Xung quanh chuyện Thánh Gióng xuống hồ Tây tắm:

Xin đừng hà tiện cả ước mơ!

ANTĐ - Mấy hôm nay mạng xã hội đã quên hẳn chuyện phát ngôn “gây sốc” của nữ nhà văn Trang Hạ mà chuyển sang tranh luận chuyện Thánh Gióng trước khi về trời có tắm hay không. Một nửa số tham gia tranh luận bảo đó là hành vi bịa đặt, xuyên tạc truyền thuyết, không thể chấp nhận được. Nửa còn lại hoang mang, tắm hay không tắm và hình như nếu chuyện đó xảy ra thì cũng là… bình thường!

Xin đừng hà tiện cả ước mơ! ảnh 1Sự tích Thánh Gióng tắm còn lưu ở thần phả đền Sóc, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm

Khuyến khích trẻ em ước mơ

Xét cho cùng, câu chuyện chẳng có gì mà ầm ĩ, tất nhiên ở đây loại trừ nguyên nhân người ta cố tình cắt cúp, câu “view”. Đoạn văn trên được trích dẫn từ tác phẩm “Sức sống của dân Việt Nam trong ca dao và cổ tích” được viết bởi nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi và sách “Hướng dẫn học tiếng Việt lớp 5” sử dụng như một tài liệu thử nghiệm mô hình trường học mới ở Việt Nam (Việt Nam Escuela Nueva, viết tắt là VNEN). Nguyễn Đình Thi đã viết rất rõ rằng: “Nghe chuyện Phù Đổng Thiên Vương, tôi thường tưởng tượng đến một trang nam nhi sức vóc khác người nhưng tâm hồn còn thô sơ và giản dị như tâm hồn của tất cả con người thời xưa. Tráng sĩ ấy gặp lúc quốc gia lâm nguy đã xông pha ra trận, đem sức khỏe mà đánh tan giặc, nhưng bị thương nặng. Tuy thế người trai làng Phù Đổng vẫn còn ăn một bữa cơm rồi nhảy xuống hồ Tây tắm, xong mới ôm vết thương lên ngựa đi tìm một rừng cây âm u nào, giấu kín nỗi đau của mình mà chết”… Ấy thế mà, đọc xong đoạn trích này, không ít người đã “giật mình kinh hãi”, đã nghi ngờ “ai đó mạo danh Nguyễn Đình Thi” thậm chí đã giận dữ cho rằng: “Lịch sử đã bị xuyên tạc, chân dung Thánh Gióng đã bị bôi nhọ bằng hành động “tắm” đầy phàm tục” kia. 

Chẳng phải bài viết của Nguyễn Đình Thi hay cụ thể hơn từng câu từng chữ ông đã nhấn mạnh “tôi thường tưởng tượng” đó sao? Đâu rồi trí tưởng tưởng bay bổng lãng mạn và phong phú của người Việt? Tại sao ngay cả cách cảm thụ văn học theo ý kiến chủ quan của từng cá nhân, giờ lại thành tâm lý đám đông cứng nhắc và nghèo nàn thế này. Đám trẻ con xưa vẫn được bà, được mẹ hát ru rằng: “Hùm nằm cho lợn liếm lông/ Một chục quả hồng nuốt lão tám mươi/ Nắm xôi nuốt trẻ lên mười/ Con gà nậm rượu nuốt người lao đao” rồi “Bao giờ trạch đẻ ngọn đa/ Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng…”. Ai chẳng biết đó là chuyện ngược đời, vô lý, nhưng sức sống của những câu ca dao này xuyên thời gian, nó được thế hệ 6x, 7x, 8x… mãi nhớ nằm lòng. Đơn giản, đó chỉ là khuyến khích những ước mơ con trẻ bay bổng mà thôi. Tại sao  không? 

