Xi măng “chết cứng” vì chạy theo phong trào

ANTĐ - Lãi vay ngân hàng cao chót vót trong khi tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp xi măng đang rơi vào cảnh thua lỗ nặng nề. Bên cạnh nguyên nhân do thị trường bất động sản bị “đông lạnh”, tình cảnh bi đát này còn xuất phát từ “cuộc đua” xây dựng nhà máy tràn lan từ nhiều năm trước.

Cung vượt cầu khiến xi măng sản xuất ra không tiêu thụ được

Ế ẩm, tồn kho, thua lỗ

Tại buổi làm việc cuối tuần trước giữa Bộ Xây dựng và các Hội, Hiệp hội, doanh nghiệp ngành xây dựng, rất nhiều đơn vị đã ta thán vì kinh doanh gặp khó khăn. Trong đó, các doanh nghiệp xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng... đồng loạt thông báo sức mua  giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Lượng hàng tồn kho khá lớn trong khi chi phí tài chính và giá cả nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào lại tăng cao khiến cho doanh nghiệp sản xuất kém hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp thua lỗ nặng. Đặc biệt, có những doanh nghiệp đã phải tạm thời đóng cửa một số dây chuyền sản xuất nhằm giảm chi phí và giảm lượng hàng tồn kho, hoặc do thiếu vốn lưu động như trong lĩnh vực xi măng, sản xuất kính cán, sản xuất gạch ceramic...

Riêng trong lĩnh vực xi măng, các doanh nghiệp thừa nhận, ngành này đang đứng trước tình trạng cung vượt cầu. Hàng loạt dây chuyền, nhà máy phải chạy cầm chừng, thua lỗ, dừng sản xuất bởi chi phí tăng cao, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Đã vậy, tình hình kinh tế khó khăn, đầu tư công cắt giảm, thị trường bất động sản đóng băng đã làm cho nhu cầu tiêu thụ xi măng giảm đáng kể. Cùng lúc, lãi suất và chi phí đầu vào đều tăng cao, dây chuyền mới đầu tư đến thời hạn trả nợ nên tất yếu dẫn đến hiệu quả hoạt động thấp, doanh nghiệp cầm chắc thua lỗ. 

Ví dụ gần đây nhất là nhà máy xi măng Cẩm Phả. Với tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng, công suất 2,3 triệu tấn/năm, nhà máy này được cho là có công nghệ tiên tiến nhất hiện nay. Đầu tư theo đúng quy hoạch, năm 2012, kế hoạch sản xuất, tiêu thụ bằng 88% công suất thiết kế, song quý I, nhà máy mới tiêu thụ được 20% kế hoạch năm. Do lãi vay và chênh lệch tỷ giá tăng cộng thêm chi phí đầu vào “đội” lên so với tính toán ban đầu nên nợ lũy kế của nhà máy tính đến hết năm 2011 lên tới hơn 1.200 tỷ đồng. Tương tự, Nhà máy xi măng Hạ Long, công suất 2,15 triệu tấn/năm, cũng đi vào hoạt động đúng thời điểm thị trường sụt giảm sức tiêu thụ nên hết năm 2011, lỗ lũy kế của Nhà máy lên tới 1.090 tỷ đồng. Thê thảm hơn nữa là Nhà máy xi măng Đồng Bành. Đi vào hoạt động chưa đầy một năm, nhà máy đã dừng sản xuất. Thời điểm tháng              9-2011, nhà máy đã lỗ 149 tỷ đồng...


Đóng cửa vì “bịt mắt” đầu tư

Trước tình hình kinh doanh ảm đạm, các doanh nghiệp kiến nghị Bộ Xây dựng đề xuất với Chính phủ có những giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản bởi thị trường này là đầu ra của các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Cùng với đó, cần ban hành các cơ chế, chính sách kích cầu đầu tư để tiêu thụ vật liệu xây dựng, giúp đỡ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với lãi suất hợp lý hơn. Tuy nhiên, trước khi “kêu cứu”, các doanh nghiệp cũng cần nhìn lại vì sao lại rơi vào tình cảnh bi đát ngày hôm nay. 

Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam, ông Đỗ Đức Oanh cho rằng, doanh nghiệp xi măng gặp “vận rủi” vì đúng lúc thị trường ảm đạm, đầu ra giảm mạnh, thì nhiều dây chuyền đầu tư mới đi vào hoạt động và bắt đầu phải trả cả vốn lẫn lãi vay đầu tư ở mức cao ngất. Phân tích quá trình triển khai quy hoạch ngành xi măng, ông Đỗ Đức Oanh cho rằng, có hiện tượng cung vượt cầu là do quy hoạch dự báo tăng trưởng chưa chuẩn. Ngoài ra, quy hoạch cũng không lường cả những yếu tố bất lợi như lạm phát, hay kinh tế suy thoái nên dẫn đến tiêu thụ khó khăn, dư thừa lớn. Đặc biệt, việc đổ xô đầu tư xây dựng nhà máy xi măng theo phong trào của nhiều doanh nghiệp và địa phương cũng là yếu tố quan trọng dẫn tới hệ lụy hôm nay. Hầu như địa phương nào có đá vôi cũng có dự án đầu tư nhà máy xi măng nên hàng hóa thừa thãi là tất yếu.

Bên cạnh đó, những bài học đắt giá như dự án xi măng Đồng Bành cho thấy, việc đầu tư không đồng bộ giữa nhà máy và vùng nguyên liệu, không cân đối tài chính, thiếu nhân lực có chuyên môn vẫn vội vã triển khai... đã dẫn đến thua lỗ triền miên, thậm chí buộc phải dừng sản xuất.