Xe sang "lách" thuế

ANTD.VN - Mới đây, Bộ Tài chính đã có công văn hỏa tốc gửi tới Tổng cục Hải quan về việc xử lý Công ty Cổ phần ô tô Âu Châu (Euro Auto) khi phát hiện công ty này có dấu hiệu gian lận thương mại trong quá trình kiểm tra. Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã có các cuộc thanh tra vào các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô, truy thu hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các doanh nghiệp gian lận thuế bằng việc nhập xe sang thông qua hình thức biếu, tặng.

Xem xét khởi tố hành vi gian lận thương mại

Đối với trường hợp Euro Auto, Bộ Tài chính cho hay công ty này đã tự ý tiêu thụ hàng hóa (ô tô nhập khẩu BMW) khi chưa được cơ quan hải quan cho thông quan trong thời gian được giao bảo quản chờ hoàn thành việc thông quan theo quy định; Cố ý không cung cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và các hồ sơ, chứng từ, tài liệu của ô tô BMW do công ty nhập khẩu, có dấu hiệu gian lận lừa dối khách hàng.

Đặc biệt, theo Bộ Tài chính, Euro Auto có dấu hiệu sử dụng tài liệu giả như hợp đồng mua bán, hóa đơn thương mại... để nhập khẩu ô tô BMW. Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục Hải quan tạm dừng thông quan các lô hàng nhập khẩu xe ô tô BMW (trừ đối tượng ưu đãi, miễn trừ ngoại giao).

Đồng thời Tổng cục Hải quan làm việc cụ thể với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để xem xét khởi tố vụ án đối với những hành vi sai phạm của Công ty Cổ phần ô tô Âu Châu theo quy định.

Chỉ ít giờ sau thông tin này, Euro Auto đã lập tức có thông tin phản hồi. Ông Đỗ Minh Trí, đại diện truyền thông của Euro Auto cho biết, các nghi vấn của Bộ Tài Chính được nêu ra trong thông cáo gửi các cơ quan truyền thông đã được Euro Auto giải trình theo yêu cầu.

“Hiện tại chúng tôi vẫn đang trong quá trình cung cấp và giải trình các tài liệu liên quan trước khi nhận được kết quả cuối cùng”, đại diện Euro Auto nói. Euro Auto cũng khẳng định kinh doanh trên tinh thần tuân thủ theo pháp luật và hướng đến quyền lợi của khách hàng, người tiêu dùng.

“Trong trường hợp các giải trình của Euro Auto không được chấp nhận, công ty chúng tôi sẽ bảo lưu quyền được yêu cầu sự hỗ trợ và can thiệp của các cơ quan có thẩm quyền khác nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp”, đại diện doanh nghiệp cho hay. 

Bình luận về động thái của Bộ Tài chính, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico cho rằng, đây là lần hiếm hoi Bộ Tài chính yêu cầu xử lý kịp thời như vậy.

“Trước kia, các doanh nghiệp nhập khẩu rất lâu rồi Bộ mới yêu cầu kiểm tra, xem xét. Việc phát hiện doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm và lập tức chỉ đạo dừng thông quan để kiểm tra sẽ ngăn chặn được ngay lập tức và xử lý rõ ràng nếu doanh nghiệp có sai phạm. Nếu trường hợp có dấu hiệu vi phạm luật hình sự, Tổng cục Hải quan hoàn toàn có quyền khởi tố”, luật sư Trương Thanh Đức nói.

Đối với các dấu hiệu vi phạm của Euro Auto mà Bộ Tài chính đưa ra, theo luật sư Trương Thanh Đức, nếu hàng hóa chưa được thông quan hoặc chưa có những giấy tờ xuất xứ theo quy định của pháp luật mà đã bán thì là bất hợp pháp. Còn hành vi làm giả hợp đồng mua bán, hóa đơn thương mại... để nhập khẩu là hành vi gian lận thương mại, trốn thuế khi giá trị ghi trên hợp đồng, hóa đơn không tương ứng với giá trị hàng hóa.

Riêng với hành vi lừa dối khách hàng thì chưa rõ ràng. “Nếu mua bán theo kiểu đang hoàn thiện hồ sơ thì cũng giống như mua bán nhà trong tương lai, khách hàng biết rõ điều này và nếu hàng hóa không đáp ứng được, công ty sẽ phải trả lại cho khách hàng”, luật sư Trương Thanh Đức phân tích.

Nhiều chiêu “lách” thuế

Thời gian gần đây, Bộ Tài chính đã yêu cầu Tổng cục Hải quan và các Cục Hải quan địa phương mở đợt thanh kiểm tra lớn nhằm vào các doanh nghiệp nhập khẩu xe ô tô cả chính hãng lẫn theo hình thức biếu, tặng. Qua đó, đã ra quyết định truy thu hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế.

Điển hình như quyết định truy thu thuế 719 tỷ đồng đối với Công ty Tân Thành Đô - nhà phân phối xe Land Rover, Jaguar và Volkswagen tại Việt Nam sau khi phát hiện việc khai báo trị giá hải quan thấp.

Cụ thể, sau khi phát hiện việc khai báo trị giá hải quan thấp hơn so với thị trường và có sự chênh lệch với trị giá khai báo của cơ quan hải quan, Cục Hải quan TP.HCM đã rà soát hoạt động nhập khẩu ô tô của công ty này trong vòng 5 năm qua. Qua đó, Cục đã kiến nghị với Tổng cục Hải quan quyết định ấn định thuế và truy thu số thuế chênh lệch trên.

