Sự thực chưa biết về vùng đất thiêng xứ Mường (5)

Xem chiếc “máy bơm” khổng lồ chạy bằng nước suối.

ANTĐ -Sự kỳ diệu của con người sẽ đạt đến đỉnh cao của sáng tạo khi điều kiện xung quanh vô cùng khốn khó.

Những cỗ máy miệt mài giữa núi rừng

Ta phải thấy được sự kỳ tài ở những “cỗ” máy đơn giản nhưng hiệu quả do những con người song hành cùng nền văn minh lúa nước làm ra. Xưa nay chỉ nghe máy bơm chạy dầu, chạy điện chứ ít ai nghe và tận mắt chứng kiến những cỗ máy chạy bằng nước suối. Vậy mà, nghìn đời qua, những con người làm nông nghiệp ở vùng trung du, núi cao đã làm được điều mà sau này khoa học kỹ thuật mới theo sau.

Ông Thịnh là chủ nhân của nhiều "máy bơm" nước chạy bằng nước suối

Trở về xứ Mường lần này, chúng tôi đã trực tiếp tìm đến người được coi là “nghệ nhân” của vùng Kim Bôi, Hòa Bình đã có ngót 30 năm chế tạo và sản xuất ra những “cỗ” máy bơm chạy bằng nước. Những “cỗ” máy ông làm ra vẫn bền bỉ và hữu ích cho những con người quanh năm tần tảo, bán lưng bán mặt cho trời đất. Nếu thiếu đi những chiếc máy truyền thống này thì quả là nỗi nhọc nhằn của người nông dân thêm đổ mồ hôi.

Cọn nước. Đó là cái tên nghe lạ với người miền xuôi, nhưng quen với người miền núi. Những cánh đồng xứ Mường xưa kia, và đến ngày nay vẫn vậy, những bánh xe nước đều quay vào bốn mùa mang cho người dân một cuộc sống ấm no.

Ở xứ Mường có nhiều những con người có bàn tay khéo léo như thế. Nhưng ông Bùi Văn Thịnh ở Kim Bôi có đôi bàn tay được người dân “tín nhiệm” tới mức, đâu đâu trên cánh đồng vùng Kim Bôi cũng được người dân gọi tên: Guồng nước ông Thịnh. Khi chúng tôi đến, ông Thịnh đang đan lưới để ra sông Bôi bắt cá cho bữa cơm chiều.

Ông Thịnh năm nay 68 tuổi. Ông Thịnh không được học hành chữ nghĩa, nhưng việc tính toán để đưa nước từ thấp lên cao khiến người vật giỏi vật lý cũng nể phục. Chỉ bằng con mắt và những khúc tre, ông Thịnh bao năm qua miệt mài đưa nước về đồng áng cho dân bản. Đối với người nông dân, việc đồng áng có những “cỗ máy” tự vận hành mà mang nước cứu hạn hán là việc làm quý giá.

Nỗi vất vả đồng áng của người dân được những cọn nước gánh bớt đi nhiều

Guồng nước không phải do ông Thịnh sáng tạo ra, đó là sự sáng tạo của đồng bào vùng cao của nền văn minh lúa nước từ lâu đời, nhưng ông Thịnh tiếp thu được tinh hoa của người đi trước, ông tự mày mò với những công việc mà ông hiểu dân bản rất cần. Đối với đồng bào Mường làm lúa nước ở Hòa Bình, những chiếc guồng nước không đơn giản chỉ là những cố máy mang nước lên đồng cao, mà còn là nét văn hóa đậm nét mang tính cộng đồng cao của dân bản.

Trợ thủ đắc lực cho dân bản.

