Xin lỗi là chưa đủ!

ANTĐ - Những ngày qua, hình ảnh về nữ du khách Alaa Mohammad Abdu Ali Aldoh (Ai Cập) bị giật túi xách, mất hết tài sản khi đi bộ trên đường Lương Hữu Khánh, phường Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội gây bức xúc dư luận. 

Đây chỉ là một trong số những vụ cướp giật mà đối tượng nhắm vào du khách nước ngoài xảy ra trong thời gian qua trên địa bàn TP.HCM. Tại Hà Nội, chuyện du khách đang tản bộ trên đường phố bỗng dưng bị “chộp” chân để dán quai và khâu đế dép rồi “ép” trả số tiền còn đắt hơn đôi dép họ mua; hay phải trả đến con số nửa triệu đồng cho một lần đánh giày… cũng từng khiến nhiều vị khách nước ngoài ngán ngẩm.

Những đối tượng đánh giày “chặt chém, trấn lột tiền” của du khách đã bị các lực lượng công an vào cuộc điều tra, xác định và xử lý theo quy định của pháp luật. Ở TP.HCM, đại diện Sở Du lịch, phường Phạm Ngũ Lão cũng đã tìm gặp để nói lời xin lỗi du khách. Việc xin lỗi du khách là một việc làm cần thiết, văn minh và thực tế nó đã khiến vị du khách kia xúc động, bày tỏ mong muốn sẽ quay trở lại Việt Nam.

Nhưng nếu chỉ dừng lại ở lời xin lỗi thì chưa đủ bởi điều chúng ta mong mỏi là đằng sau lời xin lỗi phải làm thế nào để Việt Nam thực sự là quốc gia thân thiện, điểm đến hấp dẫn và an toàn chứ không chỉ đơn giản là khẩu hiệu. Những sự việc như trên xảy ra với khách du lịch chỉ do số ít, những “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng hậu quả kéo theo là vô cùng lớn, như cú đổ đô-mi-nô sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch Việt Nam.

Bởi 10 điểm tốt nhưng chỉ cần 1 sự trải nghiệm tồi tệ sẽ khiến họ mất đi thiện cảm với nền du lịch, thậm chí cả con người Việt Nam.Trong một cuộc trao đổi, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã từng đặt ra vấn đề rằng nói du lịch, ai cũng nói phong cảnh Việt Nam rất đẹp, con người rất tốt nhưng sao du lịch của mình thua kém các nước nhiều thế? Phải chăng còn đó rất nhiều nỗi sợ của du khách quốc tế mỗi khi đến Việt Nam như nạn cướp giật, chặt chém, đu bám, hàng rong chèo kéo khách, giao thông hỗn loạn…

Đó là những vấn đề rất cụ thể mà ngành du lịch cần phối hợp với cơ quan chức năng, nhiều ngành phải vào cuộc để có giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những “vết đen” không đáng có. Ngoài ra cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường du lịch, ứng xử văn minh, lịch sự. Dẫu biết đây không phải là câu chuyện của ngày một ngày hai mà là cả một chiến dịch dài hơi để xây dựng môi trường du lịch an toàn. 

Nhìn rộng ra thì đây không chỉ là vấn đề du lịch mà là nếp sống, là văn hóa mà chúng ta phải xây dựng. Nếu có sự đồng lòng, quyết tâm của các cơ quan ban ngành, bên cạnh đó là ý thức của mỗi người dân về tự tôn dân tộc, sẽ góp phần xóa đi hình ảnh xấu trong mắt du khách, để Việt Nam trở thành một điểm đến thân thiện, hấp dẫn và an toàn. Hy vọng chúng ta sẽ không phải nói bất kỳ lời xin lỗi nào tương tự với các du khách nước ngoài nữa!