Ngay cả đối với vụ việc của nhà nhập khẩu BMW - Euro Auto, đây không phải là lần đầu tiên doanh nghiệp này dính đến những sai phạm trong các hoạt động kinh doanh và thuế. Trước đó, năm 2015, Tổng cục Thuế đã có quyết định truy thu và phạt Euro Auto BMW, tổng số tiền 6,588 tỷ đồng.

Lý do khiến BMW Euro Auto bị truy thu và phạt khoản tiền hàng tỷ đồng này là bởi hành vi kê khai giá bán ra của các xe có giá trị thấp hơn giá trị giao dịch thông thường. Số tiền phạt này mới chỉ áp dụng dựa trên kiểm tra sổ sách năm 2013 của Công ty Euro Auto BMW.

Hồi năm 2012, Euro Auto BMW đã từng bị Cục Hải quan TP.HCM ra quyết định truy thu số tiền thuế là 82,9 tỷ đồng sau khi tiến hành kiểm tra sau thông quan tại doanh nghiệp từ đầu năm 2010 đến hết tháng 6-2012.

Lý do bởi có nhiều khoản chi phí đáng lẽ phải cộng vào trị giá nhập khẩu hàng hóa để tính thuế, nhưng công ty đã “quên” khai báo. Không chỉ đối với các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp nhập khẩu xe nhỏ cũng áp dụng rất nhiều chiêu trốn thuế để giảm giá thành xe, cạnh tranh không lành mạnh.

Đại diện một doanh nghiệp nhập khẩu ô tô tại Hà Nội cho biết, một số doanh nghiệp nhập khẩu xe nhỏ thường áp dụng “chiêu” nhập khẩu song song, bằng cách lập một công ty ở nước thứ ba để nhập xe rồi bán lại cho doanh nghiệp ở Việt Nam với giá ghi trong hóa đơn thấp hơn giá thực tế để giảm thuế, qua đó giảm giá bán xe.

Một chiêu nữa là khai hải quan cố tình “bỏ quên” một số chi tiết, phụ kiện đi kèm để giảm thuế. Thậm chí, để tránh phát hiện và bị truy thu thuế, một số doanh nghiệp đóng cửa hoặc khai báo phá sản sau một thời gian kinh doanh. 

Để voi chui lọt rồi mới đuổi?

Không chỉ tập trung vào các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô chính hãng, gần đây, Bộ Tài chính đã tiến hành kiểm tra và đang tiến hành một đợt truy thu thuế đối với ô tô nhập khẩu theo diện biếu, tặng.

Theo Bộ Tài chính, trong 9 tháng đầu năm 2016, đã có hơn 1.070 xe ô tô nhập khẩu vào Việt Nam theo diện quà biếu, tặng. Các xe biếu tặng theo thống kê đều là những dòng xe cao cấp, đắt tiền, có dung tích động cơ lớn và chịu biến động lớn về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt sau ngày 1-7-2016. 

Trước sự đổ bộ ào ạt của xe ô tô nhập khẩu thuộc diện quà biếu, tặng, cơ quan chức năng đã vào cuộc, tiến hành kiểm tra giá trị khai báo và xác định lại trị giá tính thuế của các ô tô thuộc diện này.

Cơ quan hải quan đã xác định lại trị giá tính thuế (tăng so với khai báo) của 871 xe ô tô, số thuế tăng thêm 887,9 tỷ đồng. 87 xe có mức giá khai báo thấp hơn mức giá tại cơ sở dữ liệu trị giá, cơ quan hải quan đang tiếp tục xử lý thuế với số thuế dự kiến thu bổ sung khoảng 16 tỷ đồng... 

Theo luật sư Trương Thanh Đức, để xảy ra tình trạng các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô gian lận, trốn thuế, trách nhiệm chính là ở cơ quan quản lý, vì vậy cần xử lý nghiêm từ các đơn vị để xảy ra sai phạm.

“Cơ quan chức năng cần làm rõ, nếu chứng minh doanh nghiệp cố tình gian lận, vi phạm hình sự hoặc cán bộ hải quan có dấu hiệu bắt tay doanh nghiệp để gian lận thuế thì phải xử lý hình sự và việc xử lý hình sự cũng phải căn cứ vào thời hiệu xử lý hình sự, nếu hết thời hiệu thì không xử lý nữa” - luật sư Trương Thanh Đức nhận định - “Đối với những hành vi gian lận thuế, cơ quan chức năng cần siết chặt quản lý ngay từ khâu đầu, tránh để tình trạng doanh nghiệp vi phạm thời gian dài rồi mới truy thu. Hiện nay thời hiệu xử lý vi phạm hành chính nói chung thông thường 1-2 năm nhưng riêng Luật Thuế lại quy định thời hiệu xử lý hành vi liên quan đến trốn thuế lên tới 5 năm và việc truy thu thuế là 10 năm kể từ thời điểm phát hiện vi phạm. Quy định này theo tôi là bất cập, vì như vậy toàn bộ những yếu kém, bất cập trong công tác quản lý của cơ quan Nhà nước đổ hết lên đầu doanh nghiệp. Vì anh cứ túc tắc làm, đúng sai không quan trọng, nhiều năm sau vẫn không thoát khỏi tay anh”.