Xích lô Hà Nội: Lặng thầm theo dòng lịch sử

ANTĐ - Ai đó đã nói rằng, họ đến thăm Hà Nội vì muốn một lần ngồi trên chiếc xích lô để đi thong dong trên những con phố cổ, ngắm Hồ Gươm xanh mát và thơ mộng. Giữa một Hà Nội sầm uất, đông vui và náo nhiệt, chiếc xích lô như gợi nhắc cho mỗi người biết bao điều về quá khứ, hiện tại và tương lai. Xích lô đã trở thành một nét đẹp không thể thiếu của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Những chiếc xích lô đã trở thành một nét đẹp rất riêng, rất đặc trưng của Thủ đô Hà Nội

Anh hùng trong chiến đấu

Câu chuyện về nguồn gốc cũng như sự ra đời của chiếc xích lô đến bây giờ vẫn còn nhiều nghi vấn và mang lại tranh cãi ở nhiều nước. Ðến nay, cả người Nhật và người Mỹ đều đưa ra những bằng chứng xác thực cho rằng họ đã phát minh ra chiếc xích lô đầu tiên vào năm 1848 (hoặc 1868) do những người thợ rèn làm theo đơn đặt hàng của các nhà thờ.

Thời gian đầu, xích lô được các nhân viên Pháp và quan lại của Hà Nội mua và sử dụng. Sự ra đời của nó làm thay đổi tư duy đi lại của người dân, từ di chuyển đường bộ chủ yếu bằng kiệu, võng, ngựa chuyển sang một phương tiện di chuyển khác, tiện lợi hơn. Dần dà, phương tiện này trở nên quen thuộc trên các đường phố Hà Nội và tồn tại cho đến ngày nay.

Trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, chiếc xích lô ngày nào đã trở thành chứng nhân lịch sử, cùng cả dân tộc làm nên những thắng lợi vẻ vang. Ông Ðỗ Anh Thư, giám đốc Công ty TNHH dịch vụ xích lô du lịch “Không lo âu” (Sans Souci Sarl) đã xúc động khi nói về chiếc xích lô Hà Nội trong những năm tháng máu lửa, cả dân tộc sục sôi tinh thần chiến đấu bảo vệ Tổ quốc: Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xích lô dùng để chở hàng hóa, đạn dược, thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm, các trang thiết bị khác và người bị thương. Xích lô anh dũng "xông" vào nơi bom đạn hiểm nguy, chung sức cho cuộc chiến.

Ông Ðỗ Anh Thư tự hào kể về những đóng góp của chiếc xích lô 
trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc

Gìn giữ nét đẹp Hà thành

Trong hoài niệm của người Hà Nội xưa, hình ảnh chuyến tàu điện leng keng ở Bờ Hồ, tiếng rao vang vọng lại của những người bán hàng rong và tiếng kẽo kẹt của chiếc xích lô đã trở thành những kí ức ẩn sâu khó phai mờ, làm nên một nét văn hóa rất riêng, rất đặc trưng của mảnh đất kinh kỳ để khi họ đi xa đến chân trời góc bể vẫn nhớ về thủ đô Hà Nội yêu dấu.

Cuộc sống xô bồ, hối hả với những lo toan thường nhật nhiều lúc làm mỗi người cảm thấy mệt mỏi và không còn chút cảm hứng để đi dạo vào mỗi buổi tối thu Hà Nội, dù cho hoa sữa vẫn thơm từng con phố nhỏ, mùi hương của nó vẫn làm mỗi người xao xuyến, bồi hồi nhớ thương về mối tình đầu nhiều ước mộng… Dù có những phương tiện hiện đại (ô tô, xe máy…) nhưng nhiều người không bỏ được thói quen đi xích lô vào mỗi buổi sớm của Hà Nội. Ðối với họ đấy là một niềm vui, thú vui tao nhã không gì thay thế đến nỗi thiếu vắng nó, họ như thấy mình chưa thật sự sống trọn vẹn mỗi ngày.

Ngồi trên chiếc xích lô ngắm nhìn đất trời Hà Nội khi còn trong sương sớm, không khí trong lành, hít hà hương thơm của cỏ cây hoa lá, thấy gió đùa nghịch trên mái tóc ai buông dài, theo chân các bà các chị đi chợ sớm để ngắm nhìn chợ hoa với vô vàn sắc thắm – những cánh hoa còn ướt đẫm sương đêm… Theo từng vòng quay của bánh xe, Tháp Rùa – chứng nhân lịch sử hiện ra mờ ảo trong làn sương khói sớm mai, thấy lăng Bác uy nghi và sừng sững gợi nhắc ta ghi nhớ công lao vĩ đại của Bác Hồ kính yêu cùng biết bao thế hệ cha anh đã anh dũng lên đường, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh… cho đến những con đường nhỏ xinh trong từng phổ cổ.

