Xét xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm: VKS phản bác hầu hết quan điểm của luật sư

ANTĐ - Sáng nay 10-12, phiên xử phúc thẩm Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm bước vào đối đáp giữa VKS và các luật sư. Trong phần đối đáp, VKS đã bác bỏ hầu hết quan điểm cho rằng cựu Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB không phạm tội.

Mở đầu phần đối đáp, đại diện VKS khẳng định cơ bản tán đồng ý kiến của các luật sư tham gia phiên tòa là phải lấy bản án sơ thẩm làm trọng tâm để làm rõ các nội dung kháng cáo. Tuy nhiên, đại diện cơ quan công tố cho rằng đánh giá hành vi của các bị cáo phải căn cứ vào chứng cứ và bối cảnh của sự việc. Đi vào từng tội danh và các quan điểm xoay quanh từng tội danh ấy, VKS nhìn nhận cụ thể như sau.

Về tội kinh doanh trái phép, VKS khái quát lại ý kiến của bị cáo Kiên rằng bị cáo tiếp tục đưa ra các khái niệm trong Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, để khẳng định hành vi góp vốn mua cổ phần, cổ phiếu là không phải đăng ký kinh doanh. Về vấn đề này, cơ quan công tố đồng tình với bị cáo Kiên khi xác nhận kinh doanh là việc thực hiện liên tục một số hoặc toàn bộ công đoạn của quá trình đầu tư với 3 tiêu chí: thực hiện liên tục, nhằm mục đích sinh lợi và từ sản xuất đến phân phối sản phẩm.

Xét xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm: VKS phản bác hầu hết quan điểm của luật sư ảnh 1Đại diện VKSND Tối cao đối đáp các ý kiến tranh luận tại phiên tòa

 Vì thế đại diện VKS khẳng định hợp đồng đầu tư thông qua giao dịch nhằm mục đích sinh lợi chính là hoạt động kinh doanh. Theo đó, việc góp vốn mua cổ phần, cổ phiếu của 5 công ty (do bị cáo Kiên nắm quyền kiểm soát) là hoạt động liên tục nhằm mục đích sinh lời. Như vậy đủ có căn cứ để khẳng định đây là hành vi kinh doanh.

Theo VKS, Tổng cục thống kê đã xác định hoạt động mua cổ phần, cổ phiếu được xếp vào mã 64990. Trong khi đó, 5 công ty mà bị cáo thực hiện việc kinh doanh có mã ngành này nhưng lại không đăng ký kinh doanh là vi phạm pháp luật.

Đối với Công ty Thiên Nam, doanh nghiệp này đăng ký năm 1995 và thay đổi giấy phép kinh doanh lần thứ 7 vào năm 2000. Theo quy định, trường hợp thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thì phải thay đổi đăng ký kinh doanh mới.

Quá trình xét xử phúc thẩm, bị cáo vẫn cho rằng việc kinh doanh trạng thái vàng là mua bán hàng hóa nên không vi phạm pháp luật. Nhưng VKS thấy rằng hợp đồng giữa Công ty Thiên Nam và Ngân hàng ACB về hình thức là hợp đồng mua bán, điều đó được thể hiện tại Điều 2 của hợp đồng: “Bên A và bên B đồng ý mua bán trạng thái vàng”.

Vậy nhưng ở Điều 5 của hợp đồng lại khẳng định “Ngân hàng ACB được nhận phí giao dịch”. Trong khi đó, phí giao dịch chỉ có khi Ngân hàng ACB là trung gian giao dịch cho Công ty Thiên Nam với đối tác khác. Vì vậy, nội dung này càng khẳng định Công ty Thiên Nam đã kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài.

Và tại hợp đồng giữa Công ty Thiên Nam với Ngân hàng ACB còn có nội dung mua bán trạng thái vàng có thể chuyển đổi thành vàng vật chất, vàng nguyên liệu. Như vậy không thể coi đó là sản phẩm hàng hóa phái sinh từ hoạt động kinh doanh vàng.  

Với tất cả những gì thể hiện trong hợp đồng và thực tế việc kinh doanh vàng của Công ty Thiên Nam cho thấy hoạt động kinh doanh này phải chịu sự điều chỉnh theo Quyết định 03 của Ngân hàng Nhà nước. Vì hoạt động kinh doanh vàng trạng thái đã được xếp vào mã 46624. Như vậy có thể thấy, Công ty Thiên Nam đã kinh doanh vàng trạng thái trên tài khoản nước ngoài khi không có giấy phép.

Xét xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm: VKS phản bác hầu hết quan điểm của luật sư ảnh 2Trước đó, bị cáo Nguyễn Đức Kiên đã tự bào chữa và vẫn cho rằng mình không phạm tội

Liên quan đến hành vi kinh doanh vàng trái phép, VKS đánh giá bị cáo Kiên là người trực tiếp đặt lệnh và ông Lê Quang Trung (nguyên TGĐ Công ty Thiên Nam) cũng là người tham gia việc kinh doanh trái phép. Tuy nhiên, vì ông này đã qua đời nên không có điều kiện đối chiếu và xử lý.

