Xét xử nữ giáo viên nghỉ hưu "chạy" viên chức và "chạy" trắng án

ANTD.VN - Từng phải nhận án nhưng Dung vẫn không hề e sợ. Đưa các bị hại vào tròng, người đàn bà này nói chuyện “chạy” viên chức và “chạy” trắng án như đùa…

Ngày 10-9, TAND TP Hà Nội đưa Nguyễn Thị Kim Dung (SN 1957, trú ở xã Đại Hưng, Mỹ Đức, Hà Nội) ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị hại mắc  bẫy lừa đảo của bà ta là gần 20 người rất đỗi cả tin.

Trước vụ án này, năm 2014, nữ giáo viên nghỉ hưu này từng bị Tòa án Hà Nội áp dụng 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo cũng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Hồ sơ vụ án cho thấy, thời điểm phạm tội, Nguyễn Thị Kim Dung là giáo viên nghỉ hưu. Mặc dù không có khả năng, chức năng nhưng bà ta vẫn rêu rao với mọi người là có các mối quan hệ rộng nên có thể “chạy” được việc làm, xin giảm án và thi đỗ công chức.

Bị cáo Nguyễn Thị Kim Dung bị đưa ra xét xử tại phiên tòa.

Và một trong số hàng chục bị hại của Dung là ông Chu Tiến Nguyên (SN 1969), trú huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Đầu năm 2015, ông Nguyên có con gái tên Chu Thị Hương (SN 1994) thi công chức vào Bệnh viện Đa khoa Mỹ Đức nhưng không đỗ.

Thông qua người quen, ông Nguyên tìm gặp Dung đặt vấn đề “lo lót” để chị Hương được vào cơ sở y tế ở địa phương làm việc. Quá trình “chém gió”, nữ giáo viên nghỉ hưu ra giá 300 triệu đồng bằng phương thức làm đơn phúc tra kết quả thi.

Gửi niềm tin vào người đàn bà bịp bợm, ông Nguyên sau đó đã đưa đủ số tiền 300 triệu “chạy” viên chức cho Dung. Vậy nhưng sau khi nhận tiền, Dung không có hành động gì để chị Hương đạt được nguyện vọng.

Không “chạy” được viên chức và bị ông Nguyên đòi lại tiền, Dung mới trả lại 50 triệu đồng, đồng thời tiếp tục dùng mánh khóe tương tự để lừa đảo những nạn nhân tiếp theo. Và ngoài bố con chị Hương thì hơn chục người khác cũng bị Dung cho vào “bẫy” lừa “chạy” viên chức và xin việc làm tại nhiều trường mầm non.

Ngoài thêu dệt ra khả năng “chạy” việc làm của bản thân, Dung còn tung tin có thể “chạy” được án đối với những người phạm pháp hình sự. Trong đó, ông Bùi Thanh Phong (SN 1956), trú cùng huyện Mỹ Đức cũng là một nạn nhân.

Cụ thể, ông Phong có 2 người con tên Bùi Tiến Hưng và Bùi Tiến Đạt cùng bị TAND quận Đống Đa phạt tù về tội “Cướp tài sản”. Giữa lúc chờ Tòa án Hà Nội đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm thì ông Phong tìm Dung để nhờ vả.

Gặp bị hại này, nữ giáo viên nghỉ hưu ba hoa rằng cứ giảm 1 tháng tù thì phải chi 10 triệu đồng. Do Bùi Tiến Hưng bị kết án 25 tháng tù và Bùi Tiến Đạt bị xử 26 tháng tù nên Dung bảo ông Phong bỏ ra hơn 500 triệu đồng thì các con của ông này sẽ được trắng án.

Và rồi gia đình có 2 con vướng lao lý nêu trên đã đưa trước cho Dung hơn 400 triệu đồng. Số tiền còn thiếu, nữ giáo viên nghỉ hưu cho nợ lại đến khi nào Hưng, Đạt được tuyên vô tội thì đưa nốt.

Vậy nhưng sau thời gian Dung cam kết, các con của ông Phong vẫn không được ra tù. Thậm chí, 1 trong 2 con của người đàn ông ở Mỹ Đức còn bị tăng nặng hình phạt tại phiên tòa phúc thẩm. Liều lĩnh hơn, Dung còn kiếm cớ “vòi” thêm tiền “chạy” án.

Kết quả điều tra và xét xử tại phiên tòa cho thấy, từ năm 2014 đến năm 2015, Nguyễn Thị Kim Dung đã dùng thủ đoạn gian dối, bịa chuyện “chạy chọt” để lừa đảo chiếm đoạt hơn 3,4 tỷ đồng của 19 người với chủ yếu là “chạy” viên chức và “chạy” việc làm.

Mở tòa xét xử đối với nữ giáo viên nghỉ hưu, TAND khẳng định hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng vì đã gian dối chiếm đoạt số tiền rất lớn của nhiều người. Mặt khác, hành vi của bị cáo còn gây ảnh hưởng xấu tới các cơ quan Nhà nước.

Trên cơ sở ấy và 1 ngày mở tòa, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã đi đến quyết định tuyên phạt Nguyễn Thị Kim Dung 16 năm tù, theo đúng tội danh bị truy tố. Tổng hợp hình phạt với 3 năm tù (hưởng án treo) trước đó, nữ giáo viên nghỉ hưu này phải chấp hành mức án chung là 19 năm tù.   

*Tên bị hại và người liên quan đã thay đổi.