Xem bói đầu năm: Mất tiền rước lo vào người

ANTĐ - Với mong muốn có một năm suôn sẻ, vào dịp đầu xuân, nhiều người dân đã đổ xô đi xem bói, lá số tử vi khiến dịch vụ “dự báo tương lai” được dịp hốt bạc. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều chuyện dở khóc, dở cười.

Xem bói đầu năm: Mất tiền rước lo vào người ảnh 1Mỗi người cần thận trọng khi đi xem bói

“Chém” như thánh phán

Vốn là dân kinh doanh nên khi nghe nói có ông “thầy” ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) nổi tiếng cao tay, vợ chồng anh Đoàn Mạnh Lân (trú tại phố Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình) đã tìm đến nhà “thầy” xin được diện kiến. Do “thầy” khá đông khách nên anh Lân phải liên hệ qua một người trung gian và đặt lịch từ trước Tết.  Mặc dù “thầy” nói lễ tùy tâm, song chứng kiến những người đặt lễ trước đó, anh Lân cũng nhẹ nhàng để lên ban thờ 1 triệu đồng.

Khi biết vợ anh Lân năm nay có sao Kế Đô chiếu mệnh, hai vợ chồng đã sinh được 2 cậu con trai, “thầy” phán xanh rờn: “Kế Đô là sao xấu, dễ bị hao tổn về tài lộc, sức khỏe, bế tắc và hoạn nạn nên để cách hóa giải tốt nhất là tiếp tục mang thai và phải sinh thêm con gái”.

Từ hôm đó, không khí gia đình anh Lân lúc nào cũng căng như dây đàn. Nguyên nhân là do vợ anh rất khó có khả năng sinh con thứ ba vì tuổi đã cao, sức khỏe yếu, còn anh Lân luôn có cảm giác bất an. “Cứ nói đến chuyện sinh nở là vợ chồng tôi lại hục hặc, cãi cọ. Vợ tôi thì một mực nói không, còn tôi thì chỉ lo nếu không làm theo lời “thầy” lỡ có chuyện không may xảy ra thì… Biết thế này chẳng xem bói cho xong” - anh Lân thở dài.

Tục đi xem bói đầu năm đã trở thành thông lệ của nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ. Sinh năm 1987 nhưng chưa có mảnh tình vắt vai, bạn Hoàng Minh Hà (ở phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) khiến cha mẹ rất sốt ruột. Do vậy, ngay khi vừa kết thúc đợt nghỉ Tết, Hà được mẹ tháp tùng đến nhà một “thầy” ở quận Hà Đông để “xem tình duyên năm nay thế nào”. Hà kể: “Mẹ em vừa hỏi năm nay liệu cháu có việc hỷ không thì “thầy” đã giội ngay gáo nước lạnh: Tiền duyên còn chằng chịt, lằng nhằng thế này thì hỷ thế nào được. Trước hết phải làm lễ cắt tiền duyên, sau đó  làm lễ cầu duyên.

Khi được hỏi tổng số tiền phải chuẩn bị làm lễ là bao nhiêu, “thầy” lạnh lùng: Thấp nhất là 8 triệu đồng. Nếu muốn làm tại nhà, gia đình phải lo chi phí đi lại cho “thầy”. Thời gian chậm nhất là Rằm tháng Giêng, nếu không sẽ quá muộn”. Sau khi nghe thầy phán, dù bán tín bán nghi nhưng Hà vẫn phải răm rắp theo sự sắp đặt của mẹ. Còn bà mẹ, dự định mua chiếc xe đạp điện cho cậu con trai út đi học đành phải gác lại do số tiền được ưu tiên chi cho lễ cắt tiền duyên của cô con gái.

Hành nghề mê tín di đoan có thể bị tù

Nắm bắt tâm lý của nhiều người, các “ông thầy”,  “bà cô” cùng những điểm bói toán mọc ra ngày càng nhiều và tài năng cũng được thổi phồng qua những lời truyền miệng. Bên cạnh đó,  tại các  nơi công cộng như đền chùa, công viên, vườn hoa… vào đầu năm cũng xuất hiện không ít thầy bói từ xem tay đến xem tướng. Mặc dù theo các “thầy” phí là tùy tâm, nhưng thông thường, số tiền khách đặt dao động từ 100 - 500 nghìn đồng, thậm chí lên đến tiền triệu. 

Để tạo sự tin tưởng của người xem, các “thầy” thường dùng chiêu chia sẻ thân phận. Rằng “thầy” vốn là người bình thường, qua một trận ốm thập tử nhất sinh hoặc một biến cố nào đó bỗng dưng được “thánh” cho lộc nên có thể biết trước tương lai, hậu vận của những người khác. Ngoài ra, họ còn sử dụng đội ngũ “cò mồi” chuyên thêu dệt thêm thông tin nhằm thu hút khách từ nơi xa.

Không chỉ xem bói trực tiếp, hiện trên smartphone cũng xuất hiện khá nhiều các ứng dụng tử vi, bói toán. Để nhận được những lời tiên đoán về tương lai của mình, người dùng cần nhập ngày, giờ sinh, nhưng chủ yếu chỉ là những thông tin khá chung chung, mơ hồ. Muốn xem bình giải đầy đủ về mọi mặt từ tiền tài đến sức khỏe, công danh, vận hạn, người dùng phải nạp tiền bằng cách thanh toán bằng thẻ tín dụng quốc tế hoặc thẻ điện thoại. Tuy nhiên, độ tin cậy về những thông tin này thì không ai dám khẳng định.

Tiến sỹ Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Phát triển cộng đồng cho rằng, mong muốn được biết trước tương lai để hóa giải cái xấu, thúc đẩy cái tốt, nhằm làm cho cuộc sống sung túc, no đủ, tránh được tai ương là nguyện vọng chính đáng của mỗi người. Song, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người dân, một số đối tượng hành nghề mê tín dị đoan đã tổ chức bói toán, đưa ra những thông tin thiếu căn cứ khoa học, không có tính xác thực nhằm mục đích trục lợi. 

Bộ luật Hình sự 2015 cũng đã có quy định về “Tội hành nghề mê tín dị đoan”. Theo đó, người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Làm chết người; Thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 3-10 năm.

Thực tế đã có không ít trường hợp vì quá tin vào bói toán mà gia đình đang êm ấm, hạnh phúc bỗng dưng lục đục, mâu thuẫn. Dân gian có câu “bói ra ma, quét nhà ra rác”, để tránh tiền mất, tật mang, mỗi người cần thận trọng khi đi xem bói đầu năm.