Xem xét tình huống phạm tội khi cầm dao đi đòi nợ

ANTD.VN - Chị Vũ Thúy H (SN 1981) có quen biết Hoàng Cẩm T (SN 1987). Do cần tiền kinh doanh nên chị H đã vay của T số tiền 500 triệu đồng, với lãi suất theo thỏa thuận. Chị H đã trả cho T số tiền 50 triệu đồng, còn nợ 450 triệu đồng, hẹn 2 tuần sau sẽ thu xếp trả tiếp 200 triệu đồng. 

Đến hẹn, T gặp chị H và nói: “Hôm nay là đến hạn trả 200 triệu đồng, chị lo thu xếp cho em”. Chị H xin T được lùi lại thời gian trả nợ nhưng T không đồng ý và yêu cầu chị H phải trả đủ số tiền đã cam kết là 200 triệu đồng. Chị H nói: “Để chị về bàn bạc với chồng chị xem thế nào”. Sau đó T gọi điện lại cho chị H hẹn về nhà T nói chuyện, chị H đồng ý. Đến hẹn, không thấy chị H đến nhà như đã hẹn, nên T sang nhà mẹ đẻ gần nhà T lấy một con dao phay loại dao chặt xương, rồi đi bộ về nhà. Khi đi đến gần chợ, nhìn thấy chị H đang đứng, T hỏi: “Tiền của em chị tính thế nào?”. Chị H trả lời là không lấy được tiền hàng và không có khả năng trả nợ, xin trả dần với số tiền 1 triệu đồng/ngày. T bực tức nói: “Thế thì nát hết tiền của người ta à?” và dùng con dao phay đập nhẹ bản dao vào má trái của chị H, mục đích là bắt chị H phải trả ngay số tiền như đã hứa. Hai bên giằng co con dao khiến chị H bị xước da, chảy máu ở đầu ngón tay phải. Nhận được tin báo, Công an phường đã đến giải quyết sự việc, yêu cầu T và chị H về phường làm việc.

Vấn đề đặt ra là trong trường hợp này Hoàng Cẩm T có phạm tội không?

Xem xét tình huống phạm tội khi cầm dao đi đòi nợ ảnh 1Ảnh minh họa

Ý kiến bạn đọc

Phạm tội gây rối trật tự công cộng

Hành vi của Hoàng Cẩm T trong vụ việc này hoàn toàn phù hợp với hành vi khách quan của tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 318, Bộ luật Hình sự năm 2015. Hành vi của T đã xâm phạm đến trật tự, an toàn công cộng, đồng thời còn xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác. Hoàng Cẩm T đã gây rối tại chợ, một địa điểm đông người được quy định là nơi công cộng, đồng thời T đã dùng dao xâm phạm tới sức khỏe của chị Vũ Thúy H. Về mặt chủ quan, theo tôi T đã thực hiện hành vi này với lỗi cố ý. Vì vậy cần phải xử lý nghiêm hành vi của T. 

Nguyễn Hồng Hà (TP Yên Bái - Yên Bái)

Phạm tội cướp tài sản

Trong vụ việc này, Hoàng Cẩm T đã phạm tội cướp tài sản theo Điều 168, Bộ luật Hình sự năm 2015. Có thể thấy, Hoàng Cẩm T đã có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực thể hiện ở việc T buộc chị Vũ Thuý H phải trả tiền cho T ngay và khi chị H nói không có tiền trả thì T đã dùng dao phay (chuẩn bị sẵn ở nhà) đập nhẹ bản dao vào má trái của chị H, mục đích là bắt chị H phải trả ngay số tiền như đã hứa. Như vậy, hành vi của T là dùng vũ lực mặc dù gây ít hoặc không gây thương tích cho chị H nhưng như vậy vẫn cấu thành hình thức của tội cướp tài sản.

Đinh Hồng Anh (TP Móng Cái - Quảng Ninh)

Phải xử phạt hành chính

Theo dõi toàn bộ nội dung vụ việc có thể thấy, hành vi của Hoàng Cẩm T với chị Vũ Thúy H là nhằm đòi lại tiền mà T đã cho chị H vay. Vì vậy, hành vi này của T theo tôi không hề xâm hại quyền sở hữu tài sản của chị H. Với việc Hoàng Cẩm T dùng dao đe doạ chị H, theo tôi chỉ là do T nóng giận vì chị H đã hẹn nhiều lần trả tiền nhưng không trả. Và thực tế thì hành vi đe dọa của T cũng không làm chị H bị thương nên theo tôi chỉ nên xử phạt hành chính là phù hợp.

