Xét tuyển NV2 tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011: Dễ bị “lách” luật

ANTĐ - Ngày 25-8, gần 210.000 thí sinh sẽ bước vào đợt xét tuyển NV2. Đợt xét tuyển này, các thông tin sẽ được cập nhật liên tục trên mạng để thí sinh có lựa chọn hợp lý.

Không khống chế số lần rút hồ sơ

Nhiều cơ hội trúng tuyển nếu biết lựa chọn phù hợp

Với thời gian xét tuyển kéo dài 20 ngày, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng các thí sinh nên thường xuyên cập nhật thông tin trên mạng để biết các trường thực hiện xét tuyển như thế nào, có phù hợp với mức điểm của mình hay không, số lượng hồ sơ trường nhận được như thế nào, vị trí điểm của mình đứng thứ bao nhiêu… “Nếu thấy khả năng không đỗ thì rút hồ sơ để xét tuyển sang các trường khác. Nếu thí sinh nào cảm thấy điểm thi của mình thấp, khó có khả năng đỗ vào trường mình mong muốn thì nên chuyển về nộp hồ sơ ở các trường đại học vùng như vậy khả năng đỗ rất lớn vì chỉ tiêu của các trường này rất nhiều” - Thứ trưởng phân tích. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, Bộ GD-ĐT không quy định số lần thí sinh được rút hồ sơ ĐKXT đã nộp. Các trường không được khống chế số lần rút và nộp hồ sơ của thí sinh, mà phải tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các em.

Năm nay, thời gian nộp hồ sơ ĐKXT NV2 được quy định là 20 ngày bắt đầu từ ngày 25-8 đến 17h ngày 15-9, dài hơn thời hạn này năm 2010 là 5 ngày. Bộ yêu cầu hàng ngày các trường nhận hồ sơ ĐKXT của thí sinh và công bố công khai thông tin về hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2, NV3 của thí sinh trên trang web của trường. Hướng dẫn thí sinh rút hồ sơ ĐKXT NV2 (hoặc NV3) đã nộp lần 1, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT Ngô Kim Khôi yêu cầu thí sinh không tẩy xóa thông tin đã khai trong giấy chứng nhận kết quả thi, mà điền thông tin ĐKXT vào phần 2 của giấy chứng nhận kết quả thi. Trường hợp rút tiếp hồ sơ ĐKXT đã nộp, thí sinh cần gửi đơn kèm theo giấy chứng nhận kết quả thi. Trong đơn ghi đầy đủ thông tin như các mục của giấy chứng nhận kết quả thi và gửi tới trường ĐKXT. 

10 điểm vẫn có thể đỗ ĐH

Mặc dù quy định điểm sàn của Bộ năm nay thấp nhất là 13 điểm và thí sinh phải đạt mức này mới có thể đăng ký xét tuyển các trường ĐH. Tuy nhiên, sẽ có không ít trường hợp “ngoại lệ” mà nhà trường cũng như thí sinh đều có thể vận dụng để đỗ ĐH với tổng điểm 3 môn chỉ đạt 10 điểm. Bộ GD-ĐT năm nay cho phép vận dụng Điều 33 trong quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ áp dụng cho những vùng, ngành khó tuyển để tuyển NV2, NV3. Với quy định này, khoảng cách giữa các khu vực lên 1 điểm thay vì 0,5 điểm. Như vậy, khoảng cách từ khu vực một đến khu vực ba sẽ là 3 điểm. Cụ thể, với khối A, D, điểm sàn là 13 nhưng với khu vực có thể giảm 3 điểm, xuống còn 10 điểm. 

Đây có thể coi là sự mở cửa với những trường và ngành khó tuyển, tuy nhiên, theo ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng trường ĐH dân lập Hải Phòng, chỉ những trường trung thực trong đào tạo thì việc được vận dụng điều 33 Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ mới thực sự có ý nghĩa, giúp đào tạo nhân lực địa phương. Tuy nhiên, nếu các trường lại coi như đây là chiêu “lách” luật để tuyển sinh thì sẽ hạ chất lượng giáo dục của địa phương đó. Theo đó, Bộ GD-ĐT cần có những sửa đổi bổ sung đối với những quy định chưa được chặt chẽ như thế này để việc đào tạo được công bằng hơn. Được biết, đến thời điểm này đã có gần 40 trường đang đề nghị Bộ cho vận dụng điều 33 Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ để xét tuyển đợt này.

Theo phân tích của các chuyên gia tuyển sinh, nếu chỉ quy định “trường đào tạo nhân lực cho địa phương” thì phạm vi khá rộng vì các trường đều có nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho địa phương. Điều này dẫn tới thực tế nhiều trường chỉ lợi dụng tên địa phương để “lách” luật, hạ điểm tuyển dưới điểm sàn đề tuyển đủ chỉ tiêu. Để quy định này chặt chẽ hơn, Bộ GD-ĐT cần quy định rõ ràng, cụ thể thế nào là đào tạo nhân lực cho địa phương.

Về vấn đề này, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, những trường ĐH nào khó tuyển sinh cần sử dụng khoản 1 Điều 33 đều phải báo cáo Bộ để xem xét thực hiện theo đúng quy chế. “Những trường ĐH, CĐ thực hiện sai Quy chế tuyển sinh, Bộ GD-ĐT sẽ kiểm tra và xử lý. Tuyển sinh cần có sự công khai, minh bạch. Nếu sai, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh trường đó phải chịu trách nhiệm” - Thứ trưởng khẳng định.