Xích mích với Nga, Mỹ “xui” NATO mua tàu Mistral của Pháp

ANTĐ - Ngày 7-11 tờ báo The Hill đưa tin, các nhà lập pháp Mỹ đã gửi một bức thư cho Tổng thư ký của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Jens Stoltenberg, đôn đốc NATO mua tàu chở trực thăng lớp Mistral mà Pháp có ý định bán cho Nga. Bức thư được gửi đi trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga và Mỹ đang ngày càng rạn nứt do tình hình khủng hoảng tại Ukraine. 

Xích mích với Nga, Mỹ “xui” NATO mua tàu Mistral của Pháp ảnh 1Tàu chở trực thăng lớp Mistral mà Pháp dự tính sẽ bàn giao cho Nga

Trong bức thư, các nhà lập pháp viết: “Do đang phải đối mặt với gánh nặng tài chính trầm trọng mà Pháp đã phải trì hoãn việc bàn giao các tàu chiến Mistral cho Nga, đồng thời có nguy cơ phải bồi thường hợp đồng với số tiền lớn. Vì vậy, chúng tôi kêu gọi NATO mua hoặc là thuê các tàu chiến này như là tài sản hải quân chung của liên minh để giúp Pháp vượt qua khó khăn trong giai đoạn này”.

Ngày 6-11, Thủ tướng Pháp Manuel Valls thông báo rằng, Nga vẫn chưa đáp ứng một số điều kiện để được nhận tàu chiến trên. Vì vậy, có khả năng Pháp sẽ lùi thời hạn chuyển giao tàu thêm lần nữa.

Năm 2011, Pháp đã ký hợp đồng đóng 2 tàu chở trực thăng hiện đại lớp Mistral cho Nga với tổng trị giá hợp đồng là 1,2 tỷ euro (tương đương 1,6 tỷ USD), theo đó chiếc đầu tiên dự kiến được chuyển giao vào tháng 10/2014 và chiếc còn lại sẽ được chuyển giao trong năm 2015.

Tuy nhiên, thương vụ này liên tục gặp trắc trở kể từ khi phương Tây liên tục áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế cũng như là cáo buộc Nga hỗ trợ cho phe ly khai và tạo nên cuộc khủng hoảng Ukraine.  

Đầu tiên là việc vào trung tuần tháng 9 vừa qua, Pháp đặt thêm điều kiện chuyển giao tàu sau khi chịu sức ép quá lớn từ Mỹ và các nước châu Âu. Paris tuyên bố chiếc tàu chiến lớp Mistral đầu tiên mang tên "Vladivostok" chỉ có thể được chuyển giao cho Nga với điều kiện Moscow phải đảm bảo một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài và thỏa thuận chính trị ở Ukraine. 

Pháp cũng lùi thời hạn chuyển giao tàu "Vladivostok" đến ngày 14/11 trong khi có thể chuyển giao sớm hơn khoảng một tháng. 

Trong khi đó, Nga tỏ ra khá bình thản trước những thay đổi từ phía Pháp vì theo các điều khoản trong hợp đồng, Paris sẽ phải nộp phạt hàng tỷ USD nếu vi phạm hoặc hủy bỏ hợp đồng đã ký. Đó là chưa kể tới những thiệt hại khác lớn hơn nhiều do quan hệ căng thẳng giữa hai bên.

Điều này càng đẩy Paris, một trong những đồng minh thân cận của Mỹ ở châu Âu, vào thế khó khi phải lựa chọn giữa một bên là hủy bỏ thỏa thuận, nghĩa là mất hàng tỷ USD và gây hiềm khích với Nga và một bên là thực hiện hợp đồng nhưng khiến Mỹ và NATO tức giận.