lại đang rục rịch chuyển than, xếp gạch vào lò chuẩn bị đốt lứa mới. Thậm chí, có lò đang cho thợ lên khuôn đóng gạch mộc… dù tất cả các chủ lò đã nhận được thông báo và ký cam kết dừng đốt để chờ phá bỏ.

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ có quyết định xóa bỏ lò gạch thủ công vào năm 2010 nhưng mãi đến tháng 5-2010, UBND tỉnh Thái Bình mới triển khai thông báo Chỉ thị 05 về vấn đề này trên địa bàn tỉnh. “Tháng 8-2010, UBND xã Đoan Hùng đã gấp rút thành lập ban chỉ đạo của xã về xóa bỏ lò gạch thủ công và xác định đây là việc khó và chủ đạo” - ông Ba cho biết.

Trong nội dung số 1 của Chỉ thị 05 do ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình ký cũng nêu rõ: “Hạn chế dần và tiến tới xóa bỏ sản xuất gạch đất nung bằng lò thủ công trên địa bàn tỉnh trước ngày

31-12-2010”.

Thế nhưng, từ đó đến nay vẫn chưa giải quyết xong, một phần cũng do chính quyền “chiều lòng” khi các chủ lò gạch “xin” cho đốt hết số gạch mộc còn lại.