Xin hỏi Bộ trưởng, gói 30.000 tỷ đâu rồi?

ANTĐ - Tại phiên thẩm tra sơ bộ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) sáng 6-3, ông Ngô Văn Minh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng: “Xin hỏi Bộ trưởng  gói 30.000 tỷ đâu rồi, đề nghị trả lại cho Quốc hội và Chính phủ để bố trí làm việc khác”.

Câu hỏi của vị đại biểu Quốc hội này đã nói về sự thất bại của của gói hỗ trợ cho vay nhà ở lên đến 30.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách. Tính đến ngày 17-2-2014, Ngân hàng Nhà nước đã xác nhận đăng ký hợp đồng cho vay đối với 17 doanh nghiệp với số tiền 1.466,5 tỷ đồng, trong đó các ngân hàng đã giải ngân cho 11 doanh nghiệp với số tiền là 536,5 tỷ đồng. Đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân, đã có 5 ngân hàng cam kết cho vay 2.275 khách hàng cá nhân với số tiền là 821,3 tỷ đồng; trong đó, đã giải ngân cho 2.261 khách hàng với dư nợ 550,5 tỷ đồng. Như vậy gần một năm trôi qua, nguồn vốn này chỉ mới giải ngân được dưới 9%.

Mặc dù Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng vẫn khẳng định đây không phải là gói kích cầu thị trường bất động sản vào lúc nó đang đóng băng, nhưng không thể phủ nhận sự mong mỏi không chỉ của các chủ đầu tư bất động sản mà một phần lãnh đạo nền kinh tế cũng mong muốn khoản hỗ trợ này như con tàu phá băng hàng triệu tỷ bị “nhốt” trong các vỏ bê tông. Rất tiếc, việc đưa gói hỗ trợ này vào đời sống không đạt được mục đích.

Trước hết bởi những người làm chính sách đã dự đoán sai nhu cầu mua nhà xã hội. Nhu cầu nhà ở trong xã hội rất lớn, nhưng nhu cầu mua nhà thì cực thấp, nhất là trong thời điểm kinh tế chưa thoát khỏi khủng hoảng. Bởi muốn mua nhà người mua phải có tiền hoặc chí ít cũng có khả năng làm ra tiền để trả nợ. Gói hỗ trợ này cho vay chứ không cho không, ế cũng có lý do của nó. Thứ 2 là lãi suất, khi kích hoạt gói này, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, quy định thời hạn vay là 10 năm và lãi suất là 6%/ năm. Ngay khi đưa gói hỗ trợ này vào đời sống, nhiều dự án đã trưng biển cho vay lãi suất thấp hơn 6%, thậm chí còn là 0% lãi suất. Và đến thời điểm này khi lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại xuống đến dưới 5%, Ngân hàng Nhà nước mới hạ lãi suất gói hỗ trợ nhà ở xuống 5%/năm từ 1-1-2014. Như vậy lãi suất này đã hết giá trị ưu đãi và gói 30.000 tỷ không là gói hỗ trợ nữa. Thêm nữa, với những thủ tục phiền toái như mọi thủ tục hành chính khác, gói hỗ trợ nhà ở này đã bị chính đối tượng của nó, những người có nhu cầu mua nhà chối bỏ.

Cũng không ngạc nhiên khi tỷ lệ các doanh nghiệp được vay nhiều hơn dân vay. Ngay bây giờ nếu mở cửa gói này cho các doanh nghiệp sẽ có rất nhiều doanh nghiệp xin vay, nhất là thời điểm áp dụng Thông tư 02/NHNN đã đến gần, các doanh nghiệp đang cần tiền để đảo nợ. Nhưng những khoản cho vay này, thật tình chứa đựng khả năng mất vốn rất lớn.

Để trả lời câu hỏi của ông Ngô Văn Minh, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã nêu khó khăn lớn nhất khi triển khai gói hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng là do thiếu nguồn cung nhà thu nhập thấp và các địa phương không mặn mà xây dựng nhà thu nhập thấp. Mà đúng thôi, mặn mà sao được khi trên địa bàn còn một núi nhà đất chưa tiêu đi đâu được, lại khởi công xây chung cư mới. Lãnh đạo các địa phương họ có cái nhìn sát hơn về quỹ nhà tồn ế trên đất họ. 

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, nên duy trì gói hỗ trợ này thêm nhiều năm, kể cả khi thị trường bất động sản đã nóng lên, kể cả khi thu nhập đầu người của chúng ta lên đến 50.000USD/năm. Nghĩa là duy trì vĩnh viễn. Câu trả lời đã khẳng định: Vào thời điểm này, gói cứu trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng đã không phát huy được hiệu quả trong đời sống.