Xét xử cựu Chủ tịch PVTEXT: Trịnh Xuân Thanh liên quan gì đến vụ án?

ANTD.VN - Chiều 28-8, phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX) cùng đồng phạm tiếp diễn phần thẩm vấn. Trong đó, đáng chú ý là lời khai của bị cáo Hồng.

Như ANTĐ thông tin, các bị cáo bị đưa ra xét xử tại phiên tòa này là Trần Trung Chí Hiếu (SN 1963) – cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị PVTEX; Đỗ Văn Hồng (SN 1967) – cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và xây lắp Dầu khí Kinh Bắc - PVC.KBC.

Tiếp đến là Đào Ngọ Hoàng (SN 1978) – cựu Trưởng phòng Thương mại hợp đồng PVTEX và Vũ Phương Nam (SN 1979) – cựu Kế toán trưởng PVTEX. Cả 4 bị cáo cùng bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Riêng bị cáo Hiếu còn bị truy tố thêm tội “Nhận hối lộ”.

Hồ sơ vụ án thể hiện, trong quá trình triển khai thực hiện Dự án nhà ở cho cán bộ công nhân viên PVTEX, Trần Trung Chí Hiếu và Vũ Đình Duy (hiện bỏ trốn) đã quyết định lựa chọn, ký hợp đồng với liên doanh nhà thầu PVC.KBC và HEERIM.PVC trong khi cả hai thành viên đều không có đủ năng lực, kinh nghiệm.

Bị cáo Trần Trung Chí Hiếu trả lời thẩm vấn tại phiên tòa.

Trong việc tạm ứng và sử dụng tiền tạm ứng, các bị cáo đã có hành vi cố ý làm trái quy định tại khoản 6, Điều 17, Nghị định 48/NĐ-CP của Chính phủ về hợp đồng xây dựng, dẫn đến hậu quả thiệt hại cho Nhà nước hơn 19 tỉ đồng.

Trả lời HĐXX, bị cáo Đỗ Văn Hồng thừa nhận mọi sai phạm như cáo trạng quy kết, đồng thời cho biết đã chủ động trong khai báo, cũng như khắc phục hậu quả. “Cách tốt nhất là thành thật khai báo mọi vấn đề để cơ quan pháp luật xem xét”- bị cáo Hồng nói.

Tại tòa, bị cáo Hồng cũng xác nhận đã chi cho Vũ Đình Duy và Trần Trung Chí Hiếu mỗi người 3 tỉ đồng, thông qua việc góp vốn cổ phần khi thành lập Công ty CP PVTEX Kinh Bắc.

Cụ thể, khoảng giữa năm 2010, Vũ Đình Duy và Đỗ Văn Hồng trao đổi về việc liên kết thành lập Công ty CP PVTEX Kinh Bắc nhằm mục đích sản xuất ống cuốn sợi, thùng carton để bán cho PVTEX, PVTEX sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm làm ra...

Duy và Hồng thống nhất vốn điều lệ của PVTEX Kinh Bắc là 30 tỉ đồng, trong đó Đỗ Văn Hồng được góp 70% cổ phần, tương ứng 21 tỉ đồng và giữ vị trí Chủ tịch HĐQT. PVTEX góp 10% cổ phần tương ứng 3 tỉ đồng bằng thương hiệu.

Còn lại 20%, Vũ Đình Duy yêu cầu Đỗ Văn Hồng phải chi tiền nộp cho Duy và Hiếu mỗi người 10% cổ phần, tương ứng 3 tỉ đồng.Vũ Đình Duy nhờ em dâu là Đỗ Thị Thùy Linh; Trần Trung Chí Hiếu nhờ em rể là Trần Cường đứng tên hộ đối với số cổ phần được Hồng đóng góp...

Tại tòa, bị cáo Đỗ Văn Hồng tỏ rõ thái độ khai báo thành khẩn.

Sau đó, hai bị cáo này thông báo cho Trần Cường và Đỗ Thị Thùy Linh làm thủ tục xin thoái vốn góp tại PVTEX Kinh Bắc. Sau khi nhận được số tiền 6 tỉ đồng vào tài khoản cá nhân, hai cá nhân trên đã rút tiền chuyển lại cho Duy và Hiếu.

Tại tòa, đại diện theo ủy quyền của Tổng công ty CP  Xây lắp dầu khí (PVC) thừa nhận có đầu tư tài chính tại HEERIM.PVC  - một trong hai thành viên của liên doanh nhà thầu thi công Dự án nhà ở cho cán bộ, nhân viên PVTEX.

