Xét xử Hà Văn Thắm: Cựu Chủ tịch Oceanbank thể hiện sự tính toán hơn người

ANTD.VN - Nửa cuối buổi chiều 1-9, phiên xử Hà Văn Thắm cùng đồng phạm được HĐXX tiếp tục làm rõ các khoản vay mượn, lỗ lãi ở Ngân hàng TMCP Đại Dương.

Và để làm rõ sự phức tạp của một ngân hàng ngay trước thời điểm bị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mua lại toàn bộ với giá 0 đồng, HĐXX sơ thẩm đã dành cho bị cáo Hà Văn Thắm – cựu Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) một khoảng thời gian khá dài trình bày.

Trả lời câu hỏi của HĐXX: “Với kết luận thanh tra thì nợ xấu của Oceanbank là 14.000 tỷ và lỗ 10.000 tỷ đồng, sau thuế tại thời điểm 31-3-2014”, Hà Văn Thắm cho biết, Ngân hàng Đại dương có trụ sở chính ở Hải dương nên trong quá trình hoạt động thì Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hải Dương quản lý. Và chỉ có Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hải Dương và Ngân hàng Nhà nước Trung ương vào kiểm soát.

Theo Thắm, Ngân hàng Nhà nước TP Hà Nội chỉ quản lý chi nhánh của Oceanbank tại Hà Nội nhưng không hiểu sao năm 2014, đoàn thanh tra Ngân hàng Nhà nước TP Hà Nội lại vào thanh tra toàn diện Ngân hàng Đại Dương. Vì thế họ không nắm được chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc chuyển đổi một số khoản đầu tư.

Hà Văn Thắm - cựu Chủ tịch Oceanbank thể hiện khả năng tính toán của bản thân trước tòa

Thậm chí, có nhiều khoản tín dụng mặc dù chưa đến hạn nhưng đoàn thanh tra vẫn xếp những khoản này vào loại thứ 5 (trích lập dự phòng 100 %), tức là cho vay bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu. Thế nên sau đó, bị cáo đã làm giải trình với Ngân hàng Nhà nước trung ương và được triệu tập lên báo cáo thêm về khoản nợ xấu 14.000 tỷ đồng.

Trước tòa, cựu Chủ tịch Oceanbank cho biết, về sau đoàn thanh tra kết luận là Ngân hàng Đại Dương đã tất toán xong 8.000 tỷ, chỉ còn khoảng 6000 tỷ đồng nợ xấu và Oceanbank làm cam kết về lộ trình giảm nợ xấu xuống còn 5%. Cũng theo Thắm, có nhiều khoản tiền bị cáo vay mượn cá nhân, không liên quan đến Oceanbank nhưng cơ quan giám sát nói rằng khách hàng mua cổ phiếu thì là cổ đông của ngân hàng.

Trình bày với tòa án, cựu Chủ tịch Oceanbank nói: “Bị cáo vay mượn bao nhiêu thì cơ quan điều tra đã tính toán, xác định hết rồi”. Số nợ xấu 14.000 tỷ đồng nêu trên sau này cũng được rút xuống còn 4.900 tỷ. Có nghĩa là nếu như Ngân hàng Đại Dương trích lập dự phòng 14.000 tỷ thì được trích ra, quay lại 9.100 tỷ đồng.

“Quá trình điều tra, bị cáo được biết nợ xấu cũng đã thu hồi được khá lớn nên bị cáo mong hội đồng xét xử xem xét lại và thông báo cho khách hàng của Oceanbank là tình hình tài chính không quá xấu” – Hà Văn Thắm đề nghị.

Nói thêm về nghiệp vụ ngân hàng, cựu Chủ tịch Oceanbank lý giải, trích lập dự phòng không có nghĩa là lỗ, bởi đa số nợ xấu đều có tài sản đảm bảo. Theo Thắm, món nợ xấu nhất của Oceanbank chính là khoản cho Công ty Trung Dung (doanh nghiệp của Phạm Công Danh – PV) vay nhưng đã thu hồi được ít nhất là hơn 134 tỷ đồng.

Ngoài ra, theo Thắm thì trong thế chấp tài sản của Công ty Trung Dung đối với Oceanbank còn là 100% vốn điều lệ (200 tỷ đồng – PV) cũng như các cổ phiếu cùng toàn bộ các quyền lợi phát sinh từ tài sản, cổ phiếu của doanh nghiệp này. Điều đó đồng nghĩa với việc các khoản thu của Công ty Trung Dung cũng là tài sản bảo đảm đối với Ngân hàng Đại Dương.

Thể hiện khả năng nhẩm tính của bản thân, cựu Chủ tịch Oceanbank trình bày, thời điểm cho Công ty Trung Dung vay 500 tỷ đồng, bị cáo đã trực tiếp đến khảo sát dự án ở Tô Hiến Thành của doanh nghiệp. Dự án đó có khoảng 20.000 m2 đất cho thuê làm trung tâm tiệc cưới với giá cho thuê khoảng 20 USD/m2/năm. Như vậy là mỗi năm có khoảng 20 triệu USD, tương ứng hơn 40 tỷ đồng và hơn 5 năm là hơn 200 tỷ đồng.

Sau 5 ngày xét xử liên tiếp (từ 28-8 đến 1-9), phiên xử Hà Văn Thắm – cựu Chủ tịch Oceanbank cùng đồng phạm tạm nghỉ Lễ Quốc khánh mùng 2-9. Ngày 5-9, phiên xử này tiếp diễn.