Tưởng tượng giúp con người ta sống đẹp

Thật là tồi tệ nếu sống trên đời này mà thiếu đi trí tưởng tượng cùng sự sáng tạo, nó là thứ khuyến khích con người ta sống đẹp, nhìn về phía trước đầy tin yêu. Ở trong thế giới tinh thần bí ẩn đến vô tận đó, con người ta có thể cho phép mình mơ về nơi xa, thậm chí đi ngược thời gian, ngược không gian… thỏa mãn khát vọng cho chính cái tôi của mình. Và vì thế mà văn học nghệ thuật đã ra đời, tồn tại, được tôn vinh.

Đáng sợ làm sao khi “nảy” ra những cái đầu vô cảm. Hàng ngày họ sống, làm việc, ăn, ở, thực hiện trách nhiệm với gia đình, với xã hội, với bạn bè … theo cách đã được lập trình sẵn. Mọi sự lãng mạn để từ đó yêu thương nhau hơn đều bị coi là rất mất thời gian và cực kỳ vô nghĩa. Sự phản ứng với đoạn văn về Thánh Gióng của nhà thơ Nguyễn Đình Thi là một ví dụ về đôi cánh tưởng tượng và cái kéo nhăm nhe cắt rất phũ phàng.

Thực tế chuyện Thánh Gióng tắm thì sao? Câu chuyện về đức Phù Đổng Thiên Vương truyền thuyết đã ghi, có lẽ tích này không ai không đọc và đọc xong thì không ai là không nhớ. Nếu vẫn chưa tin, bạn có thể tìm hiểu thêm về hệ thống các truyền thuyết về Thánh Gióng qua Việt điện U linh, Lĩnh Nam chích quái, Đại Nam nhất thống chí và đặc biệt là Thần phả lưu ở đền Sóc - Xuân Đỉnh rằng: “Sau khi đánh tan giặc Ân, Thánh Gióng đã dừng chân nghỉ ngơi ở ven làng Cảo Động (tên nôm là Cáo, Xuân Đỉnh ngày nay). Thánh Gióng buộc ngựa vào gốc cây đỉnh gò Phượng Hoàng, xuống hồ Tây tắm mát. Dân làng Cảo Động đã mang cơm nắm và cà ra dâng. Sau khi ăn xong, Gióng phi ngựa sắt đến Vệ Linh lên đỉnh núi, cởi giáp trụ rồi bay về trời”. Và cho đến tận bây giờ, hàng năm vào mùng 6 tháng Giêng âm lịch, dân làng vẫn mở hội tưởng nhớ ân đức và trong hội còn có một nghi lễ quan trọng: tắm Thánh. 

Câu chuyện rất đáng suy ngẫm này lại xảy ra ở một mô hình giáo dục mới, trong đó mục đích của mô hình là khuyến khích học sinh sáng tạo, thực hành, bồi đắp tính năng động và trí tưởng tượng. Sẽ thế nào khi học sinh được khuyến khích năng động, sáng tạo mà tư duy của các thầy cô và nhà quản lý vẫn một chiều kiểu “thầy đọc trò ghi, trò ghi trò không hiểu gì”, nhưng vẫn cứ buộc phải học thuộc lòng, lơ mơ mà chệch lối mòn quỹ đạo là xơi điểm 0 có ngày.

Thế giới sẽ ra sao nếu con người ta không được quyền mơ ước vượt khuôn khổ, vượt thời gian và không gian. Sẽ ra sao nếu không có những phát minh “điên rồ” để rồi từ đó có điện, có thể di chuyển như chim trên trời bằng đường hàng không, có cả máy tính kết nối không dây qua đó ta có thể nhìn thấy những người ta yêu quý dù có cách xa cả vạn cây số. Hỡi những cây kéo thần kỳ nhăm nhe cắt mọi ước mơ, hãy mơ ước đi và đừng hà tiện, đó là việc nên làm hơn là nhảy dựng lên phản đối một câu chuyện văn chương được cho là “xuyên tạc, bịa đặt”!