Xét xử thiếu niên lớp 10 đánh nam sinh lớp 8

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 17-12, Tòa án nhân dân quận Long Biên (Hà Nội) mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Trương Văn Minh (sinh năm 2008, trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội) về tội “Cố ý gây thương tích”.

Nỗi đau xót của cả hai gia đình…

Phiên tòa được mở theo mô hình Tòa án gia đình và trẻ vị thành niên. Bởi thời điểm phạm tội, bị cáo Trương Văn Minh mới 15 tuổi và bị hại đang học lớp 8.

Theo cáo trạng, chiều 19-3-2024, Công an phường Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội) nhận được đơn trình báo của chị N.T.L (trú ở Phú Thọ) về việc ngày 17-3-2024, tại sân đình Lệ Mật, con trai chị này là cháu N.H.Đ (sinh năm 2010) bị Trương Văn Minh đánh gây thương tích.

Cơ quan điều tra sau đó đã xác minh làm rõ, chiều 17-3-2024, T.V.K (sinh năm 2012, em bị cáo Minh) cùng ông nội đến khu vực sân bát giác trong khuôn viên đình Lệ Mật. Khi đang chơi quanh khu vực sân bóng rổ, K. gặp N.H.Đ tại lối đi ven sân bát giác trong khuôn viên vườn hoa đình Lệ Mật và xảy ra mâu thuẫn, K. bị Đ. tát vào mặt.

Phó chánh án TAND quận Long Biên, Thẩm phán Nguyễn Thị Phương Huyền giữ quyền chủ tọa phiên xét xử.

Phó chánh án TAND quận Long Biên, Thẩm phán Nguyễn Thị Phương Huyền giữ quyền chủ tọa phiên xét xử.

Sau đó, K. đi về nhà và nhờ anh ruột là Trương Văn Minh ra giải quyết mâu thuẫn. Thấy K. và Minh cùng đi, bà nội đã gọi điện cho bố đẻ của hai anh em Minh để đi theo, không cho các cháu đánh nhau.

Đi được một đoạn, ông T.V.T (bố của K. và Minh) gặp hai con và chở ra khu vực đình Lệ Mật, rồi bảo các con vào gặp ông nội đang ở đó. Sau khi thấy hai con đi về hướng ông nội ngồi chơi, ông T. quay xe đi về.

Tuy nhiên, ngay sau khi rời khỏi đình Lệ Mật, ông T. không yên tâm nên quay lại. Không hai con vào gặp ông nội nên ông T. điều khiển xe máy đi quanh đó, vừa đi vừa tìm các con.

Sau khi xuống xe máy do bố chở, K. và Minh đi về hướng ông nội nhưng không tới gặp ông mà đi thẳng lên khu vực sân bát giác. Tại đây, Minh đi đến chỗ cháu Đ. túm cổ áo và đấm vào vùng má trái khiến nam sinh lớp 8 ngã xoay một vòng, đập đầu xuống nền đá.

Cùng lúc, quan sát được sự việc trên nên ông T. điều khiển xe máy đi vào khu vực sân bát giác và tiến đến vị trí của Minh. Ông T. can ngăn Minh rồi điều khiển xe chở hai con về nhà.

Thấy Đ. có biểu hiện choáng nên các thiếu niên ở đó dìu Đ. ra khu vực ghế đá gần khu vực cầu trượt nằm nghỉ.

Sau khi đưa hai con về, ông T. quay trở lại khu vực trên để xem tình hình sức khỏe của Đ. thì thấy bé trai này có biểu hiện choáng, tái mặt… nên đưa vào Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cấp cứu. Cháu Đ. sau đó được chuyển viện để điều trị nhưng vẫn bị tử vong sau khoảng 2 tháng điều trị.

Quá trình điều tra, giải quyết vụ án, Kết luận giám định của Phòng kỹ thuật hình sự Công an TP.Hà Nội chỉ ra rằng, nguyên nhân cháu Đ. tử vong do suy đa phủ tạng từ hậu quả của tổn thương chảy máu não.

