Xin chào Park Hang-seo. Và đây là 7 thách thức đang đợi ông!

ANTD.VN - Chúc mừng Park Hang-seo chính thức trở thành tân HLV trưởng 3 ĐTQG của Việt Nam từ ngày 11-10 tới hết năm 2019, nhận lương cao nhất trong số những người tiền nhiệm. Còn đây là những thách thức đang chờ đón ông:

Kém hiểu biết về bóng đá Việt Nam

Bản thân ông Park thừa nhận vốn hiểu biết về bóng đá Việt Nam của mình gần như là con số 0 và nó chỉ mới được bồi lấp "hỏa tốc" sau khi ông có ý định trở thành HLV trưởng ĐT Việt Nam từ cách đây chừng một tháng. Vì vậy, tân HLV này sẽ phải vừa làm vừa... học. Học cách thích nghi với môi trường bóng đá, học nếp sống, văn hóa ở Việt Nam và học cả cách ứng xử với những đồng nghiệp, học trò.

Để có được thành công với chức vô địch AFF Cup 2008 cùng ĐT Việt Nam, người tiền nhiệm Calisto đã phải "ăn ngủ" với V-League và đội tuyển gần 10 năm, hiểu từng ngóc ngách và cộng thêm may mắn khi thi đấu mới có được.

Bóng đá Việt Nam như tờ giấy trắng trong sự hiểu biết của HLV Park

Vênh về độ chuyên nghiệp

Từ khi còn là cầu thủ tới hiện tại, ông Park vốn chỉ ở trong môi trường bóng đá Hàn Quốc - vốn chuyên nghiệp hơn Việt Nam rất nhiều lần. Các nền bóng đá phát triển, HLV chỉ như người giáp nối chiến thuật cho cầu thủ, song ở Việt Nam, đôi khi họ còn phải sắm vai người đào tạo từ thể lực tới kỹ chiến thuật và cả ý thức chuyên nghiệp. V-League 2017 vừa qua chứng kiến cảnh các cầu thủ thở không ra hơi sau 2 tháng nghỉ, lý do bởi ý thức tự giác tập giữ thể lực của cầu thủ trong quãng nghỉ là rất kém, CLB buông lỏng. Đây là điều hiếm xảy ra ở Hàn Quốc, quê hương ông Park.

Mâu thuẫn triết lý bóng đá

Bóng đá Hàn Quốc, nơi ông Park thi đấu và sau đó làm công tác huấn luyện, đề cao tính kỷ luật và thể lực. Nhưng đây lại là 2 điểm yếu cố hữu của bóng đá Việt Nam. Nếu không thể dung hòa mâu thuẫn này, chuyện HLV phải ra đi là điều khó tránh và thực tế đã từng xảy ra trong quá khứ.

Ông Park "nổi tiếng" ở bóng đá Hàn Quốc sau hình ảnh ngủ gật khi trong cabin BHL

Cái uy và cá tính

Để có thể thuyết phục được cầu thủ, bên cạnh năng lực chuyên môn thì HLV cần có cái uy. Với việc vừa dẫn một CLB giải hạng 3 Hàn Quốc thi đấu bết bát, ông Park đối mặt hoài nghi năng lực, cộng thêm dáng vẻ bề ngoài chưa cho thấy cái uy của nhà cầm quân. Điều này có thể là trở ngại khi ông bắt tay vào huấn luyện ĐT Việt Nam, với nhiều cá nhân - cái Tôi lớn.

Một HLV giỏi thường là người rất cá tính. Tuy nhiên ấn tượng đọng lại lúc này với đa số người hâm mộ Việt Nam là hình ảnh ông Park ngủ gật trong cabin khi đang dẫn đội nhà đá K-League và được người Hàn Quốc đặt cho biệt danh "Ngài ngủ gật".

