Xem xét mức giá trần cho sữa
(ANTĐ) - Trước tình trạng giá sữa tăng cao khiến người tiêu dùng bất bình, Bộ Tài chính đang xem xét việc quy định mức giá trần cho sản phẩm này. Theo đó các doanh nghiệp sẽ không được bán mức giá cao hơn giá bán tối đa do Nhà nước quy định. Doanh nghiệp sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng sau mỗi lần vi phạm.
Doanh nghiệp bán sản phẩm cao hơn giá bán tối đa có thể bị phạt tới 20 triệu đồng mỗi lần vi phạm(ảnh minh họa) |
Phạt 20 triệu đồng mỗi lần vi phạm
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính về việc nghiên cứu đề xuất biện pháp quản lý giá sữa, Vụ Chính sách thuế đã nghiên cứu các văn bản pháp luật có liên quan và có văn bản báo cáo về biện pháp quản lý mặt hàng sữa.
Vụ Chính sách thuế cho biết, trên thực tế hoạt động kinh doanh mặt hàng sữa thời gian qua chưa thuộc hành vi tăng giá quá mức từ 20% trở lên so với mức giá đã kê khai hoặc đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nhằm thu lợi bất chính để xử phạt hành chính theo các mức và áp dụng hình thức xử phạt bổ sung.
Vụ Chính sách thuế cũng cho biết, không thể vận dụng quy định của pháp luật cạnh tranh để xử lý vấn đề bán tăng giá quá mức so với chi phí của các doanh nghiệp kinh doanh sữa... Theo đó, các văn bản pháp luật hiện hành khó điều chỉnh được việc giá sữa tăng cao. Vì vậy, Vụ Chính sách thuế đã trình dự thảo để Bộ ban hành văn bản quy định giá tối đa với mặt hàng sữa làm cơ sở quản lý giá sữa và xử phạt đối với các trường hợp vi phạm, nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Theo dự thảo, các tổ chức sản xuất kinh doanh sữa bột tại Việt Nam đều phải tuân thủ các quy định về giá bán tối đa và sẽ chịu các hình thức xử phạt nếu vi phạm. Khung giá sẽ được xây dựng căn cứ trên giá bán lẻ cho mỗi kilôgam và không bao gồm chi phí bao bì (đóng gói, đóng hộp...). Các doanh nghiệp được quyền công bố giá sản phẩm của mình sau khi cân đối các khoản chi phí, nhưng không được cao hơn giá bán tối đa do Nhà nước quy định. Trường hợp doanh nghiệp bán sản phẩm của mình cao hơn giá bán tối đa, sẽ bị xử phạt từ 10-20 triệu đồng mỗi lần vi phạm.
Các chuyên gia cho rằng để kiểm soát được khả năng “lách luật” của doanh nghiệp thì nên quy định mức giá trần đã bao gồm chi phí bao bì. Trên thực tế, một sản phẩm được bán ra thị trường, người tiêu dùng khi mua cũng phải chịu chi phí bao bì. Vì vậy tách chi phí bao bì ra khỏi mức giá trong trường hợp này là không hợp lý.
Bảo vệ người tiêu dùng
Theo các văn bản hiện hành về quản lý giá như Pháp lệnh giá, Nghị định số về bình ổn giá trong đó sữa là một mặt hàng thuộc diện bình ổn; cũng như quy định các biện pháp bình ổn giá thuộc thẩm quyền Bộ Tài chính trong đó có thể ban hành giá tối đa và tối thiểu. Do đó, việc Bộ Tài chính ban hành quy định về khung giá trần cho mặt hàng sữa là có cơ sở pháp lý và đúng thẩm quyền nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Để xác định chi phí, lợi nhuận hợp lý cho hoạt động kinh doanh sữa của các doanh nghiệp trước khi đưa ra phương án giá tối đa đối với từng loại sữa cụ thể, Vụ Chính sách thuế cũng đã có công văn trình Bộ Tài chính để Bộ giao Cục Quản lý giá thống kê tổng hợp giá bán lẻ các loại sữa hiện hành tại các địa phương.
Hiện cũng có những ý kiến chưa đồng tình với việc áp dụng mức giá trần cho sản phẩm sữa. Điều này bắt nguồn từ lo ngại rằng, với hàng trăm mặt hàng, giá cả biến động liên tục thì việc điều chỉnh mức trần không kịp thời có thể gây thiệt hại cho doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.
Hùng Anh