Xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm: Thẩm vấn về sai phạm ở Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2

ANTD.VN - Chiều 8-1, phiên tòa xét xử các bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng cùng đồng phạm bước sang phần thẩm vấn. Cùng thời điểm, bị cáo Đinh La Thăng- nguyên Chủ  tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) và bị cáo Trịnh Xuân Thanh được đưa sang phòng cách ly.

Ngay trước đó, đại diện VKS khi công bố xong bản cáo trạng truy tố các bị cáo đã trình bày ý kiến bổ sung vào bản cáo trạng.Theo đó, cáo trạng bổ sung thêm thông tin bị cáo Đinh La Thăng và bị cáo Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó Tổng giám đốc PVN) từng là Đại biểu Quốc hội, Khóa 14 và đã bị đình chỉ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn.

Trả lời thẩm vấn HĐXX đầu tiên là bị cáo Vũ Đức Thuận – nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). Bị cáo Thuận khai, hợp đồng EPC gồm có 8 trang, 14 điều. Bị cáo này xác nhận hợp đồng chưa đầy đủ điều kiện vì chưa có hồ sơ đề xuất và chưa được phê duyệt phương án.

Bị tòa hỏi vì sao vẫn ký hợp đồng số 33, nguyên Tổng giám đốc PVC đáp: “Vì Chủ tịch đã đồng ý. Ngoài ra, ký còn để có tiền trả nợ ngân hàng và các mục đích khác”. Về năng lực chuyên môn, kinh nghiệm sản xuất, tại thời điểm PVC ký hợp đồng thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, bị cáo Thuận thừa nhận kinh nghiệm chưa đủ.

Bị cáo Vũ Đức Thuận - nguyên Tổng giám đốc PVC trả lời thẩm vấn

Trình bày hành vi phạm tội nối tiếp, bị cáo Thuận khai, sau khi khởi công dự án xong, ngày 1-3-2011, Trịnh Xuân Thanh và bị cáo giao cho Phó tổng giám đốc ký công văn đề nghị chủ đầu tư tạm ứng. Và khi ấy, chủ đầu tư là PVPower. Do PVPower chưa xin được tạm ứng vốn điều lệ nên không có tiền tạm ứng cho PVC. Sau đó, chủ đầu tư được chuyển sang cho PVN.

Nói về việc chi tiêu tiền tạm ứng không đúng mục đích, bị cáo Thuận trình bày, PVC lúc đó rất khó khăn về tài chính. Mỗi lần nhận được tiền chuyển về, PVC đều dùng phần lớn để trả nợ gốc và lãi ngân hàng, đồng thời góp vốn vào một số đơn vị khác.

Giải trình về việc chi tiêu tiền tạm ứng trái mục đích, nguyên Tổng giám đốc PVC khai báo, việc đầu tư ra một số đơn vị khác đều được sự chấp thuận của Chủ tịch PVC Trịnh Xuân Thanh. Nói về nhận thức của bản thân, bị cáo Thuận khẳng định hiểu rõ hành vi gây ra là sai.

Về phần mình, bị cáo Nguyễn Ngọc Quý - nguyên Phó chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam khai, bản thân không biết gì về việc PVC chi số tiền nhận tiền tạm ứng. “Đến khi cơ quan điều tra hỏi, bị cáo mới biết. Trước đó, bị cáo không biết là mình sai” – bị cáo Quý phân trần.

Bị cáo Nguyễn Ngọc Quý - nguyên Phó Chủ tịch HĐQT PVC 

Tòa hỏi: “Bị cáo có đồng ý khi bỏ phiếu lấy ý kiến về việc chi số tiền tạm ứng không”? Nguyên Phó Chủ tịch PVC đáp: “Không”. Sau đó, thẩm phán Trương Việt Toàn khẳng định, bị cáo là người trực tiếp có liên quan đến việc sử dụng số tiền 1.080 tỉ đồng góp vốn vào 5 công ty.

