Xét chọn hiệu trưởng trường đại học: Phải có quy định đột phá để trọng dụng người tài, chấn hưng giáo dục

ANTD.VN - Băn khoăn với quy định về tiêu chuẩn hiệu trưởng phải có kinh nghiệm tham gia quản lý giáo dục đại học ít nhất 5 năm trở lên, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội) cho rằng quy định trên quá cứng nhắc, không phù hợp.

Thay đổi nội dung giảng dạy sát với thực tiễn, đưa công nghệ số vào giáo dục đại học, việc xét chọn hiệu trưởng, phong học hàm, học vị... là những vấn đề được đại biểu Quốc hội đề cập, góp ý sôi nổi trong phiên thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, chiều 30-5.

Phải đưa công nghệ số vào giáo dục

Thực tế hiện nay đòi hỏi mô hình giáo dục, đào tạo phải đáp ứng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, song đại biểu Nguyễn Việt Dũng (đoàn TP.HCM) cho rằng dự thảo chưa đáp ứng được điều này. 

“Từ những năm 1980, khi được cử đi học Liên Xô, lần đầu tiên tôi được học lập trình. Khi mình còn loay hoay thì các sinh viên Nga đã làm rất tốt rồi. Tại sao 4 năm học đại học mà 40 – 50% sinh viên ra trường không đáp ứng được tiêu chí công nghệ của các công ty, tập đoàn lớn?”. Từ dẫn chứng này, đại biểu Nguyễn Việt Dũng cho rằng “phải chạy nhanh hơn nữa trong việc đưa công nghệ số vào giáo dục đại học”.

Đại biểu Nguyễn Việt Dũng cho rằng dự thảo luật chưa đáp ứng được đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghệ 4.0

Ông Nguyễn Việt Dũng đặt vấn đề: “Chương trình của chúng ta thiên về nhồi nhét kiến thức trong khi nhiều kiến thức lại không áp dụng vào cuộc sống. Ban soạn thảo nói nhiều tới kỹ năng nhưng kỹ năng phản biện lại chưa đề cập tới. Phản biện không phải moi móc mà là phát hiện ra sự bất hợp lý”.

Cũng theo đại biểu TP.HCM, một trong những điểm yếu của Việt Nam là thiếu văn hóa đọc, cần vực dậy văn hóa đọc. Bên cạnh đó, các trong điều khoản bổ sung vào dự thảo luật chưa thấy có cụm từ thúc đẩy đổi mới sáng tạo giáo dục phổ thông, kiến thức về khởi nghiệp, kinh doanh. 

“Thủ tướng đang thúc đẩy kỹ năng đổi mới, sáng tạo. Tại Mỹ, chương trình này đã được đưa vào từ cấp 1. Chưa đề cập nhiều tới đào tạo trực tuyến, trong khi đây là xu hướng phát triển mạnh trong tương lai. Nhiều nghiên cứu cho rằng, trong tương lai, nhiều bộ môn trẻ em sẽ được học ở nhà. Đây là kết quả của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 nên cần nghiên cứu để xác định tính pháp lý, áp dụng hiệu quả ở Việt Nam”, đại biểu Nguyễn Việt Dũng nói.

Linh hoạt tiêu chí xét tuyển để trọng dụng người tài

Băn khoăn với quy định về tiêu chuẩn hiệu trưởng phải có kinh nghiệm tham gia quản lý giáo dục đại học ít nhất 5 năm từ cấp khoa, phòng, ban trở lên, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội) cho rằng quy định trên quá cứng nhắc, không phù hợp.

 

"Cần phải có quy định đột phá để trọng dụng người tài, chấn hưng giáo dục đất nước”, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn đề nghị.

Dẫn lại vụ việc, Giáo sư Trương Nguyện Thành - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen phải quay về Mỹ giảng dạy do không đủ điều kiện để được làm hiệu trưởng, ông Nguyễn Quang Tuấn cho rằng, đây là điều rất đáng tiếc.

"Quy định như thế là một rào cản rất lớn đối với những người đang làm việc ở nước ngoài và muốn về Việt Nam cống hiến. Cần phải có quy định đột phá để trọng dụng người tài, chấn hưng giáo dục đất nước”, ông Nguyễn Quang Tuấn đề nghị.

Liên quan đến câu chuyện học hàm, học vị gây nhiều tranh cãi thời gian qua, đại biểu Nguyễn Văn Phương (đoàn Cần Thơ) đưa ra một số kiến nghị đáng lưu ý khác như Bộ GD-ĐT nên khảo sát, công bố danh mục các trường đại học được công nhận văn bằng, tạo ra sự minh bạch, thuận lợi cho người học; chấm dứt việc các viện nghiên cứu đào tạo Tiến sĩ; giới hạn việc phong Giáo sư, Phó giáo sư chỉ trong các trường đại học…

"Đừng coi Giáo sư, Phó giáo sư là danh vị gì to tát quá, đó chỉ là ngạch bậc trong giáo dục thôi”, ông Nguyễn Văn Phương nói.

Đề cập tới xã hội hóa giáo dục đại học, đại biểu Hoàng Thị Thúy Lan (đoàn Cần Thơ) nêu vấn đề: “Tại sao nhiều “đại gia” Việt Nam không thiếu tiền, động cơ, ý chí mà vẫn không mặn mà đầu tư cho giáo dục đại học”?

Để thể chế hóa, hiện thực hóa thành công chủ trương xã hội hóa giáo dục đại học, đại biểu Hoàng Thị Thúy Lan cũng đề nghị luật cần nêu rõ nguyên tắc ưu tiên tiếp cận đất đai, bảo đảm đủ quỹ đất cho cơ sở giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng; tạo môi trường phát triển bình đẳng cho giáo dục công lập và tư thục…