Nông nghiệp hóa, hiện đại hóa đã giúp đồng áng của đồng bào có những ngày mùa ấm no. Tuy nhiên, nói như thế không phải những cọn nước đã đi vào dĩ vãng bởi đối với dân bản những công trình kênh mương kiên cố hóa chỉ hợp với nơi đồng bằng, còn đồng cao như bản Mường thì cọn nước vẫn còn nguyên giá trị. Nhờ những cọn đưa nước, dẫn nước mà con người lao động giảm được bao công sức nhọc nhằn, các cô gái chẳng phải sáng sáng dậy sớm đi xa hàng chục cây số gùi nước về dùng, việc đồng áng cũng được cọn đưa nước đến tận nơi cho những ngày sinh hoạt.

Ông Thịnh cho biết: “Trước kia, dân bản có những cuộc thi thố để những người có tài thể hiện. Khi ai đã được chọn là người tài giỏi việc đồng áng thì của dân bản sẽ được tìm cách để bà con có mùa bội thu mà bớt được vất vả. Những cuộc “giao ban” đầu bờ là để được mùa và thể hiện tình đoàn kết giữa người lao động với nhau”.

Đưa nước lên đồng cao

Những năm trước đây, công việc của người làm “máy” đưa nước lên cao thì  phải chuẩn bị nguyên vật liệu thật kĩ lưỡng, có khi mất cả tháng trời để chặt tre, vót, đục rồi phơi khô. Đặc biệt, nơi đặt phải chọn kỹ lưỡng, người có kinh nghiệm mới làm được việc này. Vì dẫn nước không chỉ cho riêng một hộ gia đình mà còn cho cả cánh đồng nơi ấy nữa. Người ta sẽ chọn một thanh gỗ chính để làm trục giữa của cọn, thanh gỗ này phải là loại gỗ vừa nhẹ, vừa bền và có khả năng chịu nước tốt. Tiếp đến là công đoạn làm nang cọn, nang cọn được làm bằng những câu vầu có thân thẳng, nhỏ và phải là loại vầu già đủ tuổi.

Tùy theo độ cao thấp, mực nước của nơi cần dẫn nước đến và nguồn nước mà người làm cọn sẽ quyết định kích thước của cọn thông qua độ dài ngắn của nang cọn. Sau đó, những cây nứa già ở trên rừng đem về sẽ được chẻ mỏng rồi ghép lại thành từng tấm phên mỏng hình chữ nhật để làm cánh quạt nước cho cọn. Nước chảy tác động vào những tấm phên này sẽ tạo ra lực đẩy làm quay cọn.

Những cây vầu già đủ tuổi sẽ được chọn, vót và uốn để cố định vòng ngoài và vòng trong giữa các thanh nang cọn nhằm giữ cho cọn không bị xô lệch và đúng kích thước. Thông thường, lớp cọn nước sẽ được buộc cố định bằng hai chạc làm giá đỡ hai bên trục của cọn, phía dòng nước chảy về phía cánh quạt của cọn sẽ có hai cây gỗ có chạc hình chữ V để nâng đỡ và giữ cố định cho cọn.

Những cọn nước không chỉ hữu ích với nông nghiệp mà còn mang đậm nét văn hóa 

Công đoạn quan trọng nhất trong việc làm cọn là việc đặt và bố trí những ống đựng nước trên thân cọn. Thông thường mỗi ống đựng nước được buộc kèm và chéo theo mỗi cánh quạt nước. Tuy nhiên, cần bố trí độ dày mỏng và đặt những ống nước ra sao để khi cọn quay, nước sẽ được múc đầy ống và đổ đúng máng dẫn nước. Đó cũng là lí do vì sao chỉ những già làng có nhiều kinh nghiệm mới là người trực tiếp được buộc ống nước, khiến cọn không bị lỗi nhịp khi guồng nước quay.

Giờ cọn nước đã không còn nhiều ở những cánh đồng xứ Mường, bởi những con suối chảy qua đã cạn dần. Song, cọn nước đối với dân làm nông nghiệp ở Kim Bôi vẫn là “cỗ” máy hữu ích bởi nó hoạt động hiệu quả và bền bỉ mà không tiêu tốn đến dòng điện hay giọt dầu nào cả. Đó là những chiếc máy đắc lực đối với người dân mỗi ngày mùa bội thu.