Xét xử Hà Văn Thắm: Phó Tổng giám đốc PVN bị khởi tố bị can khi đang dự tòa

ANTD.VN - Chiều 1-9, phiên xử Hà Văn Thắm cùng đồng phạm tiếp tục với phần thẩm vấn đại diện PVN về khoản tiền đầu tư vào ngân hàng. Trong khi đó, ở diễn biến liên quan, Phó Tổng giám đốc PVN vừa bị khởi tố bị can.

Trả lời HĐXX ở phiên xét xử Hà Văn Thắm – cựu Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) cùng đồng phạm, người đại diện của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cho biết, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam là tổ hợp các tổ chức kinh tế không có tư cách pháp nhân, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con với vốn nhà nước sở hữu 100%.

Trước khi vụ án này xảy ra, PVN có chủ trương thành lập ngân hàng riêng nhưng vào năm 2008 do khủng hoảng kinh tế nên chủ trương này phải dừng lại. Tiếp đến, HĐTV Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam có báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép góp vốn vào một ngân hàng thương mại cổ phần.

Chính vì thế mà PVN đã góp vốn vào Ngân hàng TMCP Đại Dương với tỷ lệ 20% vốn điều lệ của ngân hàng này. Lần đầu góp vốn vào Oceanbank, PVP góp 400 tỷ đồng. Tiếp đến năm 2010 góp thêm 300 tỷ đồng và năm 2011 góp thêm 100 tỷ đồng, do ngân hàng điều chỉnh tăng vốn điều lệ. Tổng cộng, PVN đã góp 800 tỷ đồng vào Ngân hàng TMCP Đại Dương.

Đại diện Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) trả lời HĐXX

Về người giám sát tiền vốn tại ngân hàng, đại diện PVN cho biết, từ 2009-2014 có ba giai đoạn tương ứng với ba cá nhân được Tập đoàn Dầu khí quốc gia cử làm người đại diện phần vốn của mình ở Oceanbank, trong đó có bị cáo Nguyễn Xuân Sơn – cựu TGĐ Oceanbank, giai đoạn 2010 – 2011.

Trả lời tòa về tính hiệu quả vốn góp vào ngân hàng, người đại diện của PVN khẳng định, theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán xác nhận thì kể từ khi góp vốn đến trước khi Ngân hàng Nhà nước mua lại Oceanbank với 0 đồng thì Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đều được chia cổ tức hàng năm. “Điều đó cho thấy đứng về mặt kinh tế và đầu tư tài chính là hiệu quả” – đại diện PVN trình bày.

Được hỏi thêm về ý kiến phần hình phạt của các bị cáo, đại diện PVN cho biết, được tòa án triệu tập với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nên theo quy định của pháp luật, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam sẽ không được phép nêu quan điểm về hình phạt đối với một số bị cáo trong vụ án.

Tương tự về phần dân sự (số tiền mà Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam bị thất thoát trong vụ án – PV), đại diện PVN cũng đề nghị HĐXX xem xét, quyết định theo quy định pháp luật để bảo đảm quyền lợi của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.

Liên quan đến hành vi phạm tội của Hà Văn Thắm cùng đồng phạm ở vụ án này, ông Ninh Văn Quỳnh (SN 1958) – Phó TGĐ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cũng được triệu tập tới phiên tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Ông Ninh Văn Quỳnh - cựu Phó TGĐ PVN vừa bị khởi tố bị can trả lời các câu hỏi của tòa án

Bởi hồ sơ vụ án cho thấy, trong số tiền hàng trăm tỷ đồng mà Oceanbank chi lãi ngoài, Nguyễn Xuân Sơn – cựu TGĐ ngân hàng này đã đưa cho ông Quỳnh (khi làm Kế toán trưởng PVN) tới 60%. Dù vậy, vào ngày thứ năm xét xử Hà Văn Thắm cùng đồng phạm, ông Ninh Văn Quỳnh đã bất ngờ vắng mặt tại phiên tòa.

Được biết lý do ông Ninh Văn Quỳnh tạm thời vắng mặt tại phiên xử là do ngày 31-8-2017, Cơ quan CSĐT (Bộ Công an) đã tống đạt Quyết định khởi tố bị can để điều tra đối với ông này cùng một số cán bộ Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam về hành vi “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 165-BLHS.

Việc khởi tố bị can đối với ông Ninh Văn Quỳnh được CQĐT thông báo là để phục vụ hoạt động điều tra về hành vi tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam góp 800 tỷ đồng vào Ngân hàng TMCP Đại Dương trong giai đoạn năm 2011 và trở về.

Cùng thời điểm CQĐT tống đạt Quyết định khởi tố bị can đối với ông Ninh Văn Quỳnh, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam cũng phát đi thông điệp PVN đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong quá trình làm rõ vụ việc này. Và việc các cơ quan bảo vệ pháp luật thực hiện các bước tố tụng hình sự đối với bị can Ninh Văn Quỳnh cùng những cá nhân liên quan không ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như đầu tư của tập đoàn.

Cũng theo thông tin của PVN, ngay khi nhận được thông báo từ CQĐT, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã ra quyết định đình chỉ công tác đối với cựu Phó TGĐ PVN Ninh Văn Quỳnh, đồng thời phân công người khác đảm nhiệm mảng công việc của người vừa bị khởi tố bị can.