Cụ thể, PVC có trên 15% vốn điều lệ tại PVC.KBC. Thời điểm PVC góp vốn là tháng 6-2009, PVC góp  2,5 tỉ đồng, tương đương 250 nghìn cổ phần. Tuy nhiên, khi được chủ tọa phiên tòa hỏi địa chỉ trụ sở của HEERIM.PVC, vị đại diện cho biết “địa chỉ trước đây ở đường Phạm Hùng (Hà Nội), còn hiện nay, công ty này chuyển trụ sở đi đâu cũng không thông báo lại cho PVC”.

“Tức là vốn của mình đi đâu cũng không biết?”- chủ tọa Trần Nam Hà hỏi. “Chúng tôi có người đại diện quản lý phần vốn, là giám đốc công ty. Nếu họ không báo cáo thì chúng tôi chỉ xem xét trách nhiệm hành chính của họ, chứ không thể quy kết trách nhiệm cho người ta. Hiện tại chưa có một khẳng định nào về việc vốn đầu tư của PVC tại đó hiệu quả hay không hiệu quả”- đại diện của PVC đáp.

“Người của mình được cử đến quản lý vốn mà giờ không biết họ ở đâu thì quản lý thế nào?”- chủ tọa Trần Nam Hà bình luận và cho biết, HĐXX đã gửi giấy triệu tập đại diện của HEERIM.PVC tới địa chỉ cũ nhưng không có kết quả và cũng không biết địa chỉ hiện tại của công ty ở đâu.

Một nội dung đáng chú ý khác là cáo trạng cũng như lời khai của các bị cáo khác thể hiện, PVC có công văn gửi PVTEX chấp thuận để PVC. KBC được phép thay mặt PVC đàm phán, ký kết hợp đồng với chủ đầu tư, thực hiện triển khai thi công và làm các công việc khác liên quan đến gói thầu...Tuy nhiên, vị đại diện khẳng định, PVC không tìm được bất kỳ văn bản mang tính pháp lý nào cho phép, chấp thuận, hay ủy quyền cho PVC.KBC về việc này

Liên quan đến việc ký kết hợp đồng xây dựng Dự án nhà ở nói trên, vị đại diện cho biết “PVC không có liên quan gì”, đây là hợp đồng PVC.KBC ký trực tiếp với PVTEX, không qua PVC.

Cũng tại phiên tòa, bị cáo Đỗ Văn Hồng còn khai, trước tháng 4-2009, ông ta “hoàn toàn không biết gì về PVN cũng như PVC”. Cuối tháng 4, qua một số người giới thiệu, ông quen biết với Trịnh Xuân Thanh (cựu Chủ tịch Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam- PVC) và tham gia một số dự án PVC đang thực hiện, trong đó có dự án Nhà máy Polyester Đình Vũ.

Trong khi đó, hồ sơ vụ án xác định, ngày 12-8-2009, PVC và PVC.KBC ký hợp đồng số 173 thi công một số hạng mục thuộc dự án Nhà máy polyester  Đình Vũ. Quá trình thực hiện, Đỗ Văn Hồng đề xuất và được cựu Chủ tịch PVC Trịnh Xuân Thanh tạo điều kiện cho tạm ứng 25 tỉ đồng trái quy định.

Đỗ Văn Hồng không sử dụng để thực hiện các công việc theo hợp đồng mà dùng 23,8 tỉ đồng để mua 3.400m2 đất tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc, đứng tên chủ sở hữu là PVC.KBC. Sau đó, Trịnh Xuân Thanh tiếp tục chỉ đạo Hồng làm thủ tục để PVC.KBC chuyển nhượng lại mảnh đất này cho Công ty Mai Phương của gia đình Thanh với giá 23,8 tỉ đồng nhưng chỉ trả cho PVC.KBC 20,8 tỉ đồng, còn 3 tỉ đồng vẫn chưa thanh toán.

Để hợp thức việc tạm ứng sai quy định,Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo làm thủ tục chuyển 21 tỉ đồng tiền tạm ứng thành tiền PVC góp vốn vào PVC.KBC. Hành vi của Trịnh Xuân Thanh có dấu hiệu phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, trong đó có vai trò của Đỗ Văn Hồng.

Thế nhưng do thời hạn điều tra đã hết, chưa đủ điều kiện kết luận nội dung này trong cùng vụ án nên Cơ quan điều tra tiếp tục điều tra xác minh để có căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.

Về phần mình, cựu Chủ tịch HĐQT PVTEX Trần Trung Chí Hiếu cho rằng: “Việc mất 19 tỉ đồng, lỗi chính do nhà thầu đã không thực hiện đúng cam kết cũng như hợp đồng. Về phía PVTEX, lỗi chính do ban điều hành, mà ông Vũ Đình Duy làm tổng giám đốc”.