Xét xử “đại án” Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm: Đề nghị 2 án chung thân

ANTĐ - Ngày 13 -1, phiên tòa xét xử Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm bước vào phần tranh luận, đại diện VKSND TP.HCM giữ quyền công tố tại tòa đã đưa ra mức án đề nghị với 23 bị cáo.

Huỳnh Thị Huyền Như và Võ Anh Tuấn tại tòa

Theo đó, VKS đề nghị tuyên phạt Huỳnh Thị Huyền Như mức án tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 5-7 năm tù về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, tổng hợp hình phạt là tù chung thân. Bị cáo Võ Anh Tuấn (nguyên Giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè) cũng bị đề nghị tuyên phạt mức án tù chung thân về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cùng bị truy tố về tội danh trên, 4 bị cáo khác bị đề nghị mức án từ 10 đến 19 năm tù. 

Liên quan trong vụ án, 14 bị cáo nguyên là cán bộ ngân hàng, lãnh đạo công ty cũng bị đề nghị mức án từ 4 đến 18 năm tù về các tội “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Bị truy tố về tội “Cho vay lãi nặng”, 5 bị cáo bị đề nghị tuyên phạt từ 9 đến 30 tháng tù. 

VKSND TP.HCM nhận định căn cứ vào hồ sơ vụ án, chứng cứ liên quan và diễn biến phiên tòa, có đủ cơ sở kết luận cáo trạng VKSND Tối cao truy tố các bị cáo là đúng người, đúng tội. Theo đó, từ năm 2007, Huỳnh Thị Huyền Như đã vay tiền của nhiều tổ chức, cá nhân với lãi suất cao tổng cộng 200 tỷ đồng để kinh doanh bất động sản và chứng khoán. Kinh doanh thua lỗ, để có tiền trả nợ, Như đã nảy sinh ý đồ chiếm đoạt tài sản của các đơn vị, cá nhân. 

Để thực hiện việc lừa đảo, Như đã làm giả 8 con dấu của các cơ quan đơn vị, giả chữ ký của một số cán bộ lãnh đạo     Vietinbank chi nhánh TP.HCM, mạo nhận là nhân viên Vietinbank chi nhánh Nhà Bè để tiếp cận các đơn vị, tổ chức, cá nhân thỏa thuận huy động vốn rồi chiếm đoạt tổng cộng 3.982 tỷ đồng.

Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm, tác động xấu đến nhiều mối quan hệ xã hội, gây lũng đoạn thị trường, gây mất niềm tin của nhân dân vào các tổ chức ngân hàng... Quá trình điều tra cũng như tại tòa, Như thành thẩn khai báo, ăn năn hối cải, lại thêm tình tiết phạm tội khi mang thai nhưng hậu quả vụ án bị cáo gây ra quá lớn nên cần áp dụng mức án nghiêm khắc trên. Bị cáo Võ Anh Tuấn đã giúp sức cho Như chiếm đoạt số tiền rất lớn, lên tới 1.678 tỷ đồng của 4 công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên, Thái Bình Dương nhưng không thành khẩn nhận tội nên cũng cần phải xử lý nghiêm. 

Về trách nhiệm dân sự, VKS đề nghị tuyên buộc bị cáo Như chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ số tiền 3.982 tỷ đồng đã chiếm đoạt, buộc các bị cáo liên quan nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính; tiếp tục kê biên tài sản của các bị cáo nhằm đảm bảo thi hành án.

Về việc các nguyên đơn dân sự và bị hại yêu cầu buộc Vietinbank phải bồi thường, VKS nhận định yêu cầu trên là không có cơ sở bởi lẽ, ngay từ khi bắt đầu thực hiện hành vi phạm tội, đối tượng Như nhắm tới là tài sản của 9 công ty, 3 ngân hàng và các bị hại trên. Mọi hoạt động đều diễn ra ngoài trụ sở của Vietinbank, quá trình gửi tiền các đơn vị, cá nhân trên đã không gặp lãnh đạo Vietinbank để xác minh. Các đơn vị, cá nhân biết rõ việc gửi tiền để hưởng mức lãi suất chênh lệch là trái quy định nhưng vì hám lợi vẫn gửi tiền, chính sự sơ hở của các đơn vị, cá nhân đã tạo điều kiện cho Như chiếm đoạt. Tội phạm của Như đã hoàn thành ngay sau khi tiền của các đơn vị này chuyển về Vietinbank, việc bị cáo giả lệnh chi chỉ là bước tiếp theo để chiếm đoạt tài sản. 

Ngoài ra, kết thúc phần luận tội, VKS cho rằng vẫn còn nhiều đối tượng có dấu hiệu phạm tội trong vụ án nhưng chưa bị khởi tố. Vì vậy, VKS kiến nghị cơ quan điều tra xem xét khởi tố một số cá nhân có hành vi giúp sức cho bị cáo Như chiếm đoạt tài sản. VKS cũng đề nghị xác minh, xem xét trách nhiệm hình sự đối với một số đối tượng cho vay nặng lãi, một số cán bộ ngân hàng, công ty liên quan nhưng chưa bị khởi tố trong vụ án.