Xét tặng Giải thưởng Nhà nước: Vẫn chưa hết rối!

ANTĐ - Chiều 22-8, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức gặp gỡ thường kỳ Câu lạc bộ “Âm nhạc và báo chí”. So với những lần tổ chức trước, buổi gặp gỡ đông đến bất ngờ. Các nhà báo có mặt sớm với hy vọng nhận được câu trả lời chính thức từ lãnh đạo Hội Nhạc sĩ Việt Nam xung quanh những lình xình trong việc đề xuất xét tặng Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh…

Ngày 24-8, Hội Nhạc sĩ Việt Nam sẽ có trả lời về trường hợp của nhạc sĩ Phạm Tuyên

Như những lần trước, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Đỗ Hồng Quân vẫn vắng mặt với lý do “đi công tác”. Người đứng ra giải tỏa thắc mắc của báo chí là “gương mặt quen thuộc” - Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Khôi. “Điểm nóng” 6 nhạc sĩ đi kiện vì bức xúc đã “hạ nhiệt”, thay vào đó là trường hợp của nhạc sĩ  Phạm Tuyên.  

Tháng 2-2011, Hội Âm nhạc Hà Nội đã có công văn gửi Vụ Thi đua khen thưởng - Bộ VH-TT&DL cùng Hội đồng cơ sở ( tức là Hội Nhạc sĩ Việt Nam) đề xuất xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhạc sĩ Phạm Tuyên - tác giả của những ca khúc sống cùng năm tháng như: Đảng đã cho ta một mùa xuân, Màu cờ tôi yêu, Chiếc gậy Trường Sơn, Con kênh ta đào, Như có Bác trong ngày vui đại thắng… Đến ngày 15-8-2011, nhạc sĩ Hồ Quang Bình - Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội một lần nữa gửi công văn đề nghị Hội đồng cơ sở xem xét lại trường hợp của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Song, cả hai lần đều không có hồi âm.

Mãi đến 15-8, sau khi Bộ VH-TT&DL đã công bố danh sách gửi lên Hội đồng cấp Nhà nước, Hội Âm nhạc mới nhận được Công văn trả lời của Vụ này (số 2542 ngày 11-8), theo đó, Vụ này cho rằng công văn đề nghị của Hội Âm nhạc Hà Nội không phải là hồ sơ xét tặng nên không thể xem xét cho dù Phạm Tuyên là người đã dành trọn đời mình cho sáng tạo, làm nên những tác phẩm gắn liền với sự nghiệp Cách mạng Việt Nam, ông hoàn toàn xứng đáng được tôn vinh với danh hiệu cao quý nhất. Một lần nữa, Hội Âm nhạc Hà Nội lại đề nghị xét đặc cách cho nhạc sĩ Phạm Tuyên… Lại cũng như những lần trước, hoặc là nhận được sự im lặng, hoặc là trả lời theo đúng tinh thần công văn của Vụ Thi đua khen thưởng: chỉ xét trên cơ sở hồ sơ, không bình xét qua công văn.

Điều này khiến dư luận đặt thêm câu hỏi với Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Tại sao Hội này đã nhận ra việc xin đặc cách cho nhạc sĩ Phạm Tuyên của Hội Âm nhạc Hà Nội không đúng quy trình mà lại im lặng, cứ để cho Hội Âm nhạc Hà Nội “tự bơi”. Tại sao Hội không đứng ra để bảo vệ quyền lợi cho hội viên, trong khi nhạc sĩ Phạm Tuyên không chỉ là thành viên của Hội Âm nhạc Hà Nội mà còn là thành viên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Trước câu hỏi này, ông Phạm Ngọc Khôi cho rằng, Hội Âm nhạc Hà Nội gửi đơn vượt cấp và vì thế đây là vấn đề thuộc Bộ VH-TT&DL giải quyết, Hội không còn lý do gì mà tham gia cả. Nhưng được biết, Hội Âm nhạc Hà Nội không hề tự ý “vượt cấp”. Có mặt trong cuộc họp chiều 22-8, nhạc sĩ Văn Dung khẳng định, nhạc sĩ Phạm Tuyên hoàn toàn xứng đáng nhận giải thưởng.

Nhạc sĩ Cát Vận - Chủ tịch Câu lạc bộ “Âm nhạc và báo chí” Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng khẳng định không có lý do gì gạt nhạc sĩ Phạm Tuyên ra ngoài danh sách xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2011, bởi với những cống hiến cho nền âm nhạc Việt, ông hoàn toàn xứng đáng…

Khẳng định là xứng đáng, nhưng nhạc sĩ Cát Vận cho biết, ông đang đến tuổi nghỉ hưu, không có chức quyền gì ở Hội Nhạc sĩ, không có mặt trong Hội đồng cơ sở nên ông không thể khẳng định chắc chắn việc có hay không tiếp tục làm hồ sơ đề xuất đặc cách cho nhạc sĩ Phạm Tuyên mà phải đợi ý kiến từ Chủ tịch Hội Đỗ Hồng Quân. Đồng thời, khẳng định câu trả lời cuối cùng, giải quyết hết mọi thắc mắc sẽ có vào ngày 24-8 tới.