Xét xử Hà Văn Thắm: "Bóng hồng" khóc nhiều nhất được đề nghị thay đổi chế tài

ANTD.VN - Sau phần đối đáp chung về từng tội danh cũng như từng nhóm vấn đề, chiều 22-9, đại diện VKS tiếp tục đối đáp vào một số tình tiết cụ thể ở phiên xử Hà Văn Thắm – cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank).  

Là một trong 2 người thực hành quyền công tố tại phiên tòa, ông Đào Thịnh Cường – Kiểm sát viên VKSND TP Hà Nội cho rằng một số ý kiến của luật sư cho rằng lập luận của VKS không bám vào diễn biến phiên tòa, đặc biệt là khi đánh giá vị trí, vai trò phạm tội của 34 cựu giám đốc chi nhánh Oceanbank.

Về nội dung này, đại diện VKS cho rằng ở phần luận tội các bị cáo, VKS đã đề nghị HĐXX không quy trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại dân sự đối với nhóm bị cáo này. Như vậy là lập luận của VKS đã bám sát vào diễn biến phiên tòa.

Đại diện VKS bày tỏ quan điểm đối đáp với các quan điểm của luật sư

Tiếp đến, ông Cường nêu lại ý kiến khác thì lại cho rằng việc ban hành Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về quy định trần lãi suất là trái pháp luật. Tuy nhiên, theo đại diện VKS văn bản quy phạm pháp luật này hoàn toàn phù hợp về mặt thể thức, đúng thẩm quyền và nội dung phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Ngân hàng Nhà nước.

Việc ban hành Thông tư 02 của NHNN vào thời điểm đó (2011) là nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Và đây là công cụ hữu hiệu để ổn định tình hình kinh tế, tiền tệ ở vào thời điểm ban hành. Đại diện VKS cho rằng việc tuân thủ Thông tư 02 không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của các tổ chức tín dụng.

Đối với quan điểm cho rằng Oceanbank sai phạm có trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước, đại diện VKS khẳng định ở phần luận tội, cơ quan truy tố đã kiến nghị NHNN xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thuộc NHNN có liên quan đến Oceanbank.

Tương tự, đối với ý kiến của luật sư cùng một số bị cáo cho rằng thời điểm Oceanbank chi lãi ngoài thì nhiều ngân hàng khác cũng có hành tương tự nhưng chỉ bị xử lý hành chính hoặc không bị xử lý gì, đại diện VKS khẳng định không có chuyện đó.

Cho rằng Oceanbank cũng như Hà Văn Thắm cùng đồng phạm không phải là trường hợp duy nhất, cá biệt bị xử lý hình sự, ông Đào Thịnh Cường viện dẫn trước đó cũng đã có vụ án Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm và vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm bị xử lý do vi phạm các quy định của tổ chức tín dụng.

Bị cáo Hoàng Thị Hồng Tứ được đề nghị thay đổi chế tài sang hưởng án treo

Về sự phân hóa các bị cáo trong vụ án, đại diện VKS xác định, các bị cáo từng là lãnh đạo ở Hội sở có trách nhiệm cao hơn chi nhánh. Tuy nhiên, các chi nhánh cũng có tính độc lập nhất định nên lãnh đạo chi nhánh phải chịu trách nhiệm cao nhất. Bởi là người quản lý cao nhất ở chi nhánh nhưng các bị cáo không cản trở mà đồng ý để việc chi lãi ngoài diễn ra bình thường. Đây là hành vi, là lỗi cố ý gián tiếp.

Cũng liên quan đến lời khai của hầu hết các bị cáo ở tốp dưới là chỉ là người lao động nên phải chấp hành kỷ luật lao động, mệnh lệnh của cấp trên. Thế nhưng trong hợp đồng lao động giữa các bị cáo với đại diện Oceanbank chắc chắn không có điều khoản nào là phải phục tục mọi mệnh lệnh của cấp trên.

Quá trình đối đáp với các quan điểm của hàng loạt luật sư trước đó, đại diện VKS đã cơ bản bác bỏ hầu hết những lập luận, lý lẽ mà những người bào chữa cho các bị cáo nêu ra tại phiên tòa. Tuy nhiên, trong phần đối đáp nêu ra, đại diện VKS đã thay đổi đề nghị chế tài đối với Hoàng Thị Hồng Tứ - cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP BSC Việt Nam (doanh nghiệp do Hà Văn Thắm lập ra).

Theo đó, thay vì đề nghị HĐXX sơ thẩm xử phạt bị cáo này từ 30 tháng tù đến 36 tháng tù giam về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” như trước đó, đại diện VKS đề nghị áp dụng chế định án treo đối với nữ bị cáo khóc nhiều nhất trong suốt những ngày xét xử vừa qua.

Ngoài ra, đại diện VKS cũng thay đổi đề nghị áp dụng án treo đối với 4 bị cáo thuộc tốp dưới sang miễn hình phạt. Tương tự, Nguyễn Minh Thu – cựu TGĐ và Lê Thị Thu Thủy – cực Phó TGĐ cùng một số bị cáo ở Hội sở Oceanbank cũng được bổ sung đề nghị xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hơn nữa.