Hoàng Anh Tú (Hà Trung - Thanh Hóa)

Bình luận của luật sư

Căn cứ vào nội dung vụ việc chúng tôi cho rằng hành vi của Hoàng Cẩm T không phạm tội cướp tài sản theo Điều 168, Bộ Luật Hình sự. Bởi:

Thứ nhất: Về mặt khách quan thì tội cướp tài sản được thể hiện bởi một trong các hành vi: dùng vũ lực; đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc; hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Trong vụ án này, khi Hoàng Cẩm T hỏi: “Tiền của em chị tính thế nào?”. Chị Vũ Thúy H trả lời là không lấy được tiền hàng và không có khả năng trả nợ, xin trả dần với số tiền 1 triệu đồng/ngày. H bực tức nói: “Thế thì nát hết tiền của người ta à?!” và dùng con dao phay đập nhẹ bản dao vào má trái của chị H, mục đích là bắt chị H phải trả ngay số tiền như đã hứa. Hai bên giằng co con dao khiến chị H bị xước da, chảy máu ở đầu ngón tay phải. Như vậy, mặc dù có đe dọa nhưng hành vi của Hoàng Cẩm T không có mục đích để cướp tài sản của chị H mà chỉ muốn chị H trả T số tiền vay như đã hứa. Mặt khác, hành vi của T không làm cho chị H mất đi khả năng chống cự để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Thứ hai: Về mặt chủ quan, tội cướp tài sản được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp với mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác. Tuy nhiên, trong tình huống của vụ việc này, Hoàng Cẩm T thực hiện hành vi dùng dao đe dọa chị H vì chị H đã nhiều lần không thực hiện theo đúng thỏa thuận như đã hứa là trả số tiền chị H đã vay T. Ngoài ra, bản chất tài sản mà T muốn đòi lại là số tiền của Hoàng Cẩm T đã cho chị H vay. Do đó, chúng tôi cho rằng, hành vi của Hoàng Cẩm T không cấu thành tội cướp tài sản theo quy định tại Điều 168, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Về quan điểm cho rằng Hoàng Cẩm T phạm tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 318, Bộ luật Hình sự năm 2015. Xét ở mặt khách thể và mặt khách quan của cấu thành tội phạm đối với tội gây rối trật tự công cộng có thể thấy:

Về khách thể: Gây rối trật tự công cộng là một trong những hành vi trực tiếp xâm phạm trật tự công cộng gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động bình thường của mọi người ở những nơi công cộng, làm trở ngại cho hoạt động của cán bộ, nhân viên nhà nước, tổ chức xã hội làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự công cộng. Trong khi đó, việc Hoàng Cẩm T là chủ nợ, khi đến hạn trả nợ mặc dù đã đòi nhiều lần nhưng chị H tỏ ra chây ỳ, dùng thủ đoạn đối phó để trì hoãn việc trả nợ nên gây bức xúc cho T, khiến T không làm chủ được bản thân dẫn đến xô xát. Việc dùng dao của Hoàng Cẩm T gây thương tích cho chị H để nhằm mục đích đòi nợ. Ở đây khách thể mà Hoàng Cẩm T hướng tới không phải là xâm phậm trật tự công cộng.

Về mặt khách quan: Ở tội gây rối trật tự công cộng thể hiện ở hành vi xâm phạm nghiêm trọng các quan hệ xã hội trong lĩnh vực trật tự công cộng, gây tổn hại đến các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Các hành vi này được thực hiện công khai ở những nơi đông người, biểu hiện ý thức coi thường kỷ cương xã hội, pháp luật.

Ở đây mặc dù có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và hậu quả xảy ra đó là việc Hoàng Cẩm T có hành vi dùng con dao phay đập nhẹ bản dao vào má trái của chị H và hai bên giằng co con dao khiến chị H bị rách da, chảy máu ở đầu ngón tay phải. Như vậy, rõ ràng Hoàng Cẩm T không phải là xâm phạm các quan hệ xã hội trong lĩnh vực trật tự công cộng mà là xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ của chị H. Nói cách khác, đối tượng tác động mà hành vi vi phạm của Hoàng Cẩm T chính là sức khoẻ chứ không phải là trật tự công cộng. Do đó, theo chúng tôi, Hoàng Cẩm T không phạm tội gây rối trật tự công cộng.

Trở lại nội dung vụ việc, có thể thấy hành vi của Nguyễn Thị H là hành vi trái pháp luật bởi pháp luật không cho phép thực hiện hành vi dùng dao, xô xát để giải quyết việc dân sự. Tuy nhiên, theo chúng tôi, nguyên nhân vụ việc cũng một phần có lỗi xuất phát từ việc chị Vũ Thuý H vì đã không trả đủ tiền theo đúng hẹn với Hoàng Cẩm T. Ngoài ra, việc giằng co con dao cũng chỉ khiến chị H bị xước da, chảy máu ở đầu ngón tay phải. Do đó theo chúng tôi, tính chất vụ việc chưa đến mức xử lý theo pháp luật hình sự mà ở đây chỉ có thể xử lý vi phạm hành chính đối với Hoàng Cẩm T.

Luật sư Phạm Thái Sơn (Văn Phòng Luật sư Sơn Phạm)