Xe tải Trung Quốc rầm rập vào Việt Nam

ANTĐ - Do chính sách siết chặt kiểm soát trọng tải xe nhằm tiến tới chấm dứt tình trạng xe quá tải nên nhu cầu xe tải trong nước tăng mạnh. Trung Quốc nhân dịp này gia tăng xuất khẩu xe tải vào Việt Nam.

Kích cầu cho “ông hàng xóm” 

Do chính sách kiểm soát trọng tải xe khiến nhu cầu xe phục vụ sản xuất và giao thông tăng mạnh. Tuy nhiên, doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất xe tải trong nước ít được hưởng lợi từ chính sách này. Thay vào đó là các nhà sản xuất của Trung Quốc và doanh nghiệp nhập khẩu xe của Việt Nam. Theo Vụ Kinh tế dịch vụ (Bộ KH-ĐT), 6 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã nhập trên 56.000 ôtô nguyên chiếc, tăng khoảng 30.000 xe so với cùng kỳ 2014. Trong đó, xe từ 9 chỗ trở xuống chỉ khoảng 18.000 xe, còn lại trên 36.000 chiếc là xe tải và xe khách. 

Theo đại diện một doanh nghiệp chuyên sản xuất, lắp ráp xe tải trong nước, xét về giá, xe nhập khẩu từ Trung Quốc không rẻ hơn xe sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam, bởi các doanh nghiệp ô tô Việt Nam được hưởng ưu đãi từ tỷ lệ nội địa hóa. Xét về chất lượng, xe sản xuất tại 2 nước có chất lượng tương đồng, không chênh lệch nhiều.

Xe tải Trung Quốc rầm rập vào Việt Nam ảnh 1

Nhiều ý kiến lo ngại về chất lượng của các xe tải nhập khẩu từ Trung Quốc

 Vậy vì lý do gì, xe tải Trung Quốc lại rầm rập vào Việt Nam, trong khi xe trong nước dường như chỉ “đứng nhìn”? Đại diện doanh nghiệp này cho biết: “Thực tế các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe tải trong nước chưa hưởng lợi gì. Thậm chí một số doanh nghiệp chuyên nhập xe tải trọng lớn (loại xe nhập nhiều trong thời gian qua) còn bị giành mất thị phần. Nếu coi chính sách kiểm soát trọng tải xe như một cơ hội, thì nó lập tức bị vô hiệu khi nhiều chính sách khác lại thắt chặt hơn trước”. Có thể kể đến yêu cầu kiểm định khí thải, kiểm nghiệm linh kiện, gương kính, bình dầu, đăng ký bản quyền…

“Các quy định này đã có từ lâu, nhưng giờ thắt chặt hơn, đòi hỏi doanh nghiệp cần nhiều thời gian và tốn kém chi phí hơn. Do đó, xe mới ra đời sẽ không đúng thời điểm, chậm hơn nhu cầu thị trường. Lúc thị trường cần thì doanh nghiệp chưa xong thủ tục”- vị đại diện doanh nghiệp ô tô nói.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông sau khi nghe báo cáo về tình hình nhập khẩu xe ô tô đã nhận xét: “Chính sách kiểm soát trọng tải xe đã vô tình kích cầu cho “ông hàng xóm” xuất khẩu! Các chính sách có liên quan đến nhau. Mỗi lần thay đổi chính sách, cần chuẩn bị để doanh nghiệp lường trước, có được sự cảnh báo tốt hơn”.

Cần chính sách cụ thể, thống nhất

Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng, nếu nhập khẩu ô tô tải tăng, có nghĩa nhu cầu vận tải hàng hóa trong nước tăng. Đây là tín hiệu tốt của sản xuất, tiêu dùng. Nhưng đằng sau nó là vấn đề phát triển công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ. “Xe tải dễ nội địa hóa hơn. Tại sao trong nước không làm được?”. Lãnh đạo Bộ KH-ĐT nhấn mạnh: “Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ nếu doanh nghiệp có sản phẩm đủ khả năng cạnh tranh. Chúng ta sẽ chỉ cho nhau cách đi như thế nào khi có sản phẩm cụ thể.

Cần chấm dứt cách làm chỉ đưa ra chính sách vĩ mô không phù hợp với thực tế cuộc sống. Chính sách cứ trở đi trở lại với miễn thuế, ưu tiên đất đai, lãi suất… nhưng doanh nghiệp còn cần gì nữa”?- Thứ trưởng Đặng Huy Đông gợi mở.

Là tỉnh có nhiều doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đóng trên địa bàn, đại diện Sở KH-ĐT Vĩnh Phúc cho rằng, cần cụ thể hóa và đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ. Bên cạnh đó, cần hàng loạt các chính sách như: kéo dài thời gian cho vay từ quỹ khoa học công nghệ lên 7-10 năm; hưởng hỗ trợ từ vườn ươm doanh nghiệp…

Phía doanh nghiệp sản xuất ô tô lại cho hay, để ngành này phát triển thì ưu đãi là cần thiết. Tuy nhiên, nếu chính sách “cong vênh” nhau, doanh nghiệp không cho ra đời xe đúng thời điểm thì dù có được ưu đãi, doanh nghiệp cũng không vay vốn làm gì.