Xe tăng Mỹ thua kém hàng Nga ở điểm gì?

ANTD.VN - Theo trang Business Insider, xe tăng Mỹ đang thiếu đi khả năng tự vệ chủ động trong khi đó, Nga cùng nhiều nước khác lại chú trọng vào lĩnh vực này và đạt được nhiều thành quả quan trọng.

Vào năm 2006, Israel triển khai xe tăng Merkava đến chiến đấu với các trung đoàn Hezbollah tuy nhiên, họ vẫn phải hứng chịu những tổn thất đáng kể do trúng tên lửa chống tăng, chủ yếu có nguồn gốc từ Nga.

Đến xung đột tại dải Gaza vào năm 2014, mặc dù Hamas cũng có các loại vũ khí chống tăng uy lực, tuy nhiên, không một chiếc Merkava hay phương tiện bọc thép của Israel chịu thiết hại. Tất cả là nhờ hệ thống tự vệ chủ động (APS) Trophy mà Israel mới trang bị thêm.

Trong khi đó, Mỹ, do chưa từng đối đầu với một đối thủ xứng tầm trên mặt đất nào trong hàng thập kỉ qua nên các xe tăng chủ lực như M1 Abrams đều thiếu đi các hệ thống APS hữu dụng. 

Xe tăng M1 Abrams bị chê là kém hơn các đối thủ cùng loại ở khả năng tự vệ chủ động

Đến nay, một lực lượng giới hạn của Mỹ đang cố vấn và hỗ trợ hoạt động chống khủng bố ở Syria, nơi hiện đang có đến ít nhất 8 loại tên lửa chống tăng được sử dụng. Các loại nguy hiểm nhất có nguồn gốc từ Nga và điều này đã vô tình để lộ ra sự cần thiết của việc hiện đại hóa hệ thống phòng thủ chủ động của xe tăng.

Tuy nhiên, việc phát triển ra một hệ thống APS thích hợp cho các lực lượng bộ binh  và lính thủy đánh bộ không phải là điều dễ dàng. Ngay cả khi Mỹ mua sẵn hệ thống Trophy của Israel, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải cân nhắc.

Ví dụ, lực lượng lính thủy đánh bộ cần một loại APS có thể được triển khai trên các tàu đổ bộ, chịu được ăn mòn của nước biển. Hệ thống APS, nếu không sử dụng cẩn thận, cũng hoàn toàn có thể ảnh hưởng lẫn nhau khi cùng làm việc trên chiến trường.

Do hệ thống APS cần hoạt động trong từng phần trăm giây, không người nào có thể điều khiển được, nó phải hoàn toàn tự động.

APS cũng thường xuyên phóng ra các đầu đạn đánh chặn để ngăn rocket từ quân địch và điều này hoàn toàn có thể làm tổn thương chính quân đội của mình. Do tiêu chuẩn an toàn trong sử dụng vũ khí của Mỹ cao hơn những nước khác, một hệ thống APS mà quân đội họ sử dụng cũng cần hoàn hảo hơn bất kì hệ thống nào cùng loại trên thế giới.

Xe tăng Armata của Nga

Trong khi đó, Nga đã ra mắt thế hệ xe tăng Armata T-14 mới với hỏa lực mạnh hơn, giáp khó xuyên thủng hơn và đặc biệt là hệ thống APS hiện đại.

Theo tờ Izvestia, hệ thống dò tìm tia cực tím trên T-14 có khả năng phát hiện ra các loại tên lửa, lựu đạn từ mọi hướng, từ đó, cải thiện đáng kể khả năng tự vệ của chiếc xe tăng.

Hệ thống APS Afganit trước đây của Nga chỉ dựa vào một loạt các radar nhỏ cài đặt xung quanh chiếc xe tăng nhằm dò tìm các tên lửa bay tới. Tuy nhiên, radar có thể dễ dàng bị nhầm lẫn bởi các đường đạn hình cong hoặc quá nhiều mảnh đạn nổ ra khi giao chiến hay các hệ thống làm nhiễu sóng của đối phương.

Chính vì vậy, hệ thống APS mới đã làm việc theo một nguyên lí khác, nhằm dò tìm các photon tia cực tím của những vệt không khí được tạo ra bởi đường đạn của tên lửa. Hệ thống này không chỉ phát hiện ra một quả tên lửa vừa được phóng, mà còn tính toán được đường đạn và tốc độ, từ đó đưa ra các phương pháp ngăn chặn mối đe doạ thích hợp.

Theo Business Insider, Armata T-14 chưa trải qua thực chiến nhưng rõ ràng, đây là lĩnh vực mà Nga đang tỏ ra chiếm ưu thế hơn Mỹ.