Chỉ tiêu, nhiệm vụ nặng nề

Phải tới ngày 11-10 tới, khi chính thức ký hợp đồng, chỉ tiêu cụ thể mà VFF giao cho tân HLV Park mới chính thức được công bố. Tuy nhiên không khó nhận ra đó sẽ là nhiệm vụ hết sức nặng nề. Ông Park sẽ phải kiêm nhiệm 3 đội tuyển và thi đấu 5 giải đấu khắc nghiệt: U23 dự VCK châu Á 2018 và SEA Games 2019, ĐTQG đá vòng loại Asian Cup 2019 (rất có thể là cả VCK Asian Cup 2019) và AFF Cup 2016, Olympic Việt Nam tranh vé dự VCK Olympic 2020.

Với thời gian hợp đồng 2 năm, chỉ riêng nhiệm vụ giúp ĐTQG vô địch AFF Cup 2018 đã rất khó khăn, chưa nói tới việc phải "phân thân" cho 3 đội tuyển ở 5 giải đấu khó. Nhất là lại với một người vừa chân ướt chân ráo tới Việt Nam "vừa làm vừa học" như HLV Park.

Ông Park sẽ phải gồng mình khi 2 năm nắm 3 đội tuyển Việt Nam đá 5 giải đấu khó

Thay HLV như thay áo

Lo ngại này xuất phát từ chính báo chí Hàn Quốc. Trước ngày ông Park sang Việt Nam ký hợp đồng, tờ Hankookilbo có bài viết nói về tương lai HLV Park Hang-seo tại Việt Nam với dòng tít phụ: "Nhiều HLV nước ngoài đã bị chôn vùi tại Việt Nam". Bài viết đưa ra thống kê: "Trên thực tế, Việt Nam nổi tiếng là quốc gia thường xuyên thay HLV. Kể từ năm 1991 đến nay, ĐT Việt Nam thay HLV tới 26 lần (kể cả tái bổ nhiệm) trong đó có 13 lượt HLV ngoại. Tính trung bình, mỗi năm Việt Nam lại thay HLV một lần ở ĐTQG và Park Hang-seo là người thứ 27".

Áp lực từ truyền thông và cư dân mạng

Thực tế áp lực này tác động tới tâm lý cầu thủ và các quyết định của VFF nhiều hơn là tác động trực tiếp tới HLV ngoại quốc bởi đa số họ không đọc báo chí và mạng xã hội Việt Nam vì bất đồng ngôn ngữ.

Với SEA Games hay AFF Cup, người hâm mộ Việt Nam từ lâu đã "mặc định" Việt Nam phải vô địch, còn không xem như thất bại. Trước các giải đấu, các đội tuyển được truyền thông đặc biệt quan tâm và người hâm mộ đặt kỳ vọng đôi khi tạo áp lực nặng nề lên đôi chân các tuyển thủ. Sau mỗi giải đấu không thành công là những chỉ trích, "ném đá" từ các cư dân mạng, tạo thành làn sóng có thể cuốn trôi ghế HLV trưởng.

Toshiya Miura, Falko Goetz hay mới nhất Nguyễn Hữu Thắng là những người thấm thía điều này. Ngay cả người được xem là "công thần" như Calisto cũng phải rời ghế vì áp lực sau khi không thể cùng ĐT Việt Nam bảo vệ thành công chức vô địch AFF Cup năm 2010.

Lợi thế của HLV Park Hang-seo

Bên cạnh những thách thức, ông Park cũng có những lợi thế nhất định của một HLV ngoại quốc. Ví như việc ông sẽ được nắm quyền tự quyết về chuyên môn (thay vì hay bị can thiệp như với HLV nội), được chọn trợ lý (VFF đồng ý ông Park mang theo một trợ lý từ Hàn Quốc và chi trả lương). So với đồng nghiệp Việt Nam, ông Park không phải chịu áp lực từ những mối quan hệ chằng chịt ở làng bóng nội, được tự lựa chọn tuyển thủ theo ý mình (chứ không phải theo "dây" của mối quan hệ) và việc lần đầu nắm một ĐTQG có thể tạo hưng phấn, động lực nhất định cho ông thầy 58 tuổi này.