Tòa đưa ra bằng chứng, bị cáo Quý buộc phải thừa nhận có ký vào nghị quyết về việc tăng tỉ lệ góp vốn điều lệ tại 5 công ty. Tuy nhiên, bị cáo cho rằng không hề biết nguồn tiền góp đó lấy từ đâu. Không đồng tình với trả lời của bị cáo, HĐXX căn vặn ngay trong đời sống hàng ngày lấy tiền ở đâu tiêu thì ai cũng phải biết. Huống chi bị cáo lại chi tiêu số tiền rất lớn như thế.

Là bị cáo thứ ba trả lời phần xét hỏi của HĐXX, Nguyễn Mạnh Tiến - nguyên Phó Tổng giám đốc PVC thừa nhận, Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam đã sử dụng khoản tiền tạm ứng sai mục đích. Ban đầu là 1080 tỉ đồng, sau đó tổng số tiền là bao nhiêu thì bị cáo không nhớ rõ. Số tiền sử dụng vào dự án Thái Bình 2 chỉ khoảng gần 200 tỉ đồng.

Đến lượt phải trả lời các câu hỏi của HĐXX xoay quanh hợp đồng số 33 và việc chi tiền tạm ứng cho PVC, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn – nguyên Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam trình bày, việc chỉ đạo tạm ứng cho Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 và PVC do ông Đinh La Thăng chỉ đạo.

Cũng theo Nguyễn Xuân Sơn, bị cáo không được tham dự, theo dõi hợp đồng số 33. Khi hợp đồng được chuyển đổi về PVN, Phó Chủ tịch Tập đoàn yêu cầu Thái Bình 2 là công trình trọng điểm quốc gia, được thực hiện theo cơ chế đặc thù, cần phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, thực hiện tạm ứng cho nhà thầu để triển khai.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Phó tổng giám đốc PVN

Trả lời HĐXX, nguyên Phó Tổng giám đốc PVN khai bản thân không nhận thức được hợp đồng số 33 là không đủ điều kiện để thực hiện. “Bị cáo chỉ biết công trình Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 là công trình lớn, đã xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chỉ định thầu. Sau đó lại có Nghị quyết của HĐQT về việc chuyển đổi chủ đầu tư” –  bị cáo Sơn trình bày.

Khai về việc chuyển tiền tạm ứng, bị cáo này cho biết, ông ta ký 2 quyết định nhưng có 4 lần chuyển tiền. Việc chuyển tiền diễn ra trong Tập đoàn (từ đơn vị này sang đơn vị khác của Tập đoàn) chứ không phải chuyển tiền ra ngoài Tập đoàn PVN.

Lúc chuyển tiền thì không nhận thức thấy có vấn đề gì. Chỉ sau này, khi làm việc với kiểm sát viên thì bị cáo mới biết hợp đồng không có đủ căn cứ.

Theo lời khai của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, ông thực hiện mệnh lệnh của bị cáo Đinh La Thăng. “Bị cáo dùng từ “mệnh lệnh” vì chỉ đạo của anh Đinh La Thăng rất mạnh mẽ. Đó là tính cách của anh Thăng trong quá trình triển khai công việc” -  nguyên Phó Tổng giám đốc PVN Nguyễn Xuân Sơn nói.

Được HĐXX hỏi: Trong việc ký kết hợp đồng số 33 và việc chuyển tiền tạm ứng cho PVC, bị cáo thấy cái gì là yếu tố quyết định? Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn đáp: “Theo bị cáo, ý chí của người đứng đầu giữ vai trò quyết định”.

Cũng trong ngày thẩm vấn đầu tiên của phiên xét xử, các bị cáo là Nguyễn Quốc Khánh - nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN và Vũ Hồng Chương - nguyên Trưởng Ban quản lý Dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2 khai cũng lần lượt phải trả lời các câu hỏi của tòa về các sai phạm tại Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Riêng 2 bị cáo Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh vẫn chưa được HĐXX thẩm vấn.