Bố bị cáo nói bản thân đã quá chủ quan

Trong phần xét hỏi, ông T.V.T (bố bị cáo Minh) trình bày về sự việc như cáo trạng nêu. Khi biết 2 con ra đình Lệ Mật giải quyết mâu thuẫn, ông T. đuổi theo và đèo 2 con ra đình. Trên đường đi, ông T. có hỏi sự việc và nghĩ các cháu chỉ đùa nhau nên bảo con ra chơi với ông nội (đang ở đình).

Ông T. đã quay về nhưng thấy bất an nên lại quay lại thì thấy con đang đánh bạn, nên chạy lại can ngăn… Khi được chủ tọa hỏi sao không có biện pháp giải quyết can ngăn mà đi về ngay, ông T. bật khóc thừa nhận là đã quá chủ quan, không đánh giá được hết tình huống.

“Sự việc này có một phần là lỗi của tôi, biết có mâu thuẫn mà không can ngăn. Nếu lúc đó tôi bảo con ở nhà... Tôi không lường được sự việc, đã làm khổ gia đình cháu, làm khổ mẹ cháu"- ông T. vừa nói vừa khóc và cúi gập người xin lỗi mẹ nạn nhân. Theo bố bị cáo, quá trình cháu Đ. nằm viện ở Hà Nội, ông T. có đưa tiền viện phí và nhiều lần đưa tiền cho chị L (mẹ bị hại), tổng số tiền 100 triệu đồng.

Tại phiên tòa, gia đình bị hại yêu cầu bồi thường hơn 1,2 tỷ đồng gồm các khoản viện phí, chi phí chăm sóc, thiệt hại tiền lương, tổn thất tinh thần… Về yêu cầu bồi thường, ông T. cho biết đây là số tiền quá lớn với gia đình ông. Do đó, ông T. đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật.

Luận tội bị cáo Trương Văn Minh, Viện kiểm sát cho rằng đây là hành vi nguy hiểm, dẫn đến cháu Đ. bị thiệt hại về tính mạng. Từ đó, Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt Trương Văn Minh từ 4-5 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”.

Sau hơn nửa ngày xét xử, Thẩm phán (Phó Chánh án TAND quận Long Biên), Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Thị Phương Huyền khẳng định, căn cứ vào lời khai của T.V.K (em trai Minh), ông T.V.T (bố bị cáo) và các nhân chứng đủ cơ sở xác định cáo trạng truy tố bị cáo Trương Văn Minh là đúng pháp luật.

Theo tòa, Lời khai của những cá nhân có đủ sự logic, phù hợp với lời khai của bị cáo tại phiên tòa. Qua đó dựng lên bức tranh xuyên suốt của vụ án.

Tòa đánh giá, hành vi của bị cáo thể hiện động không phải là hành vi giết người mà chỉ là cố ý gây thương tích. Tuy nhiên hành vi này là rất nguy hiểm đối với xã hội, động cơ gây án xuất phát từ mâu thuẫn của con trẻ, do suy nghĩ hạn chế, bồng bột, muốn bênh vực em trai...

Về T.V.K. (em trai bị cáo), Hội đòng xét xử đánh giá, cơ quan tố tụng có đủ căn cứ xác định vai trò của K. là đồng phạm với Minh. Tuy nhiên, thời điểm gây án, K. mới chỉ hơn 11 tuổi nên chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

Đối với ông T.V.T, tòa đánh giá các lời khai, các kết luận... và nhận thấy toàn bộ quá trình mâu thuẫn đến lúc Minh đánh cháu Đ. đều không có sự bàn bạc, xúi giục hay có sự chuẩn bị gì từ ông T. Bên cạnh đó, ông T. còn có sự tác động là can ngăn và đưa bị hại đi cấp cứu nên Hội đồng xét xử kết luận bố bị cáo không có vai trò đồng phạm trong vụ án này.

Sau cùng, Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND quận Long Biên quyết định tuyên Trương Văn Minh 4 năm 9 tháng tù giam về tội “Cố ý gây thương tích”. Tòa cũng tuyên buộc bố mẹ bị cáo phải bồi thường hơn 1 tỷ đồng cho gia đình bị hại.