Xem kịch

ANTĐ - Vợ nhà văn S gọi cho tôi: “Em à, chiều nay nhà chị tổ chức ra mắt tập truyện ngắn mới. Đến nhé. 2h ở quán cà phê tầng 1 rạp hát Kim”.

Tôi quen cặp vợ chồng viết lách này từ khi còn gắn bó với người cũ. Hồi đó Đô vẫn luôn miệng ao ước giá trời dành cho mình chút ưu ái, có được người vợ “ích tử vượng phu” như chị S.

Quán có địa thế khá đẹp, trang trí những sợi hoa lá nhựa lòe loẹt loằng ngoằng bò từ cổng ra vào đến các ô cửa sổ. Khách mời quây thành từng nhóm chiếm những bàn đẹp, gần các góc khuất và xa bàn cử tọa. Tấm

banroll lộng lẫy thả tuột từ trần nhà chạm xuống sàn gỗ, chính là bìa 1 của cuốn sách được phóng to ra, nổi bật một thiếu nữ giấu mặt vào phía trong, phô tấm lưng trần hờ hững thắt dải yếm đỏ chót bên cạnh tên tác giả và tập truyện. Một đám khách kéo vào. Dăm người trong số đó  nhận ra tôi, tíu tít hỏi han. Đến những chỗ thế này ai cũng là bằng hữu. Đồ uống được lên sẵn menu, toàn nước ép hoa quả (rót thẳng từ hộp giấy đóng sẵn). Chị S tất bật lách đến từng bàn, chu đáo bắt tay, chào hỏi, khiêm nhường đáp lại những câu khen nịnh bằng cái nhướng mày: “Ôi anh/chị/em cứ nói thế, chứ đâu còn xuân sắc nữa...”.

Tiếng micro rọt rẹt, giọng của nhà phê bình đang đắt show làm MC cất lên:

- Thưa các quý ông quý bà, quý anh chị. Hôm nay chúng ta đến đây để dự một “đám cưới sách”. Tôi xin nhấn mạnh là có được “đám cưới sách” giữa thời buổi cứ mỗi phút trôi qua thế giới lại có thêm một lý do để ly thân, ly dị, ly khai quả là một điều đại hỷ. Vâng, xin chúc mừng tân lang -nhà văn S...

Tiếng vỗ tay dồn dập nổi lên cộng hưởng với cách nhấn nhá trọng âm của MC tạo thành một thứ hợp âm đầy kích động. Nhà văn S xốc lại lưng quần, trỏ ngón tay lên sống mũi chỉnh gọng kính, lập bập mãi mới xong  mấy lời cảm ơn. Nhạc nền chuyển điệu Lambada.

- Ngay tiếp theo đây là tiết mục tặng hoa. Vâng, đây là giây phút các văn hữu bày tỏ tình cảm của mình với nhà văn. Xin mời...! -  MC lại gào lên.

Được bấm nút “play”, những người mang theo hoa bật dậy, rầm rập chạy về phía chiếc bục gỗ hình tròn được nhà văn S đứng làm tâm điểm. Tôi nhớ ra bó hoa của mình, nhưng đành ngồi im vì tự lượng sức không chen nổi vào đám đông kia. Màn tặng hoa kết thúc. Nhạc ngừng. Nhà văn S nhễ nhại trở về ghế ngồi. Chưa kịp có thêm chiêu hoạt náo mới, không khí chùng xuống gần đến độ căng thẳng. Đúng lúc đó gã bước vào cửa chính. Quần bò lướp tướp những vệt rách ngang đùi nhưng lại rất ăn rơ với chiếc áo sơ mi trắng phẳng đét như vừa xuất xưởng, vòng cổ lắc tay xủng xoẻng. MC đang bí, trông thấy gã lại lập tức rổn rảng:

- Và bây giờ, ngay bây giờ chúng ta được chào đón một vị khách quan trọng - xỉa cả năm ngón tay ra phía cửa - nghệ sĩ đương đại, nhà văn, nhà thơ M!

Tràng pháo tay lại đôm đốp nổi lên. Gã nhận ra tình thế, nhập cuộc ngay bằng điệu ngoác miệng ra hết cỡ. Micro được dí vào tay, gã nghiêm túc như bình luận viên quốc tế trước những vấn đề đang nóng bỏng toàn cầu:

-  Xin chào các anh các chị. Tôi đến chậm một chút do phải đi chọn chiếc áo mới này cho cuộc ra mắt của anh S (nhún vai cười rất điệu nghệ). Điều tôi muốn nói ngay lúc này: nhà văn S đã rất nỗ lực đổi mới, có thể coi đây phát pháo hiệu đầu tiên cho trường phái tân hình thức của văn chương nước nhà. Xin chúc mừng!

Lại vỗ tay, vài cặp kính lão châu vào nhau thì thào: “Tân hình thức!”, “Tân hình thức... là cái quái gì chứ?”. Rượu được rót ra ly đẩy cuộc cao đàm khoát luận lên cao trào...

Tôi bỏ ra ngoài. Gần cuối hành lang có một cửa dẫn vào sân khấu nhà hát. Tò mò bước vào, tấm màn đen kịt chụp ngay xuống sau cánh cửa đóng tự động. Tôi run bắn người, chực hét toáng lên, lập tức có hai bàn tay mọc ra từ bóng tối giữ chặt hai vai: “Đừng sợ. Anh đây.” Đúng là giọng của gã, tôi dần trấn tĩnh lại. Nhờ ánh sáng màn hình điện thoại, gã dắt tôi lên phía hàng ghế đầu. Tôi nghi ngại:

- Ngồi đây làm gì?

- Xem kịch - gã đáp. Lập tức giữ yên lặng tuyệt đối, như đang chăm chú theo dõi một vở kịch kinh điển.

Tôi không dám thở mạnh. Lần đầu tiên được chìm sâu vào bóng tối, giữa một rạp hát không người, sân khấu không có diễn viên, để trí tưởng tượng dẫn mình theo một lối riêng là một cảm giác rất đặc biệt. Nhưng vẫn thấy sờ sợ. Liệu gã có bị mắc chứng bệnh hoang tưởng không? Những kẻ khoác lên mình cái danh nghệ sĩ (đương đại) ít nhiều cũng có vấn đề gì đó.

- Anh thích loại kịch này à? - Tôi ứng dụng cách cư  xử mềm mỏng của bác sĩ điều trị với con bệnh tâm thần.

- Ừ. Thỉnh thoảng lại  đến đây xem - giọng nói thể hiện rõ niềm say mê.

- Hôm nay diễn vở gì vậy? Em không được xem từ đầu -Tôi vẫn kiên nhẫn

Ha ha ha... Gã cười phá ra. Đèn xung quanh bật sáng. Tôi hơi choáng vì chói đèn, nhắm nghiền mắt lại.

- Khá lắm, cô bé ạ - gã ngồi xuống trước mặt tôi - không phải ai cũng biết xem kịch cùng anh đâu.

- Vì sao?

- Vì lúc nào người ta cũng diễn như thật. Còn anh thì thật như... diễn. Chẳng phải em đã không đủ sức xem hết vở kịch ngoài kia mà phải chạy vào đây hay sao?

Tôi học cách đi xem kịch của gã từ hôm đó. Và không còn nặng nề mỗi lần nhận được giấy mời đi dự ra mắt một tác phẩm mới.