Mỗi nơi lại mang đến một hoài niệm, dậy lên trong lòng mỗi người nhiều cung bậc cảm xúc khó tả. Những kỷ niệm của thời cắp sách – ngày ngày hai buổi đến trường, thuở yêu đương hò hẹn – hay ngại ngùng và giận hờn vô cớ… ít nhiều đều ghi dấu ấn của chiếc xích lô bé nhỏ. Thong dong qua từng con phố, dường như lúc ấy, con người hòa mình cùng với thiên nhiên, những âu lo đời thường cũng như tan biến để họ thật sự được trở về với chính mình, cảm nhận đầy đủ những gì mà thế giới đã mang đến dâng tặng cho con người. Xích lô đã là một thành viên không thể thiếu của Thủ đô Hà Nội, là một phần quan trọng trong ký ức của mỗi người.

Xích lô bây giờ được trang trí đẹp hơn, với tay vịn, lọng vàng, bọc đệm đỏ,
cùng sơn một màu và một kiểu dáng

Khách du lịch tỏ ra hài lòng và rất thích thú với "người bạn" đặc biệt này

Mang Việt Nam đến với thế giới

Ông Bùi Văn Đông, 54 tuổi (số nhà 42, ngõ 533, Bạch Đằng, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm) đã đến với nghề xích lô được 34 năm. Ông tâm sự: Hoàn cảnh gia đình nghèo khó nên hai anh em trai đều làm nghề xích lô. Nghề này cũng như “làm dâu trăm họ”. Mình là người lao động, làm theo yêu cầu của khách, phải nhiệt tình, nhẹ nhàng và chu đáo với phương châm “khách hàng là thượng đế”, không bắt chẹt khách. Khách nước ngoài sang Việt Nam đều thích đi xích lô. Nếu bỏ xích lô đi thì những người lao động như họ sẽ mất công ăn việc làm, gia đình lại rơi vào hoàn cảnh khó khăn, Thủ đô sẽ mất đi một nét đẹp văn hóa lịch sử.

Ði dạo bằng xích lô là một nét đẹp văn hóa truyền thống của Hà Nội, là một đặc trưng riêng mà hiếm có Thủ đô nước nào trên thế giới có được. Ðiều này đã góp phần tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho du lịch Việt Nam. Ông Thư nói với tôi: Ða số du khách nước ngoài khi đến Thủ đô đều muốn lựa chọn phương tiện di chuyển này để tham quan, khám phá nét đẹp cổ kính và tìm hiểu cuộc sống của người dân khu Kẻ chợ… bởi giá thành phù hợp, tiện lợi; người chở xích lô thân thiện và thoải mái.

Nhiều khách quốc tế đã thích thú reo lên khi chiếc xích lô đưa họ đi qua các con phố nghề cổ, họ được tận mắt ngắm từng centimet của phố cổ (mà không phải quan sát phố phường qua kính ô tô), tìm về Hà Nội xưa. Ngồi trên chiếc xích lô trôi chầm chậm, du khách có thể quay phim, chụp ảnh, thỏa sức chiêm ngưỡng, quan sát, ngắm nhìn cảnh sinh hoạt của cư dân phố cổ, thấy mình hòa cùng khung cảnh xung quanh, cảm giác như đang ngắm một sân khấu sống động, không sợ mưa nắng.

Ðể phục vụ khách du lịch, xích lô bây giờ được trang trí đẹp hơn, với tay vịn, lọng vàng, bọc đệm đỏ, cùng sơn một màu và một kiểu dáng, những người lái xích lô đều mặc đồng phục lịch sự. Khi có lễ hội, họ cũng ăn vận comple, cavat hay áo the, khăn xếp… Không những thế, họ còn có thể giao tiếp với khách nước ngoài bằng vốn ngôn ngữ tích lũy của mình: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung… và trực tiếp họ đã là những đại sứ, những hướng dẫn viên du lịch giới thiệu những nét đẹp văn hóa của Hà Nội nói riêng và của Việt Nam nói chung đến với bạn bè quốc tế, mang họ về với Việt Nam.