Trong quá trình kinh doanh, bị cáo là người quyết định vì nếu không có sự thông báo lệnh với Ngân hàng ACB thì việc mua bán không thể thực hiện được. Do đó, bị cáo phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Với các phân tích đó thì án sơ thẩm quy kết bị cáo Kiên phạm tội “Kinh doanh trái phép” là có căn cứ. Ý kiến của của bị cáo và các luật sư bào chữa cho bị cáo không có cơ sở để xem xét.

Về hành vi trốn thuế, VKS khẳng định mặc dù không có điều kiện để xác định 2 bản hợp đồng và phụ lục hợp đồng về việc ủy thác kinh doanh vàng của Công ty B&B với những bên liên quan có bị ký lùi thời gian hay không, nhưng hành vi vi phạm pháp luật ở đây là rất rõ.

Cụ thể, tại phụ lục hợp đồng thể hiện, bị cáo Kiên là người đại diện theo pháp luật của Công ty B&B nhưng lại nhận ủy thác của bà Nguyễn Thúy Hương (em gái bị cáo và cũng là thành viên HĐQT công ty này), do đó đã vi phạm vào điều cấm của pháp luật. Mặt khác, quá trình ủy thác tại Công ty B&B, bà Hương khai chỉ phụ trách công tác văn thư, quản lý con dấu, còn Kiên là người hoạch định, quyết định thực hiện việc kinh doanh.

Tương tự, bà Đặng Ngọc Lan (vợ bị cáo Kiên) khai, không phải là người đại diện theo pháp luật của Công ty B&B. Do bị cáo Kiên thường xuyên đi công tác nên đã ký giấy ủy quyền để bà Lan ký một số văn bản, giấy tờ của công ty. Như vậy có thể thấy bị cáo Kiên là người chỉ đạo ký hợp đồng ủy thác và sử dụng giấy tờ không hợp pháp để trốn thuế. 

Về ý kiến của bị cáo Kiên và luật sư cho rằng bị cáo không trốn thuế và bà Hương được hưởng chính sách miễn thuế, VKS khái quát: Cựu Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB biết trước được chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân sẽ được thực hiện, nên sau khi nghe báo cáo của kế toán đã yêu cầu tạm thời không trích nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và các ý kiến bào chữa liên quan, đại diện cơ quan giữ quyền công tố tại phiên xét xử nhìn nhận, việc bị cáo Kiên biết rõ hơn 20 triệu cổ phiếu của Công ty CP Thép Hòa Phát mà Công ty ACBI sở hữu đang được thế chấp để bảo đảm cho một khoản vay ở Ngân hàng ACB, nhưng vẫn chỉ đạo Trần Ngọc Thanh (cựu TGĐ Công ty ACBI) ký hợp đồng bán cho Công ty TNHH Thép Hòa Phát, là có căn cứ.

Trong quá trình mua bán cổ phiếu, bị cáo Kiên đã chỉ đạo kế toán công ty Nguyễn Thị Hải Yến làm văn bản đề nghị Ngân hàng ACB cho giải chấp, nhưng không được chấp thuận. Tuy nhiên, bị cáo Kiên vẫn yêu cầu Trần Ngọc Thanh ký hợp đồng bán lại 20 triệu cổ phiếu cho Tập đoàn Hòa Phát.  

Về số tiền 264 tỷ đồng nhận của Công ty TNHH Thép Hòa Phát, bị cáo Kiên đã chỉ đạo Nguyễn Thị Hải Yến trả nợ và chi dùng gần hết vào các việc của Công ty ACBI. Khi CQĐT yêu cầu Công ty ACBI hoàn trả cho Công ty TNHH Thép Hòa phát thì trong tài khoản của doanh nghiệp do bị cáo nắm quyền quyết định chỉ còn lại 53 tỷ đồng. Vì thế bản án sơ thẩm quy kết bị cáo Kiên cùng đồng phạm phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là có căn cứ, đúng pháp luật.

Trước đó, trong nửa đầu buổi sáng 10-12, bị cáo Nguyễn Đức Kiên cũng đã được HĐXX phúc thẩm dành thời gian để tự bào chữa. Tựu chung lại, cựu Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB vẫn cho rằng, mình không phạm vào cả 4 tội như bản án sơ thẩm xác định.

Chiều nay 10-12, phiên tòa tiếp tục ở phần đối đáp của đại diện VKS về các ý kiến của luật sư cũng như ý kiến của các cựu lãnh đạo Ngân hàng ACB xoay quanh tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng” mà TAND TP Hà Nội đã quy kết.