Xin nuôi động vật hoang dã để... mua bán

ANTĐ - Lợi dụng việc cấp phép gây nuôi động vật hoang dã (ĐVHD), nhiều trang trại đã hợp pháp hóa các cá thể ĐVHD quý hiếm để trốn tránh cơ quan chức năng. Nhiều ý kiến cho rằng, phần lớn việc gây nuôi ĐVHD quý hiếm nhằm mục đích thương mại chứ không có mục đích bảo tồn, trừ các vườn thú, trung tâm cứu hộ, nghiên cứu.

Xin nuôi động vật hoang dã để... mua bán ảnh 1Nhiều trang trại được cấp phép nuôi rùa sinh sản?

Cấp phép gây nuôi hổ, tê giác 

Thời gian gần đây, dư luận xôn xao về việc một số địa phương đã cấp phép cho các trang trại gây nuôi ĐVHD quý hiếm như hổ, tê tê, rùa. Trong khi đó, Việt Nam chưa từng ghi nhận, tê tê, rùa sinh đẻ con ở các trang trại nuôi nhốt. Đáng nói, sự kiện UBND tỉnh Nghệ An cấp phép cho 1 cá nhân có liên quan tới đối tượng đã có 2 tiền án về hành vi buôn bán, vận chuyển hổ trái phép được gây nuôi hổ khiến dư luận rất bức xúc.

Cụ thể, vào tháng 4 vừa qua, bà Nguyễn Thị Liên, vợ ông Phạm Văn Tuấn (đối tượng từng có 2 tiền án liên quan đến buôn bán, vận chuyển hổ) đã được UBND Nghệ An cấp phép gây nuôi hổ để phục vụ hoạt động du lịch sinh thái. Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) bức xúc: “ENV cho rằng, việc cấp phép gây nuôi hổ và các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm cho người nhà đối tượng đã có 2 tiền án tội phạm liên quan đến động vật hoang dã là một việc làm hết sức vô lý của các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An”.

Mới đây nhất, một số trang trại ở Tây Ninh đã được Chi cục Kiểm lâm tỉnh này cấp phép gây nuôi tê tê Java và tê tê vàng. “Việc làm vì mục đích thương mại này trái với quy định pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm”, bà Bùi Thị Hà nhận định.

Theo đó, Nghị định 82/2006/NĐ-CP nêu rõ, một trong các điều kiện tiên quyết để đăng ký thành lập trang trại nuôi sinh sản, sinh trưởng động vật hoang dã quý hiếm là phải được 4 cơ quan khoa học thuộc CITES Việt Nam (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) xác nhận bằng văn bản là có khả năng sinh sản liên tiếp qua nhiều thế hệ trong môi trường có kiểm soát và việc nuôi sinh trưởng không ảnh hưởng tới bảo tồn loài đó trong tự nhiên.

Tê tê Java và tê tê vàng nằm trong danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ nên các hành vi đầu tư kinh doanh mẫu vật loài này từ tự nhiên đều bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh cho rằng, theo quy định, kiểm lâm là cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký các trại nuôi sinh sản, sinh trưởng loài thuộc phụ lục II, III của Công ước CITES. Trình tự thủ tục cấp giấy không quy định phải xin ý kiến bằng văn bản đối với cơ quan khoa học thuộc CITES. 

Không nên cấp phép 

Kết quả điều tra khá công phu của nhóm cán bộ và cộng tác viên của ENV trong 2 năm qua tại 26 trang trại gây nuôi ĐVHD cho thấy, 100% trang trại có dấu hiệu “rửa” nguồn gốc ĐVHD để hợp pháp cho việc buôn bán, vận chuyển. Đáng nói, 90% trong số trang trại được điều tra có hiện tượng mua bán giấy tờ vận chuyển ĐVHD “khống” hoặc  tái sử dụng nhiều lần. 

Ông Khổng Trung, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị nhìn nhận, tình trạng buôn bán ĐVHD trái phép vẫn diễn biến hết sức phức tạp vì nhu cầu cao. Trong 5 năm qua, tỉnh Quảng Trị đã bắt giữ 47 vụ vi phạm, tịch thu hơn 5.000kg ĐVHD, trong đó có hơn 600kg ĐVHD quý hiếm. Nhiều đối tượng đã bị xử lý nghiêm, như phạt tiền ở mức cao nhất 150 triệu đồng/vụ, tịch thu tang vật thả về môi trường tự nhiên hoặc phạt tù hưởng án treo…

“Mức xử phạt với hành vi buôn bán, vận chuyển ĐVHD quý hiếm vẫn nhẹ mặc dù đã có xử lý hình sự nhưng cao nhất cũng chỉ là án treo nên không đủ sức  giáo dục, răn đe. Một số hành vi buôn bán các sản phẩm quý hiếm như sừng tê giác, ngà voi nhưng không có khung định giá nên không thể xử lý”, ông Khổng Trung bày tỏ.

Do đó, ông Khổng Trung cho rằng, trong khi chưa quản lý tốt cơ sở gây nuôi cũng như việc nỗ lực bảo vệ rừng còn chưa đảm bảo thì chưa nên cho phép gây nuôi loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm vì hoạt động này sẽ gây ảnh hưởng tiêu  cực đến quần thể tự nhiên của các loài này.

Đồng tình, TS Lê Xuân Cảnh, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật cũng cho rằng, tê tê là loài khó thích nghi với môi trường phi tự nhiên. “Việc gây nuôi ĐVHD không thấy được mục tiêu bảo tồn. Việc gây nuôi thương mại một số loài thông thường có thể chấp nhận được nhưng với các loài nguy cấp quý hiếm thì phải nghiêm cấm, đặc biệt với những loài có khả năng đối mặt  với nguy cơ tuyệt chủng cao”, TS. Lê Xuân Cảnh nói.